Vụ việc bảo vệ dân phố Hoàng Nhất Giang (28 tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM) đâm chết em N.H.V.K. (6 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) trên đường Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú vẫn đang gây xôn xao dư luận.
Liên quan đến vụ việc, ngày 28/11, Công an quận Tân Phú vẫn đang tạm giữ đối tượng Giang để tiếp tục lấy lời khai điều tra làm rõ động cơ gây án.
Biết đối tượng có tiền sử về bệnh tâm thần, các trinh sát đã dùng các biện pháp mềm mỏng từ lúc bắt giữ đến khi lấy lời khai. Từ đó, đối tượng có đủ bình tĩnh, ổn định tinh thần nói rõ về lý do sát hại bé K..
Qua một số lời khai ban đầu của Giang, y khai nhận rất quý trẻ em và thường xuyên chơi đùa với bé K. tại chốt bảo vệ dân phố. Đối tượng nhiều lần mua bánh cho K..
Nhưng khoảng 1 tháng nay, bé K. không qua chốt dân phòng chơi nữa. Khoảng một tuần trước khi vụ án xảy ra, Giang thường mơ thấy K. chửi y là “đồ ăn cắp, đồ độc ác…” nên luôn hậm hực tức giận.
Trưa 26/11, Giang nằm ngủ tại chốt trực và tiếp tục nghe tiếng chửi mình nên tỉnh giấc. Lúc này, đối tượng thấy bé K. đi vào quán tạp hoá mua đồ nên lấy con dao có gắn lưỡi lam (loại dao cạo thợ cắt tóc dùng) rồi tiếp cận cháu bé để gây án. Sau khi đâm bé K., đối tượng bỏ đi về phía chốt trực như không có chuyện gì xảy ra.
Bé K. được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Nhận tin báo, công an cũng nhanh chóng có mặt tại hiện trường khám nghiệm, đồng thời bắt giữ đối tượng.
Hành vi của Giang đã khiến cho dư luận và gia đình bức xúc khi một bảo vệ dân phố lại xuống tay giết chết 1 đứa trẻ 6 tuổi. Đặc biệt, việc Giang từng có tiền sử về bệnh tâm thần đã làm nhiều người phẫn nộ và đặt câu hỏi tại sao y lại được cho làm bảo vệ dân phố? Cháu K. và gia đình có được trả lại công bằng nếu Giang có giấy chứng nhận tâm thần?
Chiều 28/11, trả lời báo chí về việc này, bà Võ Thị Thanh Trúc, Chủ tịch UBND phường 5 quận 11 cho biết, lãnh đạo địa phương không biết Giang mắc bệnh. Bà Trúc nói Giang không có tên trong danh sách người tâm thần mà trạm Y tế phường quản lý.
Theo Chủ tịch phường 5, Giang tham gia lực lượng bảo vệ dân phố hơn 2 năm trước. Trước đó, nam thanh niên được người dân khu phố giới thiệu và công an phường duyệt, gửi danh sách đề nghị UBND phường tuyển chọn. Thường ngày, Giang bản tính rất hiền và chịu khó năng nổ trong các nhiệm vụ được giao phó.
Liên quan tới vấn đề đối tượng Giang từng có tiền sử về bệnh tâm thần nhưng vẫn được cho làm bảo vệ dân phố, luật sự Bùi Quốc Tuấn, đoàn Luật sự TP.HCM cho biết: “Việc đối tượng Giang bị bệnh tâm thần mà chính quyền địa phương vẫn cho làm bảo vệ khu phố thì cũng cần xem lại".
"Thứ nhất, đối tượng có khai bị bệnh tâm thần và điều trị bệnh ở bệnh viện trong thời gian nào khi làm hồ sơ xin vào bảo vệ dân phố hay không? Hay chính quyền địa phương không xác minh lý lịch kỹ. Từ sự việc này cho thấy, quá trình tiếp nhận người làm bảo vệ khu phố tại địa phương còn thiếu sót.
Thứ hai, nếu đối tượng có khai bị bệnh vào hồ sơ lý lịch khi xin làm bảo vệ khu phố thì cũng cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhận hồ sơ. Tuy nhiên, đối với những trường hợp này cũng khó quy trách nhiệm cho người tiếp nhận hồ sơ, bởi các biểu hiện của người bị bệnh tâm thần rất khó nhận biết. Bản thân người tiếp nhận hồ sơ không có chuyên môn và hồ sơ cũng chỉ là hình thức”, luật sư Tuấn thông tin.
Về việc, nếu Giang được chứng nhận từng có tiền sử về bệnh tâm thần thì đối tượng có bị truy tố và sẽ bị xử lý ra sao, luật sư Tuấn phân tích: Căn cứ theo Điều 43, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 có quy định: Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại khoản 1, Điều 13 của Bộ luật này thì tùy theo giai đoạn tố tụng, VKS hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
“Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự… ngoài ra còn một số quy định khác
Căn cứ theo quy định trên, về hành vi giết người trước hết, cơ quan điều tra phải khởi tố vụ án và khởi tố đối tượng Giang ngay trong quá trình điều tra nguyên nhân giết người, nếu gia đình đối tượng Giang, cung các các hồ sơ liên quan đến việc điều trị bệnh tâm thần thì phải thực hiện thủ tục giám định tâm thần đối tượng Giang tại cơ quan có chức năng: Viện Giám định pháp y tâm thần TW – phân viện phía Nam.
Với kết luận giám định pháp y tâm thần, cơ quan điều tra sẽ có kết luận chính thức đối với hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng Giang. Trường hợp nếu bị bệnh tâm thần trước trong sau khi gây án, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ lập hồ sơ đưa đối tượng Giang đi điều trị bắt buộc tại bệnh viên tâm thần và miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu bệnh phát hiện sau khi gây án thì đưa đi điều trị bệnh và sau khi hết bệnh, sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý xét xử theo quy định", luật sư Tuấn phân tích thêm.