Điểm mặt những vụ hôi của “trắng trợn” năm 2013
Năm 2013 và thời gian trước đó, ở Việt Nam đã xảy ra không ít vụ hôi của đầy “trắng trợn” của người dân trong các sự cố về giao thông.
Khoảng 19h phút ngày 31/3, trên quốc lộ 1A đoạn qua cầu Hương An (Quế Sơn, Quảng Nam), chiếc xe tải mang biển số 92H do một đôi vợ chồng quê Quảng Nam đang trên đường thu mua dưa hấu về tới đây thì chốt thùng sau bung ra, làm hàng trăm quả dưa hấu rơi vung vải nát bét rải gần 1 km.
Đôi vợ chồng ngồi trước cabin nên không biết sự việc xảy ra, chỉ đến khi người đi đường chạy xe máy áp sát tuýt còi báo hiệu mới dừng lại.
Nhiều người dân bên quốc lộ đã chạy ra hôi của, nhặt những quả dưa hấu còn ăn được đem về trước sự bất lực của chủ xe.
Hiện trường vụ hôi bia ở Đồng Nai.
Cũng vậy, khoảng 17h ngày 8/7, một vụ tai nạn giao thông đường bộ đã xảy ra trên quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư, Ninh Bình) làm chiếc container bị hư hỏng nặng, hàng chục ống bê tông công trình trên xe đổ lăn xuống đường gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.
Chiếc xe gặp nạn này chở hàng chục ống bê tông công trình lưu thông hướng Thanh Hóa đi Hà Nam. Khi đến địa điểm trên, do chở quá tải, gặp đường xấu và tránh xe đi ngược chiều, tài xế điều khiển xe bị mất lái khiến xe bị lật.
Ngoài các ống bê tông, trên xe còn chở kèm một lượng xăng dầu lớn. Khi xe bị lật, những thùng dầu này bị rò rỉ ra ngoài. Nhiều người dân đã tự ý đem can, thùng ra để múc xăng về nhà khiến chủ phương tiện rất bức xúc nhưng chẳng làm được gì.
Hai vụ hôi của diễn ra vào đầu và giữa năm 2013 đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn tất dự thảo Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Trong đó, lần đầu tiên hành vi "hôi của" tại các vụ tai nạn được đưa vào văn bản pháp luật để xử lý với mức phạt 5-7 triệu đồng. Cùng chịu khung phạt này là các hành vi ném gạch, đất, đá hoặc vật khác gây nguy hiểm cho người hoặc phương tiện đang tham gia giao thông.
Năm 2014: Báo hiệu là năm hôi của?
Dù đã đưa ra những chế tài để xử phạt cho hành vi hôi của sau những sự cố nghiêm trọng về giao thông. Tuy nhiên, nhiều người dân không ý thức được điều đó, vẫn “ngoảnh mặt làm ngơ” trước quy định đã ban hành.
Bằng chứng là khoảng 12h30, một chiếc xe tải chở hàng ngàn két bia Tiger do tài xế Hồ Kim Hậu (30 tuổi, quê tỉnh Bình Định) điều khiển từ TP.HCM đi TP. Phan Thiết. Khi vừa ôm cua vòng xoay Tam Hiệp do đường đông phương tiện tham gia giao thông nên tài xế Hậu đánh tay lái sang đường Bùi Văn Hòa để tránh va chạm.
Vì đang đi với tốc độ cao nên khi bất ngờ đổi hướng, hàng ngàn két bia Tiger trên thùng xe đã đổ xuống đường. Rất may vụ tai nạn không gây thiệt hại về người. Trong số bia bị đổ xuống đường, ngoài loại bia chai vẫn còn nhiều thùng bia lon.
Thấy bia bị đổ xuống đường, hàng trăm người đi đường cũng như ở xung quanh hiện trường ập tới. Cứ tưởng họ ra giúp tài xế nhặt nhạnh, thu gom để hạn chế thiệt hại. Ai ngờ, họ dọn và mang về nhà để dùng. Khi tài xế can ngăn, những người hôi của còn dọa đánh. Dù lực lượng công an đã có mặt sau đó nhưng cũng đành bất lực trước đám đông đang đổ xô vào và lấy đi những thùng bia.
Đặc biệt, đúng ngày đầu năm mới (1-1-2014). Trên QL 51, đoạn ngang qua ấp 1 - xã Phước Bình - huyện Long Thành; xe tải mang biển số 61L 0399 do tài xế Nguyễn Đình Công Tuấn chở 15 tấn bắp từ Cù Bị (huyện Cẩm Mỹ) về giao cho công ty CP bị đổ tung tóe.
Trong khi chiếc xe tải chở bắp bị tai nạn, nhiều người dân giúp đỡ tài xế thu gom, đảm bảo an toàn giao thông.
Khoảng một tấn ngô từ xe tải văng tung tóe xuống đường. Rút kinh nghiệm từ vụ lật xe chở bia ở Đồng Nai, một số người chạy đến giúp tài xế gom ngô để tránh gây tai nạn cho người đi đường. Tuy nhiên cũng có không ít người “hồn nhiên” chạy ra hốt ngô cho vào bao, thùng chậu mang về nhà dùng.
Nhưng không ít người vẫn quen thói hôi của, "hồn nhiên" xúc bắp mang về nhà.
Điều đáng nói, hầu hết trong những vụ lật xe, tài xế đều “bất lực” trước hành vi hôi của của người dân, dù đã hế lòng khẩn nài, van xin họ giúp đỡ. Thậm chí, thực trạng này diễn ra ngày càng phổ biến khiến không ít người lo lắng. Dường như, đứng trước những lợi ích cá nhân, đạo đức con người ngày càng suy thoái.
Gặp tai nạn ngoài đường, thay vì giúp đỡ người bị nạn, nhiều người “tận dụng” nó để hôi của. Hành vi này rất đáng lên án, bởi nó là biểu hiện sự thiếu văn minh trong cách cư xử và khiếm khuyết trong nhận thức của con người.
An Hạ