Bất ngờ về nhân vật giữ hầu bao ngân khố Đức Quốc xã

Bất ngờ về nhân vật giữ hầu bao ngân khố Đức Quốc xã

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Giám đốc nhà băng của Hitler, Hjalmar Horace Greeley Schacht là người đã giải quyết triệt để những khó khăn kinh tế cho nhà độc tài. Schacht được coi là nhân vật kinh tế xuất chúng của Đức Quốc xã, tuy không phải là đảng viên Quốc xã nhưng rất nhiệt tình ủng hộ Hitler.

Vị tiến sĩ kinh tế này đã lập nhiều chương trình để diệt trừ nạn thất nghiệp, ổn định tiền tệ và góp công không nhỏ để đưa Hitler lên tầm Thủ tướng để rồi bị chính Hitler nhốt giam trong trại tập trung.

Thế giới - Bất ngờ về nhân vật giữ hầu bao ngân khố Đức Quốc xã

Schacht (giữa) trong một buổi họp với Hitler (phải).

Phù thủy kinh tế với những mánh lới bậc thầy

Sinh vào ngày 22/1/1877 ở thị trấn Tinglev thuộc đế quốc Đức (nay thuộc Đan Mạch), Hjalmar Horace Greeley Schacht là con trai của một người bán hàng. Bố của Schacht đã có thời gian sinh sống tại Hoa Kỳ nên đã đặt tên con trai theo một nhà báo cấp tiến của Mỹ, Horace Greeley, nhà báo này còn là nhà đấu tranh nổi bật chống lại chế độ nô lệ. Vốn đặt nhiều hi vọng vào con, bố của Schacht dồn sức cho cậu ăn học. Schacht đã không phụ lòng bố. Cậu nghiên cứu y học ở Kiel, học ngữ văn ở Munich và chính trị khoa học ở Berlin trước khi nhận được tấm bằng kinh tế vào năm 1899.

Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại một ngân hàng lớn của Đức. Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, ông làm tư vấn tài chính cho chính phủ Đức tại Bỉ. Với tài cân đo đong đếm của mình, ông nhanh chóng trở thành giám đốc một ngân hàng nhà nước khi mới 39 tuổi. Rồi 7 năm sau đó, ông trở thành ủy viên Hội đồng thuộc Ngân hàng Nhà nước. Có thành tích đưa lạm phát của nước Đức về mức an toàn nên Gustav Stresemann, Thủ tướng Đức thời đó đã khen thưởng Schacht bằng cách bổ nhiệm ông trở thành thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Nhưng Schacht từ chức năm 1930 vì chống đối lại chính sách của nội các đương thời. Ông cũng phát triển những ý tưởng chính trị cánh hữu và quay sang ủng hộ chủ nghĩa phát xít sau khi đọc quyển sách Mein Kampt (“Cuộc tranh đấu của tôi” của Hitler). Vào tháng giêng năm 1931, Schacht được sắp xếp có một cuộc gặp gỡ riêng với Hitler. Trong cuộc gặp này, Schacht đã đồng ý gây quỹ cho đảng Quốc xã. Ông đã thuyết phục những người bạn của mình trong giới ngân hàng cung cấp tiền cho Hitler.

Có thể nói, Schacht đã cống hiến tất cả công sức để đưa Hitler đến gần thêm chiếc ghế thủ tướng. Vì thế, ông góp công lớn cho sự hình thành của Đế chế Thứ Ba. Năm 1932, nhà phù thủy kinh tế này viết thư cho Hitler: “Tôi tin chắc rằng tình hình hiện nay sẽ tạo thuận lợi cho ông trở thành thủ tướng... Phong trào của ông tiến bước dựa trên sự thật mạnh mẽ đến nỗi chiến thắng nằm trong tầm tay của ông... Dù cho công việc của tôi trong tương lai gần dẫn tôi đi đến đâu chăng nữa, ngay cả nếu một ngày tôi bị giam trong một pháo đài, lúc nào ông cũng có thể trông cậy nơi tôi như là người ủng hộ trung kiên”.

