Nhà đầu tư có mặn mà?
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã CK: VCB) đang rao bán 45,6 triệu cổ phần tại ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã CK: EIB) tại sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Phương thức bán cổ phiếu là đấu giá trực tiếp. Thời gian đấu giá dự kiến vào 15h30 ngày 22/10/2018.
Giá khởi điểm được VCB đưa ra là 14.497 đồng/cổ phiếu. Nếu bán thành công trọn lô cổ phiếu nói trên, VCB dự thu ít nhất 661 tỷ đồng.
Hiện tại VCB đang nắm 101.245.131 cổ phần tại EIB (tương đương 8,24% tổng số cổ phần đang lưu hành của EIB). Sau thoái vốn, VCB sẽ chỉ còn nắm giữ hơn 55,6 triệu cổ phiếu EIB và sẽ chính thức không còn là cổ đông lớn (tỷ lệ sở hữu trên 5%) của ngân hàng này.
Việc VCB thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại EIB là yêu cầu bắt buộc theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tuy nhiên với những sóng gió dồn dập xảy ra tại EIB thời gian qua, việc thoái vốn của VCB lúc này được dự báo là sẽ khó đạt mức kỳ vọng.
Tại bản cáo bạch chào bán cổ phần EIB lần này, VCB cũng nhận định khả năng “có thể có rủi ro không bán hết số cổ phần dự định chào bán”, bởi kết quả đấu giá phụ thuộc vào chỉ số thị trường chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư cũng như sức hấp dẫn của cổ phiếu EIB.
Có thể dễ dàng đoán được rằng sau hàng loạt lùm xùm xảy ra tại ngân hàng Eximbank thời gian gần đây, rõ ràng sức hấp dẫn của cổ phiếu EIB đã giảm sút cùng với tâm lý e ngại của nhà đầu tư.
Trong vòng một tuần qua, cổ phiếu EIB trồi sụt nhẹ quanh vùng thị giá từ 13.800 đồng đến 14.100 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức giá khởi điểm mà VCB đang rao bán là 14.497 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là điều nhà đầu tư phải cân nhắc.
Trước đó, thị trường chứng khoán cũng chứng kiến nhiều phiên giảm mạnh của cổ phiếu EIB như một cách thị trường đáp trả những thông tin bất lợi đến từ hoạt động của nhà băng này.
Cụ thể, trước khi xảy ra vụ việc khách hàng Chu Thị Bình bị ông Lê Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Eximbank TP.HCM làm giả giấy tờ chiếm đoạt 245 tỷ đồng vào ngày 28/2/2018, cổ phiếu EIB của ngân hàng này đang trên đà tăng trưởng đầy hưng phấn. Thời điểm cuối tháng 2/2018, có lúc mã này lập đỉnh 16.200 đồng/cổ phiếu, là mức giá cao nhất trong gần 4 năm qua.
Thế nhưng chỉ chưa đầy nửa tháng sau biến cố nói trên, EIB đã giảm điểm tới hơn 12% về vùng thị giá 14.250 đồng/cổ phiếu và từ đó đến nay nó chỉ lình xình quanh mức này.
Sau vụ việc mất 245 tỷ, hàng loạt biến cố nữa dồn dập xảy đến với Eximbank. Sáng 26/3, cơ quan Cảnh sát điều tra (bộ Công an) khám xét trụ sở Eximbank TP.HCM và tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, thực hiện khám xét nơi làm việc và nơi ở đối với Hồ Thị Thủy và Nguyễn Thị Thi (nhân viên Eximbank) về hành vi cố ý làm trái trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài 2 bị can này, Cơ quan cảnh sát điều tra cũng khởi tố thêm 3 bị can khác là nhân viên thuộc Eximbank TP.HCM, về tội "thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp" theo điều 179 Bộ luật Hình sự.
Riêng bị can Lê Nguyễn Hưng, bộ Công an cũng đã khởi tố, phát lệnh truy nã quốc tế về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Hưng được xác định là đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Trước đó, một khách hàng khác gửi tiền tại phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương (tỉnh Nghệ An) bị nhân viên ngân hàng "phù phép" chiếm đoạt 50 tỷ đồng cũng là một thông tin bất lợi đối với ngân hàng này.
“Sức khỏe” èo uột
Trước khi xảy ra hàng loạt vụ khách hàng phản ánh mất tiền trong tài khoản, tình hình kinh doanh của Eximbank cũng đã có dấu hiệu sa sút.
Lợi nhuận trong 2 năm 2014-2015 thu về chỉ chưa tới 100 tỷ đồng, trong khi đây là ngân hàng có quy mô nằm trong top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Việt Nam.
Cổ phiếu EIB cũng từng rơi vào diện bị cảnh báo ngân hàng có khoản lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2016 là hơn 463 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sang năm 2017, Eximbank có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết năm 2017 gần 215,5 tỷ đồng, lãi ròng đạt gần 823 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm 2016. Trong đó, riêng quý IV/2017 đóng góp hơn một nửa với khoảng 447 tỷ đồng. Vì vậy, Eximbank đã khắc phục được tình trạng để cổ phiếu rơi vào diện cảnh báo từ ngày 4/4/2018.
Thời điểm cuối 2017 đầu 2018, Eximbank đã phải thoái vốn đối với khoản đầu tư cổ phiếu STB của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), thu về gần 648 tỷ đồng, trong đó năm 2017 ghi nhận hơn 126 tỷ đồng vào lãi thuần và quý I/2018 ghi nhận hơn 521 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, đến 30/6/2018, tổng tài sản của Eximbank đã sụt giảm từ hơn 149.369 tỷ đồng cuối 2017 xuống còn 146.802 tỷ đồng.
Tổng tiền gửi của khách hàng tại Eximbank cũng đã giảm từ hơn 117.000 tỷ đồng hồi cuối năm 2017 xuống còn hơn 114.000 tỷ đồng giữa năm nay.
Hồi cuối tháng 8/2018, Eximbank đã thực hiện việc đền bù 245 tỷ đồng tiền gửi gốc cho bà Chu Thị Bình và khoản tiền đền bù này chiếm khoảng 30% lợi nhuận sau thuế cả năm 2017 của ngân hàng.
Theo báo cáo quản trị Eximbank 2017, cổ đông lớn nhất của Eximbank hiện là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) với 185,3 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ sở hữu 15%. Đại diện phần góp vốn của SMBC là ông Yutaka Moriwaki, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc cấp cao.
Ngân hàng Vietcombank sở hữu 101,2 triệu cổ phiếu EIB – tương đương 8,19% vốn điều lệ. Trưởng ban Kiểm soát Trần Lê Quyết là người đại diện phần vốn của Vietcombank tại đây.
Một cổ đông khác là CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (Generalexim, TH1) sở hữu 12.870.000 cổ phiếu EIB – tương ứng 1,04% vốn điều lệ. Ông Hoàng Tuấn Khải – thành viên HĐQT là người đại diện vốn góp.