Bật mí vị trí thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo đẹp nhất

Bật mí vị trí thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo đẹp nhất

Uông Hải Yến

Uông Hải Yến

Thứ 5, 08/02/2018 12:18

Người dân cần chọn những sông, hồ không chứa nguồn nước thải sinh hoạt, hay sông, hồ bị “phú dưỡng” (dòng nước bị tù, hàm lượng nitơ, phốt-pho cao và nhiều tảo) thì thích hợp để thả cá chép.

Theo quan niệm dân gian, cứ vào 23 tháng Chạp hàng năm - ngày Tết ông Công, ông Táo là người dân Việt Nam lại làm lễ tiễn cá chép. Hiện nay, có một số vấn đề phát sinh khi ý thức người dân chưa cao trong việc thả cá, tiễn ông Công, ông Táo đã “tiện” tay xả luôn cả rác thải, túi nilon xuống ao hồ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có điều kiện còn đốt vàng và thả luôn xuống ao hồ trong những ngày này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Để làm rõ vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với TS.Lê Ngọc Thuấn – giảng viên khoa Môi trường, trường đại học Tài nguyên & Môi trường về vấn đề này.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về hành động của người dân đã gây ảnh hưởng như thế nào đến môi trường nước? Việc thả nhiều cá chép xuống ao hồ có thực sự tốt hay không và có ảnh hưởng đến môi trường hay không?

TS.Lê Ngọc Thuấn: Trước hết, chúng ta phải khẳng định, phong tục thả cá chép vào ngày 23 tháng Chạp là một phong tục đẹp. Tuy nhiên, người dân thì không phải ai cũng thực hiện và hành động như nhau. Ví dụ, ngày trước người ta chỉ thả cá và không đốt hàng mã hoặc ngược lại. Nhưng hiện nay, do điều kiện kinh tế tốt hơn nên nhiều gia đình làm cả hai việc, không chỉ thả một con cá như tục lệ mà ở đây họ thả nhiều con một lúc cùng với việc đốt thả hàng mã xuống sông, hồ khiến nhiều nơi trở nên ô nhiễm và tồn đọng rác thải.

Nếu con cá mua về khỏe mạnh hoặc vùng nước ở đó đảm bảo, không ô nhiễm thì vấn đề đó cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên, ở các khu thành thị, không phải nước ở ao hồ nào cũng sạch sẽ và cá chúng ta mua ngoài chợ cũng là con cá khỏe. Người dân thì có thói quen mua cá về là thả nhưng không quan tâm tới việc khi thả cá xuống ao hồ thì cá chép có sống được trong môi trường đó hay không? Và đa số là cá khi thả xuống không lâu sau đều bị chết và nổi lên mặt nước bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Cuộc sống xanh - Bật mí vị trí thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo đẹp nhất

TS.Lê Ngọc Thuấn – giảng viên khoa Môi trường, trường đại học Tài nguyên & Môi trường.

PV: Theo ông thì nguồn nước nào phù hợp với việc thả cá chép và ông có lời khuyên hữu ích nào giúp người dân biết được vị trí thả cá chép thích hợp?

TS.Lê Ngọc Thuấn: Cá chép vàng là một loài có thể sống đa dạng ở các tầng nước và cũng không kén nguồn nước. Tuy nhiên, sông hồ ở đô thị lại không được sạch và nhiều hồ bị ô nhiễm ngiêm trọng.

Vì vậy, người dân cần chọn những sông, hồ không chứa nguồn nước thải sinh hoạt, hay sông, hồ bị “phú dưỡng” (dòng nước bị tù, hàm lượng nitơ, phốt-pho cao và nhiều tảo) thì thích hợp để thả cá chép. 

PV: Ông có lời khuyên nào cho người dân về cách thả cá đúng cách, tránh cho cá bị sốc khi vào môi trường mới?

TS.Lê Ngọc Thuấn: Xét về khoa học, con cá giống nó cũng như các loài khác, trước tiên nên chọn mua loại cá chép còn khỏe, khi thả cá cần nhẹ nhàng để cho cá chép bơi từ từ, kịp thích nghi với môi trường mới. Tránh việc thả cá chép từ trên cao xuống hay quăng cả túi nilon và cá cùng lúc, tránh va đập vì sẽ làm cho con cá bị yếu đi và dễ chết. Người dân cũng nên tránh những tụ điểm tập trung đông người thả, chọn khu vực nước phù hợp và sông hồ sạch sẽ để cá chép có thể sống được.

Để tránh ảnh hưởng đến môi trường, thứ nhất, chọn cá chép khỏe để thích ứng được với môi trường. Tránh việc cá chết gây ô nhiễm nguồn nước. Thứ hai, không nên vứt túi nilon xuống sông, hồ. Thứ ba, không đổ đồ thờ cúng lễ, chân hương, bát hương… xuống nguồn nước.

PV: Túi nilon, rác thải cứng thì khoảng bao lâu mới phân huỷ hoàn toàn và có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường như thế nào?

TS.Lê Ngọc Thuấn: Nilon ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Thời gian để phân hủy vật liệu plastic nilon theo nghiên cứu thì có thể kéo dài hàng chục năm, có khi đến hàng trăm năm. Khi ném xuống nước thì thứ rác thải này tồn tại rất lâu gây ách tắc nguồn nước và khiến nguồn nước không được lưu thông.

PV: Việc đốt vàng mã và thả xuống sông, hồ có ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đến môi trường?

TS.Lê Ngọc Thuấn: Khi người dân đốt vàng mã và đổ trực tiếp xuống sông, hồ sẽ khiến nguồn nước mất mĩ quan, làm tăng hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước gây đục nước. Khi nguồn nước bị đục bẩn sẽ làm cản trở quá trình quang hợp và hấp thụ ánh sáng không tốt gây ảnh hưởng đến môi trường nước. Ngoài ra, người dân khi đốt vàng mã còn chưa triệt để, khiến rác thải trôi nổi trên mặt nước ứ đọng, tích tụ làm tăng lượng trầm tích gây ô nhiễm môi trường.

Hiện tại đã có rất nhiều các CLB, các nhóm tình nguyện phối hợp với các tổ chức xã hội trên địa bàn Hà Nội như "Keep Hanoi Clean” cắm chốt ở những khu vực người dân sẽ thả cá để giúp người dân thả cá đúng cách và giữ vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó thì cũng có những biểu ngữ: “Không gửi rác về với tổ tiên”; “ Chỉ thả cá, không xả rác”… Những việc làm như vậy góp phần nâng cao ý thức của người dân, giữ cho các sông hồ trên địa bàn được trong sạch.

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ Lê Ngọc Thuấn!

Yến - Thiện

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.