Đã nhiều năm nay, Widya Wisata, một công dân Hà Lan đã luôn đấu tranh để dung hòa con người hiện tại với quá khứ của mình. Các tài liệu pháp lý của cô, bao gồm cả giấy khai sinh nói rõ rằng cô được một gia đình ở Hà Lan nhận nuôi khi cô 5 tuổi. Tuy nhiên, những câu hỏi về quá khứ vẫn còn đau đáu trong tâm trí cô.
Gần đây, những ký ức ngày thơ ấu thấp thoáng hiện về trong tâm trí Widya. Cô mơ hồ nghĩ rằng mình được sinh ra ở Yogyakarta và từng có thời gian sống ở Indonesia. Cũng trong những ngày này, cô luôn mường tượng lại hình ảnh mẹ mình. Đôi lúc, cô tự hỏi "Mẹ đang ở đâu?", "Mẹ có bao giờ nhớ về con không?",...
Cô ghi lại câu chuyện đời mình trong một bức thư ngỏ với mẹ ruột, được đồng nghiệp tên Tazia Teresia đăng trên Twitter hôm 15/6. Nỗi đau đáu chắp nối những mảnh ký ức đã mất để tìm ra cội nguồn của Widya thu hút sự chú ý của nhiều người. Chỉ vài ngày sau đăng tải, bài viết đã có 15.000 lượt xem và 16.000 lượt "thích". Một số người còn tự điều tra và chia sẻ cách để cô gái tìm kiếm người thân.
Trong bức thư, cô nhớ mình và mẹ từng quỳ gối trước nhà vua. Cô mô tả rõ ràng những cánh đồng dứa xung quanh nhà của họ ở đâu đó vùng Lampung. Cô cũng nhớ lại ngày mà cuộc sống của cô bị đảo lộn, ngày cô và mẹ từng ở trong tù, ngủ dưới gầm cầu và trên đường phố Jakarta.
"Con biết mẹ đã có những khoảng thời gian khó khăn để kiếm sống nhưng mẹ rất chăm chỉ, cống hiến hết mình. Đôi khi mẹ gửi con cho người giữ trẻ, nhưng con biết mẹ sẽ đến đón con vào cuối ngày” – Widya viết.
Nhưng một ngày, người mẹ mang con gái đến ga xe lửa nhỏ, bảo đi cùng một phụ nữ Trung Quốc. Đứa trẻ ngoan ngoãn vâng lời. Người mẹ không nói lời tạm biệt.
Ba tuần sau, Widya được một cặp vợ chồng Hà Lan nhận nuôi, phải nhập viện vì chứng thương hàn.
"Con đến một đất nước xa lạ, không hiểu ngôn ngữ và có bố mẹ hoàn toàn mới. Dù đã ở đây nhưng con vẫn âm thầm chờ đợi, hy vọng mẹ sẽ đến đón con", Widya viết trong thư.
Widya kể lại rằng người phụ nữ Trung Quốc đã đưa cô đi tên Utari, là nhân viên của một trại trẻ mồ côi. Cô sống trong trại trẻ mồ côi đến tháng 8 năm 1979 trước khi cô bay tới Hà Lan cùng với cha mẹ nuôi.
Năm 1991, Widya trở lại Indonesia và đến thăm Kasih Bunda cùng với cha mẹ nuôi của cô. Ở đó, cô liên hệ mọi cách để tìm mẹ ruột.
Trại trẻ mồ côi sắp xếp giúp Widya một cuộc gặp với người phụ nữ tự xưng là mẹ cô - người có ba con riêng và một người nhận là dì của cô - sống ở Bandung, Tây Java.
Nhưng bà Utari, nhân viên trại trẻ tiết lộ, các giấy tờ pháp lý của Widya bị làm sai lệch khiến cô nghi ngờ mối quan hệ với hai phụ nữ này. Giấy khai sinh của cô ghi ngày 6/11/1975. Giấy nhận nuôi con nói cha mẹ ruột của cô là Sunarti và Kartono. Widya không bao giờ chắc chắn những thông tin này đúng hay sai.
Hành trình tìm mẹ của Widya thu hút hơn 15.000 lượt xem và gần 16.000 lượt thích. Một số người còn tự điều tra và chia sẻ cách để cô gái tìm kiếm người thân.
“Tôi rất buồn vì câu chuyện này, người mẹ ruột hẳn muốn con mình có một cuộc sống tốt hơn” – một người bình luận.
Trang Dung (t/h)