Trong clip, một con rắn hổ mang đang đuổi theo một con cóc trong sân nhà dân. Sau một hồi truy đuổi, con rắn hổ mang có vẻ như đã bắt được con mồi.
Tuy nhiên, khi chuẩn bị tiêm nọc độc chết người kết liễu con cóc, con rắn lại bất ngờ há miệng và thả con mồi ra. Nó mở và ngậm miệng nhiều lần trong bối rối sau đó quay người trườn đi.
Somwong Chantachote, một tình nguyện viên cứu hộ địa phương, người ghi lại cuộc rượt đuổi ở Chachoengsao, Thái Lan, cho biết: "Con rắn hổ mang đã bám theo con cóc trong khoảng 5 phút nhưng nó cứ nhảy đi chỗ khác. Chắc hẳn lớp da độc của con cóc đã khiến nó từ bỏ ý định".
Chất độc chủ yếu có trong cóc là bufotoxin. Thực tế, thịt cóc không chứa nọc độc. Độc tố bufotoxine có trong gan, trứng, da và dịch tiết màu trắng đục từ các tuyến dưới da và mang tai mới là thành phần gây độc.
Thành phần của bufotoxin tùy thuộc vào loài cóc, nhưng chúng được phát hiện có chứa bufotenine, một chất gây ảo giác và serotonin, có tác dụng làm tăng huyết áp.
Bufotoxin thường không gây tử vong cho con người trừ khi nuốt phải.
Hải Vân (T/h)