Sáng nay (20/6), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 để thông qua các kế hoạch kinh doanh trong năm 2020.
Năm 2019, ngân hàng lãi trước thuế 12.838 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018. Sau khi trích các quỹ, ngân hàng nâng lợi nhuận tích lũy chưa phân phối lên 17.634 tỷ đồng. Techcombank sẽ tiếp tục không chia nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính. Tính đến cuối năm trước, tỷ lệ an toàn vốn ở mức 16,6%, cao nhất trong số các ngân hàng.
Đáng chú ý, tại đại hội này, lần đầu tiên ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT đã chia sẻ lý do ngân hàng tập trung nhiều nguồn lực cho vay vào lĩnh vực bất động sản cũng như các khách hàng lớn.
Tập trung vào các "ông lớn"
Theo ông Hồ Hùng Anh, ngay từ đầu, Techcombank đã đi theo nguyên tắc tập trung cho vay vào một số lĩnh vực, phân khúc mà tại đó ngân hàng tự tin có thể kiểm soát tốt nhất rủi ro và đạt được thị phần lớn nhất.
Với lĩnh vực bất động sản, vị này cho biết, ngân hàng đã ưu tiên phát triển từ 5 năm trước và đây là lĩnh vực mà Techcombank có lợi thế, đánh giá sẽ là lĩnh vực phát triển nhanh và thực tế đã cho thấy điều đó.
“Bất động sản là lĩnh vực ngân hàng có thể tập trung vào việc kiểm soát rủi ro và xây dựng business. Rõ ràng thị trường bất động sản trong những năm vừa qua đã phát triển tốt, Techcombank cũng xây dựng và kiểm soát được rủi ro để tạo ra giá trị cho ngân hàng và khách hàng”, ông Hùng Anh nói.
Trong dịch bệnh vừa qua, các lĩnh vực ảnh hưởng lớn nhất là hàng không, dệt may, du lịch…, có tác động đến Techcombank nhưng không nhiều. Việc kiểm soát rủi ro của những lĩnh vực trên thực hiện theo mô hình khác nên ngân hàng rất thận trọng trong việc chưa xây dựng được mô hình nếu không phát triển khách hàng. Phương châm của ngân hàng là chỉ lựa chọn một số khách hàng tốt.
Đơn cử, trong lĩnh vực vui chơi giải trí, Sun Group và Vingroup chiếm 70% thị phần. Techcombank không nghĩ sẽ tiếp tục phát triển mở rộng các khách hàng khác vì chỉ cần tập trung tốt vào nhóm này.
Trước câu hỏi của cổ đông về việc nếu thị trường bất động sản đóng băng thì Techcombank sẽ ra sao, tỷ phú Hồ Hùng Anh cho biết, khi xây dựng phương án kinh doanh ban lãnh đạo ngân hàng đều phải đưa ra những kịch bản khác nhau.
“Danh mục bất động sản của Techcombank tương đối lớn nhưng so với các tổ chức tín dụng khác lại không quá cao, và đáp ứng các chỉ số an toàn của các chuẩn. Hoạt động cho vay lĩnh vực bất động sản cũng được phân định rõ ràng đâu là cho vay kinh doanh đầu tư, đâu là cho vay để mua nhà”, ông Hùng Anh nhấn mạnh.
Phát hành gần 4,8 triệu cổ phiếu ESOP
Tại đại hội, HĐQT trình cổ đông phương án phát hành gần 4,8 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cp, dự kiến nâng vốn điều lệ từ 35.001 tỷ đồng lên 35.049 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và quý IV, ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm cụ thể. Cổ phần phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng. Số tiền thu về sẽ được bổ sung vốn cho hoạt động của ngân hàng.
Trước ý kiến về việc chương trình ESOP liệu có hiệu quả để “giữ chân” nhân viên, đại diện Techcombank cho biết dành cho người có thành tích cao từ năm 2017, năm 2018 đánh giá và cấp quyền cho người hưởng. Các yêu cầu đặt ra là về trách nhiệm công việc, đảm bảo khả năng gắn kết.
Techcombank cũng vừa huy động thêm 500 triệu USD qua giao dịch cho vay hợp vốn, con số lớn nhất giữa một ngân hàng Việt Nam với ngân hàng quốc tế.
Lê Lan (Tổng hợp)