Sáng ngày 1/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo “Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM”, báo Lao Động thông tin.
Đề án do Sở GTVT TP.HCM phối hợp cùng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) thực hiện đã đề xuất hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động xe máy tại một số khu vực thuộc trung tâm thành phố trong giai đoạn 2025 – 2030.
Theo báo Kiến thức, đề án này cho biết, trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 520.000 ôtô (trong đó gồm 300.000 ôtô con) và khoảng 8 triệu xe máy (chiếm 90% tổng số phương tiện hoạt động tại TP.HCM). Tuy nhiên, con số này trong thực tế còn cao hơn bởi nếu tính thêm xe ngoại tỉnh, vãng lai lưu thông trên địa bàn thành phố thì ước đạt 330.000 ôtô con cùng khoảng 8,5 triệu xe máy.
Để hoàn thiện đề án, TDSI đã điều tra, khảo sát, phỏng vấn xã hội học với các hộ gia đình trên địa bàn. TDSI đã phát ra hơn 30.000 phiếu khảo sát ở địa bàn 24 quận, huyện.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, có gần 63% ý kiến cho rằng cần phải hạn chế lưu thông ô tô con, xe máy (trong đó 40,77% đồng ý hoàn toàn và 21,79% đồng ý khi vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại). Trên 80% người dân được lấy ý kiến ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông. Gần 70% người dân ủng hộ thu phí ôtô vào khu vực trung tâm và 85,5% ủng hộ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông (thu phí tự động, xử phạt), báo Người Lao Động cho hay.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, nhiều người đồng tình với các giải pháp ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi tường như: giờ làm lệch ca, điều chỉnh sắp xếp giờ học; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông, thu phí ô tô khu vực trung tâm…
Theo đề án trên, lộ trình kiểm soát, hạn chế phương tiện cá nhân sẽ được thực hiện qua ba giai đoạn: Từ nay đến năm 2020, giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà đề án đưa ra là tiến tới cấm mô tô, xe máy hai, ba bánh tại một số khu vực trung tâm (các quận 1, 3, 5, 10...) vào giai đoạn 2025 - 2030, khi hệ thống vận tải hành khách công cộng, cũng như các dịch vụ đi kèm bảo đảm với cự ly tiếp cận trung bình của hành khách đến hệ thống vận tải này đạt dưới 500m.
Đề án này cũng đặt ra yêu cầu đến năm 2030, thị phần vận tải hành khách công cộng toàn thành phố phải đạt từ 29,3 đến 36,8% để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân.
Tiến sĩ Đặng Hoài Trung, đại diện TDSI cho biết sự bùng nổ các phương tiện giao thông cá nhân đang vượt quá năng lực đáp ứng của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo ông Đặng Hoài Trung, khi triển khai đồng bộ các giải pháp của đề án thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ giảm dần, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội do ùn tắc giao thông, giảm thời gian đi lại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhân Văn (T/h)