Đến thời điểm này, BHXH TP.HCM ghi nhận đang có 824 đơn vị nợ BHXH trên 300 triệu đồng và thời gian 6 tháng với xấp xỉ 1.100 tỷ đồng. Trong danh sách này vẫn là những doanh nghiệp quen thuộc.
Ví như công ty CP Mai Linh miền Nam (quận 1) đang nợ với số tiền gần 55 tỷ đồng, công ty TNHH Nhà máy sửa chữa và đóng tàu Sài Gòn (quận 2) có số nợ gần 40 tỷ đồng (tháng 11/2017, đơn vị này đang nợ chỉ gần 19 tỷ đồng).
Hay công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi) đang nợ trên 28 tỷ đồng. Hiện số nợ của doanh nghiệp này rất khó thu hồi do ông chủ người Hàn Quốc đã bỏ trốn, đến nay vẫn chưa rõ tung tích.
Ngoài ra, còn hàng loạt doanh nghiệp khác nợ số tiền hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ BHXH càng ngày càng có dấu hiệu phình to, cho thấy sự bất lực của ngành BHXH TP.HCM trong việc thu hồi số nợ đọng này.
Theo số liệu của phòng Khai thác và thu nợ, BHXH TP.HCM thì đến hết tháng 9/2017 mới có gần 500 doanh nghiệp có số nợ 300 triệu đồng và thời gian từ 6 tháng trở lên chỉ là 641 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay đã có 824 doanh nghiệp nợ với số tiền gần 1.100 tỷ đồng.
Chưa hết, tính toàn bộ số doanh nghiệp đang nợ BHXH (không khống chế số tiền và thời gian nợ) trên địa bàn thì con số còn "khủng" hơn nhiều. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: “Hiện trên địa bàn thành phố đang có gần 12.500 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền hơn 2.700 tỷ đồng, chiếm 4,2% so với kế hoạch thu năm 2018. Trong số này có gần 2.500 doanh nghiệp nợ trên 6 tháng với số tiền 523 tỷ đồng”.
Cũng theo ông Mến, trong tổng số nợ này có khoảng gần 390 tỷ đồng là khoản nợ không thể đòi. Bởi, gần 1.600 doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích… “Mục tiêu đến hết năm 2018 là cố gắng phấn đấu giảm tỷ lệ nợ xuống còn dưới 3,7% so với tổng thu. Để thực hiện được mục tiêu này, BHXH TP.HCM sẽ phải tập trung rất nhiều giải pháp”, ông Mến nói.
Trong khi đó, tính đến thời điểm này, BHXH TP.HCM mới chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra 1 trường hợp, đó là công ty TNHH Nam Phương (lô B2-9, KCN Tây Bắc Củ Chi, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi). Đây là trường hợp hi hữu vì ông chủ bỏ trốn khỏi trụ sở doanh nghiệp và hàng trăm công nhân đã vây trụ sở công ty cách đây chưa lâu.
Ngoài ra chưa có một trường hợp nào chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, trong khi tại TP.HCM đang có tới hàng ngàn doanh nghiệp nợ các loại bảo hiểm nói trên. Kể cả những trường hợp như công ty CP Mai Linh Miền Nam, công ty TNHH nhà máy sửa chữa và đóng tàu Sài Gòn hay công ty CP Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (đang nợ gần 23 tỷ đồng)... vẫn ung dung "chiễm chệ" trên bảng xếp hạng danh sách "đen" trong thời gian dài vừa qua.
Điều đáng nói, luật BHXH sửa đổi đã có hiệu lực (1/1/2018) với những chế tài mạnh để xử những trường hợp chây ì. Luật sư Nguyễn Mạnh Hòa, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Trường hợp người sử dụng lao động gian dối, dùng thủ đoạn để không đóng BHXH hoặc đóng không đầy đủ từ 6 tháng trở lên thì sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”.
“Thậm chí Luật còn quy định phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm, nếu phạm một trong các tội sau: Trốn đóng BHXH 1 tỷ đồng trở lên, trốn đóng BHXH cho 200 người trở lên hoặc không đóng BHXH đã thu hoặc khấu trừ của người lao động”, luật sư Hòa phân tích thêm.
Các chuyên gia cho rằng, hiện luật và các quy định liên quan đã có, đặc biệt là từ năm 2018, vấn đề còn lại là cơ quan chức năng cần phải mạnh tay để thu BHXH. “Rõ ràng người lao động trong các doanh nghiệp này đang bị ảnh hưởng quyền lợi. Đồng thời, tình trạng này cũng tạo tiền lệ xấu cho các đơn vị khác chây ì, nếu như xử không nghiêm. Việc cần làm là các cơ quan chức năng cần phải quyết liệt và làm mạnh tay, khi công cụ pháp lý đã đầy đủ”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Hùng chia sẻ.