Trong khi người dân và các chuyên gia vẫn chưa đồng tình với một số điều khoản trong việc xử phạt xe không chỉnh chủ của bộ Giao thông vận tải (GTVT), và bộ này vẫn còn đang loay hoay sửa đổi những thông tư, Nghị định đã ban hành cho hợp lý, thì bộ Công an bất ngờ ban hành thông tư mới về xử phạt xe không chính chủ, có hiệu lực từ ngày 15/4. Nhiều người bất bình vì thông tư này không chỉ rút ngắn thời hạn áp dụng xử phạt, mà còn đẩy mọi khó khăn trong việc hoàn tất giấy tờ, thủ tục sang tên đổi chủ, chứng minh xe đi mượn,... sang cho người dân. Không ít người tỏ ra hoang mang, lo lắng vì vẫn chưa hiểu rõ luật phạt xe không chính chủ áp dụng cho những trường hợp vi phạm nào mà thông tư này đưa ra.
CSGT không được dừng xe để xử phạt
Thực tế, việc xử lý xe không chính chủ đã được đặt ra từ năm 2005 nhưng sau nhiều lần kiến nghị sửa đổi vẫn không thực hiện được bởi nhiều nguyên nhân. Gần đây, xe không chính chủ lại được "tái xuất" trong "Nghị định 34/2010" và "Nghị định 71/2012 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt".
Hiện tại, bộ GTVT vừa hoàn tất dự thảo nghị định về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Dự thảo này có nhiều điểm mới so với những nghị định trước đó về hình thức và mức độ xử phạt đối với hành vi vi phạm giao thông. Hiện dự thảo đang được bộ GTVT lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và người dân lần thứ 2. Dự kiến dự thảo sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ ký và thực thi từ 1/7 tới để xử phạt nặng một số lỗi vi phạm được gọi là không chính chủ. Tuy nhiên, mới đây bộ Công an bất ngờ ban hành thông tư 11/2013 quy định lực lượng CSGT có thể xử phạt xe không chính chủ với lỗi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định" kể từ ngày 15/4.
Ảnh minh họa
Theo thông tư 11/2013 mới được ban hành của bộ Công an, lực lượng CSGT trên phạm vi cả nước sẽ không dừng xe khi đang lưu thông trên đường để kiểm soát, xử lý hành chính vi phạm không sang tên đổi chủ theo quy định. Tuy nhiên, thông qua công tác đăng kí, cấp biển số, điều tra giải quyết tai nạn giao thông qua phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự nếu phát hiện người mua, người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng kí xe theo quy định thì cơ quan công an phải xác định rõ hành vi vi phạm mua bán xe không sang tên. Những trường hợp bị phát hiện đã quá 30 ngày kể từ khi làm giấy tờ mua, bán nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký theo quy định sẽ bị lập biên bản xử phạt.
Thông tư 11 cũng hướng dẫn cụ thể về các trường hợp bị tạm giữ giấy tờ, phương tiện của người vi phạm giao thông, việc xử phạt vi phạm giao thông đối với người chưa thành niên, số lượng người được chở vượt quá mà không bị phạt đối với từng loại xe (xe 9 chỗ trở lên được phép chở quá 1 người, xe trên 30 chỗ ngồi được phép chớ quá 4 người). Bên cạnh đó, thông tư 11 cũng quy định cụ thể các loại giấy tờ xe, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải xuất trình tại thời điểm kiểm soát gồm giấy đăng kí xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn, kỹ thuật bảo vệ môi trường (trong một số trường hợp). Nếu thiếu giấy tờ sẽ bị lập biên bản, tạm giữ phương tiện.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam
Người dân hoang mang vì chưa thông tỏ vấn đề
Không ít người dân bất ngờ trước thông tư được ban hành một cách đột ngột này của bộ Công an. Bởi sau khi dư luận phản ứng về việc xử phạt xe không chính chủ trong năm 2012, Chính phủ đã chỉ đạo bộ Công an phải sớm ban hành ngay thông tư hướng dẫn lực lượng CSGT thi hành một số nội dung trong Nghị định 34 và Nghị định 71, trong đó có việc xử phạt lỗi xe không làm thủ tục sang tên, đổi chủ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam thì thông tư số 11/2013/TT-BCA này là thông tư hướng dẫn cụ thể cho người dân khi tham gia giao thông. Nhưng thông tư này nếu có ban hành thì nên ban hành sớm hơn rồi, chứ không nên để đến tận lúc này.
