Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (bộ Công an) vừa phối hợp với công an một số địa phương và các đơn vị nghiệp vụ triệt phá một đường dây sản xuất ma túy cực “khủng”. Tại các địa điểm khám xét ở Kon Tum và Bình Định, cảnh sát đã thu giữ tổng khối lượng khoảng 30 tấn tiền chất ma túy và hóa chất.
Nếu không bị triệt phá, bắt giữ thì với số lượng hóa chất, tiền chất này, các đối tượng có thể sản xuất vài tấn ma túy “đá”. Vụ án đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi tính chất đặc biệt nguy hiểm của các đối tượng, đây cũng là vụ án về sản xuất ma túy bị triệt phá lớn nhất từ trước đến nay.
Được biết, cầm đầu đường dây ma túy “khủng” này là đối tượng Cai Zi Li (tên gọi khác là Thái Tự Lực, SN 1963, trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc).
Đặc biệt, Cai Zi Li từng có nhiều tiền án về ma túy tại Trung Quốc, trong đó có 1 án chung thân. Đối tượng này mới được đặc xá tha tù, tuy nhiên, sau khi ra tù thì Cai Zi Li vẫn “ngựa quen đường cũ”.
Để thực hiện ý đồ phạm tội, Cai Zi Li đã sang Việt Nam, liên kết với một số đối tượng người Trung Quốc để hình thành đường dây sản xuất ma túy cực “khủng”.
Lúc đầu, nhóm đối tượng định đặt xưởng sản xuất ma túy tại Bình Định nhưng sau đó thấy không an toàn nên băng nhóm này đã tìm kiếm địa điểm khác. Cuối cùng, các đối tượng đã chọn thuê địa điểm tại công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên, có địa chỉ ở tổ dân phố 3B, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.
Nhà xưởng này rộng khoảng 2.000m2. Từ phía bên ngoài, địa hình kho xưởng biệt lập, rất khó tiếp cận.
Nhóm của “ông trùm” Cai Zi Li thuê kho xưởng trên với danh nghĩa là khai thác, chế biến đá xây dựng. Thế nhưng, thực chất, đó chỉ là lý do “trá hình”. Bên trong, bọn chúng đặt làm “đại bản doanh” để sản xuất ma túy.
Các đối tượng người Trung Quốc sinh hoạt ăn ở ngay tại trong khuôn viên, ít tiếp xúc với người dân và chỉ có duy nhất 1 đối tượng nam giới, người Trung Quốc chuyên lo hậu cần, bếp núc ra ngoài.
“Mệnh lệnh” của “ông trùm” Cai Zi Li đưa ra đối với các “mắt xích” khác trong đường dây tội phạm này là phải luôn luôn cảnh giác cao độ, không được một phút lơ là. Nếu không có “lệnh” của “ông trùm” thì các đối tượng còn lại không được giao tiếp với người ngoài.
Quá trình hoạt động sản xuất ma túy, các đối tượng người Trung Quốc sinh hoạt ăn ở ngay tại trong khuôn viên kho xưởng. Đặc biệt, phía bên ngoài, các đối tượng còn dán biển “Khu vực thí nghiệm, không phận sự - miễn vào”.
Thông thường, chỉ có 1 đối tượng nam giới (người Trung Quốc) chuyên lo về hậu cần, mua thức ăn, cơm nước cho cả nhóm thì mới ra ngoài. Còn lại, bọn chúng ở lì bên trong.
Thời điểm ban đêm là thời điểm chúng thường hoạt động sản xuất ma túy. Trong vụ án này, khi cảnh sát ập vào, có 4 đối tượng đang ngủ và 3 đối tượng đang vận hành sản xuất ma túy “đá”.
Tính đến thời điểm hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can (7 đối tượng người Trung Quốc, 1 đối tượng người Việt gốc Hoa) gồm: Cai Zi li; Song Jian Huang (tức Tống Kiến Hoàng, SN 1963, trú tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc); Lyu Yu Zhong (tức Lữ Dư Trọng, SN 1975, trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc); Yang Yuan De (tức Dương Viễn Đức, SN 1964, trú tại tỉnh Phúc Kiến); Huang Shan Yuang (tức Hoàng Sơn Nguyên, SN 1990, trú tại tỉnh Phúc Kiến); Zhang Qin Shu (SN 1961, trú tại tỉnh Phúc Kiến); Cai Si Yuan (tức Thái Tư Viện, SN 1946, trú tại tỉnh Phúc Kiến); Sàn Khuấn Sáng (tức Trần, SN 1976, trú tại quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh).
Đặc biệt, song song với việc Công an Việt Nam phá án thì phía Công an Trung Quốc cũng đồng loạt bắt giữ 22 đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất trái phép chất ma túy tại Việt Nam.
Hiện nay, Công an Việt Nam đang phối hợp tích cực với Công an Trung Quốc để điều tra, mở rộng vụ án trên.