
Shipper giao đồ ăn cho khách trước một cao ốc văn phòng ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Năm 2024, tổng giá trị giao dịch (GMV) của ngành giao đồ ăn tại Việt Nam ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2023 và cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Theo báo cáo thường niên "các nền tảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á" do Momentum Works vừa công bố, Việt Nam tiếp tục là thị trường phát triển nhanh nhất, có độ mở về nhóm khách hàng, khu vực phục vụ và khả năng tận dụng hệ sinh thái kinh doanh từ các nền tảng công nghệ lớn, theo Tuổi trẻ.
Điều này đến từ sự mở rộng nhóm khách hàng, vùng phục vụ, cũng như khả năng tận dụng hệ sinh thái kinh doanh từ các nền tảng lớn.
Trong đó, GrabFood và Shoppe Food hiện vẫn là các ứng dụng độc quyền, được sự lựa chọn nhiều từ người dùng.

Grab, Shoppe Food là hai nền tảng dẫn đầu về lượng giao dịch giao đồ ăn tại Đông Nam Á - Ảnh minh hoạ: Quốc Thái
Ước tính GMV nêu trên được tính toán với các đơn hàng giao đồ ăn thông qua các nền tảng như Grab, Foodpanda, Gojek, Deliveroo, Lalamove, LINE MAN, ShopeeFood và BeFood (bao gồm cả đơn bị hủy hoặc hoàn tiền).
Trong khu vực, Indonesia là thị trường có GMV cao nhất, đạt 5,4 tỷ USD. Trong khi đó, Philippines lại có xu hướng khác biệt khi các chuỗi nhà hàng tự vận hành hệ thống giao hàng, đồng thời hợp tác với các nền tảng giao đồ ăn.
Đây là thị trường đặc biệt khi hơn 60% doanh thu ngành F&B đến từ các chuỗi nhà hàng.
Tổng thể, thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á năm 2024 chứng kiến mức tăng trưởng 13% so với năm trước, với tổng GMV đạt 19,3 tỉ USD; trong đó, Indonesia và Việt Nam là hai động lực chính thúc đẩy tăng trưởng.

Tổng giá trị giao dịch trong ngành giao đồ ăn của các nước trong khu vực - Nguồn: MOMENTUM WORKS
Xét về các nền tảng giao đồ ăn, Grab duy trì vị thế số một tại Đông Nam Á, trong khi ShopeeFood đã vượt qua Gojek để vươn lên vị trí thứ hai. Tại Việt Nam, Philippines, Malaysia và Singapore, hai nền tảng dẫn đầu này nắm giữ hơn 90% thị phần.
Một diễn biến đáng chú ý khác là sự tham gia của TikTok vào lĩnh vực dịch vụ tại Indonesia và Thái Lan. Nền tảng này đang thử nghiệm dịch vụ mua voucher F&B và các dịch vụ khác, mở ra khả năng thay đổi cuộc chơi nếu hợp tác cùng các nền tảng giao hàng.
Momentum Works cũng đưa ra dự đoán về tương lai nếu thương vụ sáp nhập giữa Grab và Gojek thành công, thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á vốn đã tập trung cao với hai nền tảng lớn này khi chiếm hơn 80% thị phần. Grab sẽ tiếp tục giữ vị trí số một trong lĩnh vực giao đồ ăn và gọi xe hàng đầu các quốc gia ASEAN, theo Phụ nữ.
Khánh Linh (t/h)