Theo tìm hiểu của PV, Thông tư 11 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 34, Nghị định 71. Nhưng hiện nay, Bộ GTVT đang lấy ý kiến cho nghị định mới, thay thế 2 nghị định này và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7. Nếu nghị định thay thế cho Nghị định 71 và Nghị định 34 ra đời và có hiệu lực, thì Thông tư này sẽ không còn tác dụng, lại tiếp tục phải ban hành một thông tư hướng dẫn khác thay thế.
Và dù là thông tư hướng dẫn nhưng người dân vẫn còn nhiều thắc mắc, nghi vấn chưa được giải đáp xung quanh vấn đề những ai sẽ bị phạt và phạt trong trường hợp nào. Anh Nguyễn Thành Trung (35 tuổi), ngụ tại Thủ Đức cho biết: "Tôi cũng muốn đi xe chính mình đứng tên, nhưng chưa sang tên đổi chủ được vì xe của tôi đã qua quá nhiều đời chủ. Tôi đang chờ hướng dẫn mới để việc sang tên dễ dàng hơn mà chưa thấy, thì nay lại ra thông tư xử phạt. Không thấy đơn giản đi mà còn rắc rối hơn, kiểu này thì làm sao khuyến khích người dân sang tên đổi chủ xe?".
Hơn nữa, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, chính phủ đã chỉ đạo tạm thời chưa xử phạt đối với lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện cho tới khi bộ Công an, bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 36, tạo điều kiện cho người dân đi sang tên đổi chủ, nhưng việc này chưa được hoàn tất. Ông Hùng nhấn mạnh: "Tôi cho rằng ngay cả đến thời điểm ngày 1/7, thì hàng triệu ô tô, xe máy trên cả nước chưa thể hoàn tất việc sang tên đổi chủ và nộp phí bảo trì đường bộ. Việc sang tên đổi chủ hàng triệu phương tiện trong cả nước, hoàn thành nhanh cũng phải mất vài năm, nhiều trường hợp như chủ cũ chết, ra nước ngoài rất phức tạp”.
Theo thống kê, hiện nay ở Việt Nam có tới 40% phương tiện giao thông đường bộ bao gồm xe máy, xe ô tô đã đổi chủ nhưng không được sang tên chính chủ. Trong số 40% phương tiện này, bao gồm cả những loại xe có tuổi đời hàng chục năm, đã qua nhiều chủ, việc mua bán cũng diễn ra đơn giản qua hình thức thoả thuận miệng hoặc viết tay. Việc tìm được người chủ ban đầu của các loại phương tiện này là rất khó nên đa phần người dân đều có tâm lý e ngại trước các thủ tục hành chính sang tên đổi chủ. Mặt khác, thói quen mua bán, trao đổi đơn giản như vậy, không phải một sớm một chiều có thể thay đổi ngay. Có chăng, việc cần thiết phải có thêm một khoảng thời gian nhất định cho người dân trước quyết định này để tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" khiến người dân hoang mang. "Nhà Bộ" cần có sự điều chỉnh về luật hoàn tất đã rồi hãy ban hành ra trước nhân dân chứ không phải "nay sửa một tí, mai chỉnh một tí" thì không biết bao giờ người dân mới có thể yên tâm. Đồng thời cũng cần có thêm biện pháp để "gỡ khó" về mặt thủ tục cho những chủ phương tiện đã qua tay nhiều lần.
Cảnh sát giao thông có nhiều lí do để phạt Anh Nguyễn Minh Trung, nhân viên văn phòng tại phường 7, quận Tân bình, (TP.HCM) bày tỏ: "Lực lượng CSGT sẽ không dừng các phương tiện lưu thông trên đường để xử lí việc người tham gia giao thông không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định của thông tư 11. Nhưng CSGT là người thi hành luật. Họ sẽ có nhiều lí do để phạt người vi phạm. Trong một gia đình có 4 - 5 người đi chung xe máy, không lẽ lúc nào cũng phải sử dụng xe chính chủ. Nếu muốn người dân ai cũng phải sử dụng xe chính chủ thì Nhà nước nên ban hành giấy đăng kí chủ quyền có thêm mục những người đồng sở hữu”. |
Hương Lam - Triệu Quyên