Người phụ nữ sau khi đi làm về đã ngâm chân trong nước nóng để làm ấm cơ thể, giúp giấc ngủ sâu hơn. Tuy nhiên điều không ngờ tới là ngâm được chừng 5 phút, chị này bất ngờ ngã bất tỉnh. Tuy đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng nạn nhân vẫn không qua khỏi, theo VnExpress.
Trên trang tin Sohu, Trung Quốc, người phụ nữ họ Liu, 46 tuổi sống ở Vũ Hán (Trung Quốc) do ngâm chân không đúng cách dẫn tới tử vong. Cụ thể, người phụ nữ này bị chứng phình mạch máu não. Đây là chứng mạch máu phình to trong não trông giống như một khối u nhỏ. Thông thường, túi phình mạch thường vỡ ở vị trí động mạch não giữa hoặc màng não, làm cho mạch não bị rò rỉ hoặc vỡ gây xuất huyết não, dẫn đến đột quỵ, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
"Khi thời tiết và cơ thể đang lạnh, bệnh nhân đột nhiên nhúng chân vào nước nóng khiến cơ thể rơi vào tình trạng sốc nhiệt, máu lưu thông nhanh hơn, các mạch máu chịu áp lực lớn trong thời gian ngắn, dẫn đến phình và vỡ gây tử vong", các bác sĩ cho biết.
"Không nên đột ngột ngâm chân trong nước nóng, đặc biệt trong mùa đông, nên cẩn thận với những hành động gây thay đổi nhiệt độ bất ngờ như tắm nước nóng, gội đầu, xông hơi...", bác sĩ khuyến cáo.
Rất nhiều người, đặc biệt là người già có thói quen ngâm chân nước nóng trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, thông tin trên Vietnamnet, bác sĩ khuyến cáo 5 điều cần ghi nhớ sau đây:
- Không ngâm chân sau khi ăn: Sau khi ăn, máu sẽ được tập trung vào dạ dày để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Nếu bạn ngâm chân ngay sau khi ăn sẽ dẫn đến cung cấp máu cho dạ dày bị thiếu, dẫn tới khó tiêu hóa. Chỉ ngâm chân sau khi ăn khoảng 1 tiếng trở đi.
- Không đọc sách hay xem TV khi ngâm chân: Việc xem tivi hay đọc sách báo khi ngâm chân có thể khiến bạn thư giãn nhưng nó lại không phải thói quen tốt khi đang ngâm chân. Do khi đọc sách báo, xem tivi, máu sẽ được tập trung cho não bộ, bàn chân khi ấy sẽ không cảm nhận được chính xác nhiệt độ. Bạn chỉ nên nghe nhạc và thư giãn tâm trí khi ngâm chân.
- Không ngủ ngay sau khi ngâm chân: Nhiều người có thói quen ngâm chân trước khi ngủ vì cho rằng sẽ giúp toàn bộ cơ thể ấm áp, ngủ ngon hơn. Thực tế, sau khi ngâm chân, toàn bộ cơ thể bạn cũng không thể ấm lên mà cần phải xoa bóp nhẹ nhàng để nhiệt độ lan rộng ra toàn cơ thể.
- Nhiệt độ nước: Nhiều người thích ngâm chân trong nước thật nóng nhưng điều này sẽ làm mạch máu giãn nở quá mức, gây chóng mặt. Do đó nhiệt độ nước ngâm chân chỉ nên ở khoảng 45 độ C.
- Thời gian ngâm chân: Bạn chỉ nên ngâm chân trong khoảng 15-20 phút. Không nên ngâm quá lâu sẽ khiến da bị khô, chóng mặt.
Đình Văn (Tổng hợp)