Bất đồng TT Trump-Tillerson thành mây mờ che phủ vấn đề Triều Tiên

Bất đồng TT Trump-Tillerson thành mây mờ che phủ vấn đề Triều Tiên

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 5, 14/12/2017 18:00

Trong khi Triều Tiên đang cho thấy tín hiệu muốn đàm phán, sự bất đồng giữa ông Trump và ông Tillerson có thể dập tắt mọi hy vọng.

Nội bộ Mỹ bất đồng

Tiêu điểm - Bất đồng TT Trump-Tillerson thành mây mờ che phủ vấn đề Triều Tiên

Tổng thống Trump liên tục "nắn" phát biểu của Ngoại trưởng Tillerson.

Chỉ hai tuần sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố vụ thử tên lửa mới nhất đã hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói, Washington sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết.

“Chúng tôi đã sẵn sàng để đàm phán bất cứ lúc nào Triều Tiên muốn”, ông Tillerson phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington hôm 13/12.

Ngay lập tức, Nhà Trắng đưa ra tuyên bố bác bỏ lời nói của người đứng đầu ngoại giao Mỹ. Người phát ngôn Nhà Trắng nhấn mạnh thời điểm hiện tại “không phải là lúc thích hợp để đàm phán với Triều Tiên”.

Theo đó, Mỹ sẽ không có cuộc đối thoại nào cho đến khi Triều Tiên "về cơ bản cải thiện hành vi của mình".

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cũng nhanh chóng gỡ rối tình hình khi nói rằng phát biểu của ông Tillerson vẫn đi cùng đường với Nhà Trắng, nhưng vấn đề ở chỗ phía Bình Nhưỡng “chưa cho thấy thái độ nghiêm túc”.

Một lần nữa, quan điểm của Mỹ trong cách xử lý vấn đề Triều Tiên trong nội bộ chính quyền lại có sự bất đồng sâu sắc, cũng như khiến cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo tiếp tục chìm vào sương mờ.

Quan hệ giữa hai ông Trump và Tillerson từ nhiều tháng nay vốn có nhiều khác biệt xung quanh nhiều vấn đề đối ngoại. Trong khi Ngoại trưởng muốn đàm phán với Triều Tiên, ngược lại Tổng thống nói việc này “chỉ phí thời gian”.

Điều này cũng khiến cho bản thân Triều Tiên dù có muốn đàm phán hay không, cũng chưa thể nêu ra ý kiến của mình.

Liệu đàm phán có thành sự thật?

 

Tiêu điểm - Bất đồng TT Trump-Tillerson thành mây mờ che phủ vấn đề Triều Tiên  (Hình 2).

Triều Tiên có thể không muốn đàm phán khi quan điểm của chính quyền Mỹ không đồng nhất.

Chưa bàn đến sự đối lập về quan điểm giữa Nhà Trắng với bộ Ngoại giao, các nhà phân tích bắt đầu tìm hiểu xem nếu Mỹ muốn đàm phán vô điều kiện, liệu chính quyền Kim Jong-un có đồng ý hay không?

Từ lâu đã có giả định rằng, Triều Tiên có thể chuẩn bị ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ khi nước này đã hoàn thành chương trình vũ khí chiến lược của mình.

Sau khi phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-15 lên tầm cao 4.475km, đủ khả năng tấn công lục địa Mỹ hôm 29/11, truyền thông Nhà nước Triều Tiên đã hân hoan ăn mừng khi đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử.

Trong khi một số nhà phân tích nhận định vũ khí chiến lược của Bình Nhưỡng vẫn còn nhiều khuyết điểm, một số quan điểm cho rằng tuyên bố hoàn thành chương trình vũ khí của nước này chính là một tín hiệu gửi đến Mỹ.

“Đó là sự gợi mở - một lời mời nói chuyện dành cho người Mỹ”, nhà quan sát Triều Tiên Go Myong-hyun từ viện Nghiên cứu Chính sách ASAN (Hàn Quốc) nói. “Tôi nghĩ rằng Triều Tiên chắc chắn muốn nói chuyện, họ đã chờ đợi cơ hội để đối thoại”.

Trong bối cảnh đó, việc gửi “nhánh ô liu” của ông Tillerson dường như là động thái kịp thời (hoặc tuyệt vọng) để chuyển từ nguy cơ xung đột sang đàm phán. Trước đó, điều kiện tiên quyết với Mỹ là yêu cầu Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa.

Căn cứ vào việc Triều Tiên đã đạt được thành công lớn trong phát triển vũ khí bên cạnh áp lực từ các biện pháp trừng phạt, các chuyên gia Triều Tiên tin rằng chính quyền Kim Jong-un sẽ đồng ý hoàn toàn yêu cầu phi hạt nhân hóa nếu cảm thấy phù hợp.

Nhiều niềm tin cho thấy Bình Nhưỡng có thể sẵn sàng đóng băng chương trình hạt nhân hoặc tên lửa để đổi lấy sự nhượng bộ từ Mỹ và cộng đồng quốc tế.

“Tuyên bố cho thấy ông Kim dường như có ý định đàm phán”, Andray Abrahamian, một thành viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), bình luận. “Đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết sẽ đỡ rủi ro nhất vào thời điểm này”.

Và nếu cuộc đàm phán được tiến hành - Tillerson cho biết ông sẵn sàng ưu tiên mối quan tâm của Triều Tiên.

“Triều Tiên vẫn nhất quán với những yêu cầu của mình: gỡ bỏ trừng phạt, được công nhận là một quốc gia hạt nhân, chấm dứt thỏa thuận đình chiến 1953 bằng một hiệp ước hòa bình, chấm dứt hiệp ước an ninh song phương Hàn Quốc với Mỹ”, Daniel Pinkston, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Troy nói. “Chính sách và mục tiêu của họ không thay đổi”.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã làm suy yếu quan điểm của ông Tillerson, thậm chí bác bỏ mọi cơ hội đàm phán với Triều Tiên. Do đó, Bình Nhưỡng đang chờ đợi một quan điểm rõ ràng và chính thức đến từ ông chủ Nhà Trắng.

Cũng có ý kiến cho rằng, mong muốn của ông Tillerson có lẽ chỉ như là một sự “cố gắng cuối cùng” và sẽ không bao giờ được Tổng thống Trump đồng ý.

“Điều gì thúc đẩy bộ Ngoại giao làm điều này?”, James Kim từ viện Nghiên cứu Chính sách ASAN đặt câu hỏi. “Đó có phải là vì họ chấp nhận sự thật cần phải đàm phán hay một nỗ lực cuối cùng trước khi Tillerson bị thay thế, hay chỉ đơn giản là phép thử của chính quyền Trump để xem Triều Tiên sẽ nói gì?”.

Theo Asia Times, cơ hội đàm phán có vẻ còn xa vời khi tuyên bố giữa các bên còn mơ hồ, chưa có gì chắc chắn. Trong khi đó Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra quan điểm của mình sau phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, cũng như phản ứng mới nhất từ Nhà Trắng.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ có bài phát biểu vào ngày đầu tiên của năm mới. Giới quan sát đang chờ đợi đây sẽ là thời điểm chính thức Triều Tiên đưa ra phản ứng cụ thể và thông báo chiến lược của mình trong lúc chờ đợi Tổng thống Trump chốt lại một lần cuối cùng về cách tiếp cận của ông.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.