Thời gian gần đây, nhiều người khi đi qua Quốc lộ 7A, thuộc địa bàn xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đều không khỏi ngỡ ngàng trước một bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chiến thắng Điện Biên Phủ trên cánh đồng lúa.
Khi tiến lại gần, nhiều người còn kinh ngạc hơn khi phát hiện cánh đồng lúa này không chỉ có màu vàng như nơi khác, mà còn có màu tím, đỏ và trắng. Các bông lúa đều nặng trĩu hạt, báo hiệu một mùa bội thu.
Được biết, người chủ cánh đồng này là ông Phan Văn Hòa (56 tuổi) trú xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành. Ông Hòa làm nghề nông, suốt đời "một nắng hai sương" gắn bó với đồng ruộng.
“Sau khi đi lính trở về, tôi có đi học hệ tại chức ở trường Nông nghiệp 1 Hà Nội. Ở đây, tôi tìm hiểu được nhiều loại thóc giống tốt, đạt năng suất cao. Nhưng tôi vẫn muốn tạo ra một loại thóc mới, vừa đặc biệt, vừa phù hợp với thổ nhưỡng ở Nghệ An và cho năng suất cao vượt trội”, ông Hòa cho biết.
Sau khi về quê, ông tự mày mò tìm kiếm, suốt ngày "đi đi về về" từ phòng lai tạo ra cánh đồng. Cuối cùng, từ kiến thức trong trường và kinh nghiệm thực tế, sau hơn 3 năm nghiên cứu, ông đã tạo ra một giống lúa màu tím.
Một điều đặc biệt nữa là cây lúa này đổi màu theo từng giai đoạn phát triển. Lúc gieo mạ có màu tím biếc, khi lúa phát triển chuyển sang xanh đậm, khi trổ bông lại đổi thành tím Huế.
Lai tạo được giống lúa mới, trong thâm tâm ông Hòa vừa mừng vừa lo. Ông thấp thỏm không biết sản phẩm của mình có đạt năng suất cao hay không. Không ngờ năm đó, giống lúa mới cho năng suất 3,7 tạ/sào (theo cách tính của người Trung Bộ, 1 sào tương đương 490,7m2).
Sau đó, ông Hòa mang giống lúa màu tím đi kiểm nghiệm tại trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Quates1), thuộc tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam và viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia.
Kết quả vô cùng ngạc nhiên, giống lúa này có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, đặc biệt là hàm lượng canxi, sắt và Vitamin A vượt mức trung bình. Ngoài ra, trong giống lúa tím xuất hiện chất Omega, đây là chất chỉ có ở trong trứng cá hồi.
“Tôi cũng không ngờ mình tạo ra được giống lúa đặc biệt như vậy. Theo các nhà nghiên cứu thì loại lúa này rất tốt, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng. Hiện nay, trên cả nước chỉ có tôi lai tạo ra được”, ông Hòa sung sướng chia sẻ.
Từ thành công ban đầu, ông Hòa đã đặt tên cho giống lúa màu tím này là Vĩnh Hòa 1. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu và lần lượt cho ra đời các giống lúa: Vĩnh Hòa 2 - màu đỏ, Vĩnh Hòa 3 - màu trắng, Vĩnh Hòa 4 - màu vàng với hàm lượng dinh dưỡng cao.
Nói về ý tưởng tạo hình Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cánh đồng lúa, ông Hòa cho biết: “Sắp vào vụ mùa, tôi mở lịch ra xem thấy trong tháng có những ngày lễ lớn như sinh nhật Bác Hồ, chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi tự nhủ, hiện nay mình có 4 giống lúa, sao không thử tạo hình xem. Nghĩ là làm, tôi lên mạng internet để tìm các bức tranh về bác”.
Sau khi chọn được mẫu hợp lý, ông Hòa đã thuê 16 thợ cấy, chia ruộng lúa rộng hơn 0,7ha thành 3 khu vực, làm việc liên tục trong 3 ngày để hoàn thành bức tranh.
“Bắt tay vào làm mới thấy khó, không những phải chia tỷ lệ chuẩn xác mà còn phải làm sao thể hiện được thần thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để người xem có thể cảm nhận được cái hồn trong bức tranh”, ông Hòa nhớ lại.
Khu vực ruộng lúa trên cùng là dòng chữ “Bác Hồ, CTĐ Biên Phủ”, ông Hòa dùng giống lúa màu vàng. Khu vực ruộng ở giữa, ông dùng giống lúa màu trắng để tạo hình ảnh Bác Hồ. Còn khu vực phía dưới, ông lại dùng giống màu đỏ và trắng để “vẽ” nên biểu tượng chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ngoài ra, để bức tranh được nổi bật, ông Hòa còn sử dụng thêm giống lúa màu tím để làm một đường viền rộng 1m bao quanh ruộng lúa, toàn bộ nền sử dụng giống lúa màu đỏ.
Theo thời gian, khi lúa chín thì bức tranh hiện lên theo đúng ý tưởng ban đầu. Ông Hòa cho biết, ông muốn chứng tỏ trong nông nghiệp cũng có thể tạo ra những điều kỳ diệu và độc đáo.
“Quá trình chăm sóc để lúa chín đều rất vất vả, may mà cuối cùng bức tranh cũng hiện ra. Người nông dân chúng tôi không phải lúc nào cũng chỉ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mà còn rất lãng mạn”, ông Hoà cười nói.
Tác giả bức tranh độc đáo trên lúa cho biết thêm, theo dự kiến 7 ngày nữa ruộng lúa sẽ được thu hoạch để vào mùa vụ tiếp theo. Còn bây giờ, ông vẫn để cho mọi người thoải mái chiêm ngưỡng bức tranh này.
Ngoài ra, ông còn tiến hành lắp đặt một giàn giáo bằng tre và nứa cao khoảng hơn 5m ngay bên cạnh, để tạo điều kiện cho mọi người được nhìn bức ảnh độc đáo này từ trên cao.
Năm 2016, ông Phan Văn Hòa cũng đã từng tạo bức tranh bản đồ Việt Nam trên cánh đồng, bằng các giống lúa mới do chính tay ông tạo ra. Với chiều dài 67m, chiều rộng 32m, ông “vẽ” hình bản đồ chữ S – Việt Nam với những điểm nhấn mô phỏng thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Nghệ An quê hương Bác Hồ và 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. |
Anh Ngọc
Xem thêm video: