Liên quan tới vụ sạt lở đất tại Km3 đường 445 thuộc địa phận xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình và tổ dân phố 25, 26 thuộc phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình khiến nhiều ngôi nhà bị nghiêng, trượt xuống sông Đà, phía viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (bộ Tài nguyên và Môi trường) đã cử đoàn công tác khảo sát thực tế.
Trao đổi với PV, ông Hồ Tiến Chung – Trưởng phòng Kiến tạo và Địa mạo, viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, hiện tượng xảy ra là tổ hợp của nhiều yếu tố tác động trong đó có: Xả lũ, mưa dầm, khai thác khoáng sản, gia tăng tải trọng, đặc điểm địa hình, địa chất và có kết cấu nền móng của khu vực đó.
“Chúng tôi đã có báo cáo gửi bộ Tài nguyên và Môi trường. Những báo cáo đó đều đánh giá dựa trên tinh thần khách quan và độc lập”, ông Chung nói.
Cũng theo ông Chung, viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng đã từng khảo sát, đánh giá khu vực phường Đồng Tiến cách đây 1 năm và đưa ra cảnh báo đối với 27 hộ dân sinh sống ở tổ 25 và 26 phường Đồng Tiến ven bờ sông Đà.
“Trên thực tế, khi người dân xây dựng công trình có thể bền vững nhưng các quá trình địa chất, địa mạo, nền móng công trình không phải cố định mà tất cả các nhân tố đều có thể thay đổi. Theo thời gian, chất lượng các ngôi nhà cũng xuống cấp, đất đá bị phong hóa, trương nở, hoặc xói lở cộng với việc các công trình ngày càng được cơi nới, gia tải thêm”, ông Chung cho hay.
Bên cạnh đó, ông Chung cũng chỉ ra các nguyên nhân chính gây ra hiện tượng trượt lở ở khu vực Đồng Tiến bao gồm:
Khu vực tổ 25 và 26 ở vào địa thế đặc biệt và có phần nhạy cảm. Dòng sông Đà chạy thẳng từ khu vực cửa đập thủy điện Hòa Bình tới khu vực 2 tổ dân phố trên thì dòng sông uốn khúc, khi nước từ thủy điện Hòa Bình xả lũ dâng lên cao, khả năng gây xói lở tăng lên rất cao.
Kết cấu của các ngôi nhà thường rất cheo leo, được xây dựng trên một vách sườn dốc, vật liệu là đất bồi (san gạt trong quá trình làm đường QL6). Một phần móng nhà được bám vào rìa nền đường QL6, phần lớn diện tích nhà ở cơi nới dạng chuồng cọp, có các cọc bê tông chống xuống đất bờ rất dốc, yếu và các cọc cũng không đủ sâu xuống nền đá cứng.
“Có những cái móng, các cọc thậm chí không có giằng liên kết. Kết cấu nhà như thế rất yếu, chỉ cần phần đất ở ngoài sạt thì cả tòa nhà bị hẫng chân”, ông Chung nói.
Ngoài tác động của dòng chảy, xói mòn, người dân sinh sống còn xả nước sinh hoạt, nước vệ sinh trực tiếp lên sườn dốc dẫn tới đất xói mòn, bão hòa nước.
“Đó là những nguyên nhân chính mà khi khảo sát kỹ có thể đưa ra”, ông Chung nhận định.
Lý giải về việc tại sao không chỉ 1 ngôi nhà nghiêng đổ hay trượt xuống sông Đà mà ở đây có hàng loạt ngôi nhà cùng chung số phận, ông Chung cho biết: "Để xảy ra điều đó thì toàn bộ nền đất cũng đã yếu và các nhà cùng nằm trên một cung trượt.
Hiện tượng đó còn có tính dây chuyền. Lúc đầu, các ngôi nhà dù bị nứt nhưng vẫn chưa đổ là do còn có thể bám vào 2 ngôi nhà sát cạnh. Nhưng khi một nhà bị đổ thì cũng làm các nhà bên cạnh mất thăng bằng và đổ theo.
Bình thường một vụ trượt ở ngoài tự nhiên cũng thế, chỉ cần 1 điểm trượt lở nhỏ xảy ra trước làm mất chân (mất tính thăng bằng) kích hoạt các điểm khác trượt theo và thân trượt mở rộng dần cho đến lúc nào đạt tới độ cân bằng mới thì thôi. Đó là quá trình cân bằng lực".
Về ý kiến nhiều độc giả cho rằng, việc hút cát là nguyên nhân chính gây ra sự cố nhiều ngôi nhà bị nghiêng, trượt xuống sông Đà như vừa qua, ông Chung đưa ra phân tích, nếu đặt vấn đề như thế thì rất khó để kết luận và mang tính chủ quan, nên cho đó là một phần nguyên nhân.
“Cát tặc cũng có thể là 1 yếu tố nếu khả năng hút cát lớn hơn nhiều khả năng bồi lắng gây nên hiện tượng đào lòng, làm độ sâu lòng sông ở khu vực đó sâu xuống. Giả sử nền móng của lòng sông đào sâu thêm 10m thì nguy cơ cũng tăng lên đáng kể. Nhưng chúng tôi không có chứng cứ để khẳng định điều này vì nước trong mùa xả lũ dâng cao và các dấu hiệu sạt hàm ếch do đào lòng cũng không thể hiện rõ ở đó”, ông Chung nhấn mạnh.
Nguyễn Huệ