Vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump ký tuyên bố công nhận Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel, truyền thông nhà nước Syria đưa tin rằng, Israel đã tiến hành các cuộc không kích vào thành phố Aleppo của Syria. Tel Aviv không lên tiếng xác nhận cũng như không phủ nhận cáo buộc.
Bình luận về động thái này, nhà phân tích chính trị người Syria, Ghassan Kadi, cho hay, "mục tiêu chính của Israel trong cuộc không kích Aleppo là để chứng minh cho các thế lực trong khu vực, bao gồm Nga, rằng Israel vẫn có khả năng phát động các cuộc tấn công như vậy".
Đồng thời, "chính quyền Israel cũng muốn lấy sự ủng hộ của công chúng trong nỗ lực để Thủ tướng Benjamin Netanyahu giành được phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới", Kadi nói, đề cập đến cuộc bỏ phiếu sớm sẽ được tổ chức tại Israel vào ngày 9/4.
"Trừ khi Israel tiến hành những cuộc không kích lớn và liên tục - điều mà Israel sẽ rất khó đạt được và có nguy cơ bị trả đũa vào sâu trong lãnh thổ – các cuộc tấn công lẻ tẻ sẽ không tạo ra nhiều tác động trên mặt đất để chống lại Syria, hoặc ủng hộ cái gọi là cuộc đấu tranh chống Iran", nhà phân tích chính trị nhận định.
Vào ngày 28/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhắc lại cam kết sẽ ngăn chặn mọi động thái triển khai tên lửa đạn đạo của Iran ở Syria.
"Iran không ngừng cố gắng đưa tên lửa tầm xa chính xác vào Syria, loại tên lửa rất tiên tiến và có tính sát thương cao. Chúng tôi không chấp nhận điều này. Hoạt động của chúng tôi nhằm chống lại Iran cố gắng thiết lập căn cứ quân sự ở Syria và đặt vũ khí tối tân ở đó sẽ tiếp tục", ông nói.
Vì sao tuyên bố công nhận Golan của ông Trump không có ý nghĩa?
Đối với động thái công nhận Cao nguyên Golan của chính quyền Trump, nhà phân tích Kadi tin rằng đó là một động thái mang tính biểu tượng và không thay đổi bất cứ điều gì trên mặt đất.
"Sự công nhận của Mỹ đối với chủ quyền của Israel đối với Golan không hơn gì một sự tượng trưng và không thay đổi bất cứ điều gì", ông nói. "Vấn đề hiện tại là sự chiếm đóng của Israel chứ không phải là quyền lợi của các nước lớn”.
Theo nhà phân tích, điều tương tự cũng áp dụng đối với việc Washington công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel: "Nó không thay đổi gì ngoài việc khuấy động cảm xúc".
"Cả Mỹ và Israel đều không có thẩm quyền hợp pháp hóa bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến công lý và đạo đức. Trong suốt lịch sử, các quốc gia lớn hơn và mạnh hơn đã cho phép mình bắt nạt những người yếu hơn theo luật cá lớn nuốt cá bé. Điều đó không làm nên tính hợp pháp", ông nhấn mạnh.
Sau khi Tổng thống Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, Liên Hợp Quốc đã khẳng định, hành động này sẽ không ảnh hưởng đến địa vị pháp lý của Syria với Cao nguyên Golan, nơi bị Israel chiếm đóng từ năm 1967. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như một số nước Ả Rập và các nước châu Âu đã lên án động thái của ông Trump .
Mỹ đi Nga sẽ ở vị thế số một?
Động thái chính trị của Washington đối với Israel đã đặt ra câu hỏi liệu chính quyền Trump có chuyển "cây gậy quân sự" cho chính quyền Netanyahu sau khi Mỹ rút khỏi khu vực hay không.
"Khi chúng ta nói về việc Mỹ rút khỏi Syria, chúng ta phải nghiêm túc tự hỏi, rút quân như thế nào?" nhà phân tích Kadi nhận xét, đề cập đến những lần thay đổi quyết định thường xuyên của ông Trump về vấn đề này.
Theo chuyên gia Kadi, kết luận của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về việc không có sự thông đồng với Nga, đã cởi trói cho Tổng thống Trump: "Sau báo cáo của Mueller, ông Trump có thể tự do hơn để làm những gì mình muốn, kể cả việc rút khỏi Syria nếu đây là điều ông ấy thực sự hướng tới".
"Nhưng nếu và khi điều này xảy ra, vô tình, ông ấy sẽ không chuyển cây gậy quân sự cho chính quyền Netanyahu, mà cho Tổng thống Nga Vladimir Putin", nhà phân tích lưu ý, đề cập đến vai trò ngày càng tăng của Nga trong các vấn đề Syria và Trung Đông nói chung.
Vào cuối tháng 12/2018, Tổng thống Trump tuyên bố rút đội ngũ quân sự 2.000 người khỏi Syria. Tuy nhiên, để đối phó với sức ép từ các nghị sĩ Mỹ và các đồng minh của Washington, ông Trump tuyên bố vào tháng 2/2019 rằng Lầu Năm Góc sẽ để lại ít nhất 400 lính Mỹ trong khu vực sau khi rút hầu hết lực lượng khỏi Syria vào mùa Xuân này.
Trong khi đó, Nga đã duy trì sự hiện diện quân sự ở Syria kể từ năm 2015. Sự can thiệp của Moscow theo yêu cầu của Tổng thống Bashar al-Assad đã làm thay đổi cuộc chơi ở Syria và góp phần lớn vào việc loại bỏ IS khỏi khu vực.