Giáo viên phải trả tiền thu hồi trong thời gian ngắn
Mới đây, ngày 11/9, UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) có Văn bản số 4361 về việc xử lý đề nghị thu hồi chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo sai quy định.
Theo đó, UBND huyện yêu cầu các trường thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên đang giảng dạy tại các trường đóng trên địa bàn 5 xã, thị trấn gồm: Xã Hòa An, xã Ea Kly, xã Ea Kuăng, xã Hòa Tiến và thị trấn Phước An theo đúng quy định.
Trong đó, các trường thu hồi tiền chênh lệch phụ cấp ưu đãi đã chi từ tháng 1-8/2024, thời gian thu hồi từ tháng 9-11/2024. Số tiền thu hồi tạm nộp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị và xử lý nộp ngân sách nhà nước, thời điểm cuối năm (trước ngày 31/12/2024).
Thu hồi tiền chênh lệch phụ cấp ưu đãi đã chi từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2023. Giao các trường rà soát, chủ động phân kỳ thu hồi tạm nộp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị và xử lý nộp vào ngân sách nhà nước trong năm 2025, đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/12/2025.
Ngay sau các địa phương ban hành quyết định yêu cầu thu hồi chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, nhiều giáo viên lo lắng vì số tiền phải trích từ lương ra trả hàng tháng khá cao.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin ngày 16/9, chị P.T.T. (giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) cho biết, chị đã công tác trong ngành giáo dục 18 năm, còn chồng chị có thâm niên công tác trong ngành giáo dục tới 22 năm.
Đến nay, mức thu nhập của vợ chồng chị sau khi đã trừ các khoản chi phí chưa đầy 10 triệu đồng/người/tháng.
Với số tiền trên, vợ chồng chị phải tính toán, thậm chí tranh thủ ngày nghỉ, buổi tối để làm thêm việc bên ngoài mới có kinh phí để lo cho 2 con ăn học và trang trải những sinh hoạt trong gia đình, trả nợ lãi ngân hàng mỗi tháng.
Do đó, khi huyện có quyết định thu hồi tiền phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo từ tháng 6/2021 đến tháng 8/2024, vợ chồng chị T. rất hoang mang, thậm chí đã le lói ý định nghỉ việc.
Theo chị T., tính toán sơ bộ, bản thân chị phải trả lại khoảng 40 triệu đồng tiền phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo. Theo văn bản của UBND huyện, việc thu hồi tiền phụ cấp ưu đãi sẽ thực hiện trong thời gian hơn 1 năm. Điều đó đồng nghĩa mỗi tháng, chị sẽ bị truy thu số tiền hơn 2,6 triệu đồng. Thậm chí, có những giáo viên sẽ bị truy thu khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Chị T. chia sẻ, chị sẵn sàng thực hiện theo chính sách, quy định của pháp luật nhưng rất mong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giãn thời gian truy thu bằng thời gian mà giáo viên đã nhận được khoản tiền phụ cấp ưu đãi, để giáo viên yên tâm công tác và ổn định cuộc sống. Phụ cấp giảm và bị thu hồi số tiền không hề nhỏ trong một thời gian ngắn sẽ khiến nhiều giáo viên gặp nhiều khăn hơn.
Một hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn thị trấn Quảng Phú (huyện Cư Mgar) cũng cho hay, theo tính toán, bản thân ông sẽ bị thu hồi khoảng 60 triệu đồng tiền phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đã được chi từ tháng 6/2021 đến tháng 8/2024.
Nhiều địa phương thu hồi tiền phụ cấp ưu đãi chi vượt mức
Theo tìm hiểu, ngày 6/10/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
Theo đó, đối với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi 50%; địa bàn đồng bằng, thành phố, thị xã được hưởng phụ cấp ưu đãi 35%.
Đối giáo viên dạy tại các trường THCS, THPT đóng trên địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa được hưởng phụ cấp ưu đãi 35%; địa bàn đồng bằng, thành phố, thị xã được hưởng phụ cấp ưu đãi 30%.
Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Kể từ khi Quyết định 861 có hiệu lực, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa nữa. Toàn tỉnh chỉ còn 130 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (giảm 54 xã so với Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ).
Tuy nhiên, một số huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi theo mức ở khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa dẫn đến chi trả phụ cấp ưu đãi vượt mức quy định.
Chính vì thế, ngày 23/8/2024, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn về việc xử lý đề nghị thu hồi chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên nhà giáo.
Thực hiện chỉ đạo trên, mới đây, nhiều địa phương đã ban hành văn bản xử lý thu hồi tiền chênh lệch do chi trả phụ cấp ưu đãi vượt định mức quy định như nói trên.
Cụ thể, ngày 27/8/2024, UBND huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) đã ban hành văn bản yêu cầu các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn các xã Ea Lai, Ea Riêng, Ea M’Lay và thị trấn M’Đrắk tiến hành thu hồi phụ cấp ưu đãi cho giáo viên và nộp vào ngân sách huyện.
Trong đó, đối với giáo viên mầm non, tiểu học, thu hồi 15% phụ cấp ưu đãi do giảm từ 50% xuống còn 35%. Đối với giáo viên các trường THCS, thu hồi 5% phụ cấp ưu đãi do giảm từ 35% xuống còn 30%. Thời gian phải thu hồi được tính từ ngày 1/6/2021 đến ngày 31/8/2024.
Tương tự, tại Văn bản số 3589 ngày 30/8/2024, UBND huyện Cư Mgar yêu cầu các trường mẫu giáo mầm non, tiểu học, THCS thuộc dự toán ngân sách cấp huyện trên địa bàn các xã gồm: Quảng Tiến, Ea Kpam, thị trấn Quảng Phú và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện xử lý thu hồi tiền chênh lệch do chi trả phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo vượt mức quy định tại Quyết định số 244 ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Một địa phương gây thất thoát hơn 5,6 tỷ đồng
Ngày 14/8/2023, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã có Văn bản số 540 về việc báo cáo và đề xuất hướng xử lý việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trên địa bàn.
Báo cáo nêu rõ, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thị xã Buôn Hồ chỉ còn 8/12 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (giảm 4 xã so với Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, từ tháng 6/2021 đến ngày 31/12/2023, UBND thị xã Buôn Hồ vẫn chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi theo mức ở khu vực miền núi cho tất cả giáo viên đang giảng dạy tại các trường đóng trên địa bàn (12/12 xã theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ) là không đúng quy định, gây thất thoát ngân sách nhà nước với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.
Do đó, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk báo cáo và xin chủ trương thống nhất của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk về việc thu hồi toàn bộ số tiền hơn 5,6 tỷ đồng mà UBND thị xã Buôn Hồ chi trả không đúng quy định trên.
Ngoài ra, qua khảo sát, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk nhận thấy một số huyện cũng đang chi trả chế độ phụ cấp theo mức ưu đãi khu vực miền núi cho tất cả giáo viên đang giảng dạy tại các trường đóng trên địa bàn (trong đó bao gồm cả các xã, phường, thị trấn không thuộc địa bàn miền núi) không đúng quy định.
Do đó, để công tác lập, giao dự toán, quyết toán kinh phí chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng chế độ, định mức theo quy định; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, thu hồi các khoản chi không đúng quy định về cho ngân sách nhà nước, Thanh tra tỉnh đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương để Thanh tra tỉnh tiến hành cuộc thanh tra chuyên đề về việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, thời kỳ 2021-2024.
Qua đó, nhằm kịp thời xử lý, tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk thống nhất, chỉ đạo thực hiện chung trên địa bàn toàn tỉnh.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Khánh Ngọc