Trộm đột nhập, phá tủ vàng lúc rạng sáng
Như bao ngày, sau khi cả gia đình ăn cơm tối xong, anh Hồ Hoàng K. (SN 1972, trú huyện X, tỉnh Y) cùng vợ và con trai 16 tuổi kiểm kê, dọn dẹp để đóng cửa hàng vàng bạc của gia đình. Cả nhà ngủ trên tầng 2 của căn nhà 3 tầng. Đến khoảng 2h sáng, trong lúc tỉnh dậy đi vệ sinh, anh K. phát hiện ánh đèn pin dưới tầng 1. Nghi có kẻ trộm đột nhập, anh cẩn thận gọi vợ con tỉnh giấc và tự vệ bằng gậy tre.
Xuống nhà, anh bật điện thì thấy một nam thanh niên đang dùng dao lúi húi định cạy tủ trộm vàng. Anh K. bật điện, tên trộm hốt hoảng vì bị phát hiện. Nhân lúc này, anh dùng gậy đánh vào chân tên trộm khiến đối tượng khuỵu xuống, làm rơi dao, không thể chống cự. Đứa con trai lấy dây trói chân, tay của kẻ trộm lại.
Người vợ chứng kiến sự việc xong, chạy lên tầng 2 vơ vội chiếc điện thoại báo cho cán bộ công an huyện, vẫn hay qua cửa hàng mua đồ. Tuy nhiên, chị gọi mấy cuộc đều không có người nghe máy. Anh K. sau một hồi tra hỏi lý lịch của kẻ lạ mặt nhưng không khai thác được thông tin gì vô cùng bực bội có dùng chân đá vào người tên này mấy cái. Đến 4h40 sáng, sau khi gọi cho cán bộ địa phương vẫn không được, anh và con trai quyết định đưa tên trộm về trụ sở công an huyện để làm việc.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, khi khống chế bắt giữ được kẻ gian thì chủ nhà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc công an để xem xét giải quyết. Nếu bắt được kẻ gian mà nhốt lại đánh đập hoặc bắt giữ mà không báo cho chính quyền địa phương thì hành vi đó là vi phạm pháp luật, xâm hại quyền tự do thân thể, tự do đi lại của công dân.
Vậy trong trường hợp giả định trên, sau khi bắt được kẻ trộm, gia đình anh K. báo chính quyền địa phương nhưng không có ai tiếp nhận vụ việc nên nhốt kẻ gian trong nhà trong hơn 2 giờ đồng hồ thì có bị coi là bắt giữ người trái pháp luật? Báo Người Đưa Tin xin dẫn những ý kiến của luật sư Bùi Thị Hiệp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội xung quanh vấn đề còn nhiều tranh cãi này.
Tỉnh táo để không phạm tội
Trong tình huống trên, sau khi bắt được kẻ trộm cha con anh K. đã xoay xở, làm hết cách để bàn giao tên trộm cho lực lượng chức năng. Cụ thể, anh K. đã gọi điện thoại báo cho công an huyện nhiều lần nhưng không được.
Hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn việc bắt người phạm tội quả tang thì được giữ lại trong thời gian bao lâu. Điều 111, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 chỉ quy định: "Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt....
Trong tình huống trên, vì không báo được công an, trời lại chưa sáng nên gia đình anh K. không thể dẫn giải ngay tên trộm đến cơ quan chức năng gần nhất. Điều này vừa để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình, vừa tránh trường hợp có đồng bọn của đối tượng đến trả thù. Anh K. trói và đánh tên trộm cũng chỉ để khống chế và tự vệ. Hơn nữa, chưa gây thương tích hoặc tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của kẻ trộm. Theo tôi, hành vi của anh K. chưa cấu thành tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157, Bộ luật Hình sự 2015. Việc làm của anh K. vẫn nằm trong khuôn khổ của việc bắt người phạm tội quả tang, phòng vệ chính đáng được pháp luật bảo vệ.
Trường hợp, đến trưa ngày hôm sau, gia đình anh K. vẫn trói tên trộm để trong nhà, đánh đập nhằm tra hỏi hành vi của đối tượng nhằm ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người này thì mới cấu thành tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Khi đó, anh K. có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người dân luôn phải tỉnh táo, nắm rõ quy định của pháp luật để có cách hành xử phù hợp để không bị coi là tội phạm.
Việt Hương