Bài thuốc cây nhà lá vườn
Theo tìm hiểu của PV, bà Thâm là người dân tộc Thái, sinh ra trong một gia đình ba đời làm nghề bốc thuốc. Vì thế, bà biết rành rọt các vị thuốc, lá thuốc của núi rừng. Khi cùng gia đình chuyển vào vùng Tây Nguyên lập nghiệp, thỉnh thoảng bà vẫn hay dùng các loại lá thuốc có sẵn tại địa phương chữa bệnh cho những người quanh vùng. Chia sẻ với PV về phương thuốc đã giúp cho hàng trăm người thoát khỏi ranh giới của cái chết, bà Thâm chân tình cho biết, thật ra bài thuốc này chỉ là sự kết hợp có nguyên tắc của năm vị thuốc sẵn có trong vườn nhà.
> Kỳ trước: Thầy lang 'tay ngang' đưa người từ cõi chết trở về
Nghe qua thì tưởng chừng đơn giản, nhưng bí mật của phương thuốc là ở cách phối hợp và pha chế thuốc; trong đó, công đoạn chọn các loại lá thuốc rồi nấu thành nước là quan trọng nhất. Người bệnh uống nước thuốc để bài trừ độc tố trong cơ thể, còn xác thuốc đắp vào những chỗ lở loét, sưng phù. Từ kinh nghiệm chữa trị cho những bệnh nhân cụ thể, cộng với quá trình quan sát, nghiên cứu triệu chứng của bệnh nhân, đến nay, bà vẫn không ngừng bổ sung thêm các biện pháp giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục. Không chỉ dựa vào phương thuốc nam do mình tạo ra, bà Thâm còn kết hợp các phương pháp hiện đại để cứu người.
Bà Thâm cho hay, ban đầu, lúc cứu người, bà không hề dùng các biện pháp trợ sức cho nạn nhân như truyền nước mà chỉ dùng hoàn toàn bằng thuốc nam. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của bà, truyền nước có tác dụng rất tốt cho bệnh nhân, nên về sau bà đã nhờ một y sĩ gần nhà đến truyền nước mỗi khi có bệnh nhân. Chị Hoàng Thị Th. (ngụ tại thôn Đắk Tân, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô), y sĩ của trạm Y tế xã Long Sơn (huyện Đắk Min, tỉnh Đắk Nông) cho biết: "Do ở gần nhà bà Thâm, từng chứng kiến cảnh vật vã của các bệnh nhân trong quá trình chữa trị nên tôi đề nghị với bà truyền nước trợ sức, sự kết hợp này tỏ rõ hiệu quả. Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục giúp bà một số công việc trong giai đoạn bệnh nhân phục hồi khi đã uống thuốc".
> Kỳ nhân xứ Mường cướp người của 'Diêm vương'
Bà Thâm đang hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc (Ảnh Trung Nguyên)
Nhận thấy công việc cứu người của bà Thâm vô cùng ý nghĩa, một số người hàng xóm vẫn thường xuyên qua giúp đỡ bà trong công việc. Khi thấy xe cấp cứu đậu trước nhà thì không ai bảo ai, mọi người đều chạy ra đón bệnh nhân. Nếu thầy lang kiểm tra kỹ càng mà không tiếp nhận thì bệnh nhân đó cầm chắc cái chết. Còn khi đã cho vào nhà lưu lại điều trị thì tỷ lệ cứu sống là trên 80%. Thường thì bệnh nhân vào điều trị trước tiên sẽ được truyền nước, sau đó mới cho uống thuốc. Nước thuốc này có tác dụng giúp người bệnh nôn ói chất độc ra ngoài, thuốc bôi có tác dụng làm lành vết thương ngoài da. Theo kinh nghiệm của bà Thâm, những bệnh nhân tìm tới bà nếu trước đó được bệnh việc súc ruột trước thì tỷ lệ cứu sống sẽ cao.
Tìm ra phương thuốc quý vì nỗ lực cứu người thân
Theo bà Thâm, cơ duyên bà phát hiện ra bài thuốc quý cứu người chính là khi một người thân trong gia đình bà uống thuốc diệt cỏ paraquat. Bà Thâm nhớ lại, vào năm 2007, một người cháu dâu của bà đã "trót lỡ" uống thuốc độc. Mặc dù gia đình đã đưa lên bệnh viện đa khoa Đắk Lắk cứu chữa, nhưng sau vài ngày tiếp nhận, các bác sĩ trả về nhà lo hậu sự. Nhìn thấy người thân trong tình trạng tuyệt vọng, cận kề cái chết, bà Thâm không đành lòng. Sau một đêm thức trắng, với suy nghĩ đằng nào cháu mình cũng chết, nếu thử cứu bằng thuốc nam thì biết đâu có thể sống sót. Nghĩ là làm, bà đã kết hợp nhiều vị thuốc với nhau nấu thành nước giải độc. Những loại lá có công dụng làm lành vết thương thì bà dùng để đắp vết thương.
Trước những cố gắng không mệt mỏi, với mong muốn cháy bỏng người nhà có thể khỏe lại, điều kỳ diệu đã xảy ra. Khoảng một tháng sau, cháu của bà đã hoàn toàn bình phục. Cho đến nay, ca chữa trị đầu tiên của vị thầy thuốc này vẫn không để lại biến chứng gì. Từ những vị thuốc ban đầu, thầy lang đã thêm vào vài vị lá thuốc tạo nên liều thuốc giải độc hiện tại. Bà Thâm cho biết, cứu sống những người có ý định chết không hề đơn giản. Phải thuyết phục họ làm sao cho bệnh nhân hiểu và uống thuốc thì mới có cơ hội sống. Thừa hưởng được tính nhẫn nại của người cha, bà Thâm ân cần chăm sóc, động viên nạn nhân. Thậm chí, nhiều phen người thầy thuốc còn là một "chuyên gia tư vấn tâm lý" cho bệnh nhân.
Sau hơn năm năm, kể từ khi chữa ca bệnh đầu tiên do bệnh nhân bị bệnh viện trả về vì "uống nhầm" loại thuốc hủy diệt, bà Thâm không nhớ mình đã cứu bao nhiêu người thoát khỏi cái chết. Có những ngày, năm người bệnh ở lại điều trị, không có chỗ nằm, đành phải chen nhau. Tất cả những trường hợp mà bà chữa trị đều từng bị bệnh viện "chê" nên trả về lo chuyện hậu sự. Có trường hợp gia đình đã khóc thương chuẩn bị sẵn quan tài cho nạn nhân nhưng khi gặp bà thì được cứu sống...
> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Tỷ lệ cứu chữa tại bệnh viện rất thấp Theo bác sĩ Trần Quang Bính (Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM), từ tháng 9/2009 đến đầu năm 2013, khoa đã tiếp nhận hơn 1.550 ca nhập viện do bị ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat. Đa số những ca ngộ độc này là uống thuốc để tự tử. Qua thời gian, số ca nhập viện ngày càng tăng, điều đáng buồn là độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Hiện tại, có nhiều biện pháp khác nhau có thể áp dụng để cứu bệnh nhân uống thuốc diệt cỏp paraquat như: Súc rửa dạ dày, lọc máu hấp thụ, chạy huyết tương... Tuy nhiên, những biện pháp này kinh phí cao mà hiệu quả mang lại rất thấp. Đa số những bệnh nhân đã uống loại thuốc cực độc này, bệnh viện không thể cứu chữa được. |
Trung Nguyên