Sự nhiệt tình của Schacht đã được đền đáp khi Hitler lên ngôi, nhà độc tài này đã bổ nhiệm Schacht làm bộ trưởng kinh tế của mình. Schacht thao túng đồng tiền một cách khéo léo đến nỗi các nhà kinh tế nước ngoài có lúc ước lượng đồng mark có đến 237 giá trị khác nhau. Ông đã đàm phán được nhiều cuộc trao đổi hiện vật với hàng chục quốc gia có lợi cho Đức một cách đáng kinh ngạc, và chứng tỏ với các nhà kinh tế chính thống là càng mang nợ một quốc gia thì càng dễ làm ăn với quốc gia ấy. Việc ông tạo ra tín dụng trong một quốc gia thiếu vốn luân chuyển và hầu như không có dự trữ tài chính là do thiên tài hoặc như vài người nói là mánh lới bậc thầy.

Ví dụ cụ thể là việc Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu Mefo được Nhà nước bảo lãnh và được dùng để chi trả cho các nhà sản xuất vũ khí. Vì tín phiếu này không xuất hiện trên báo cáo tài chính của Ngân hàng Quốc gia lẫn ngân sách Nhà nước, chương trình tái vũ trang vẫn giữ được bí mật. Trong giai đoạn 1935-1938, tín phiếu này được sử dụng riêng cho việc tái vũ trang và lên đến số tiền tổng cộng là 12 tỉ mark. Có một lần khi giải thích việc này với Hitler, bộ trưởng Tài chính Bá tước Schwerin von Krosigk nói, “đấy chỉ là một hình thức in tiền”.

Bi kịch với danh xưng “nhà tiên tri đại tài”

Schacht đã cống hiến năng lực và thiên tài vào việc chi trả cho chương trình tái vũ trang nhanh chóng của Hitler. Ông đã nhào nặn ra nhiều mánh khóe để huy động tiền bạc cho lục quân, hải quân và không quân và chi trả cho các hóa đơn sản xuất vũ khí nhưng có mức giới hạn, quá mức này quốc gia sẽ phá sản. Vào năm 1936, ông tin rằng Đức đang tiến gần đến mức giới hạn ấy. Ông cảnh báo tình hình này với Hitler, phó tướng Gring và tướng bộ trưởng Quốc phòng Werner von Blomberg, nhưng không có kết quả.

Khi Đức bắt đầu kế hoạch Bốn năm thì cũng là lúc cánh tay phải của Hitler, phó tướng Gring thay Schacht để nắm quyền độc tài về kinh tế. Đối với một người kiêu ngạo, tham vọng và khinh bỉ Gring dốt nát về kinh tế, Schacht đệ đơn xin nghỉ chức vụ trong nội các. Theo yêu cầu của Hitler, Schacht ở lại nội các làm Quốc vụ khanh, không giữ chức vụ bộ trưởng nữa nhưng vẫn giữ chức vụ thống đốc Ngân hàng Quốc gia, vì thế vẫn duy trì vẻ bề ngoài, tránh cho nước Đức và thế giới một cú sốc. Tuy nhiên, ông không còn có thể kiềm chế chương trình tái vũ trang sôi động của Hitler, mà chỉ đưa tên tuổi ra làm bình phong cho mưu đồ của Hitler.

Sau khi bị cho về vườn, Schacht bắt đầu âm mưu chống đối Hitler. Nhưng trong suốt khoảng thời gian này, mọi âm mưu của Schacht cũng chỉ dừng ở mức độ âm mưu. Chẳng bao lâu người ta thấy TS. Schacht là nhà tiên tri đại tài vì đã đoán đúng cả hai việc: Hitler làm thủ tướng và ông bị Hitler tống giam. Vài ngày trước khi tự sát, Hitler thảo luận với các tướng lĩnh về số phận của một nhóm tù nhân người Anh, Pháp và Mỹ nổi danh trong đó có Schacht. Một nhân chứng về sau khai: Hitler một lần nữa nổi giận. Tay ông ta run rẩy, chân run rẩy và đầu run rẩy; ông chỉ lặp đi lặp lại: “Bắn hết chúng nó! Bắn hết chúng nó!”. Nhưng rất may, Schacht đã thoát chết nhờ quân Đồng Minh giải cứu.

Số phận thăng trầm

Sau chiến tranh, Schacht bị đưa ra xét xử trước Tòa án Nrnberg (Tòa án xét xử cá nhân và tổ chức của chế độ Đức Quốc xã bị cáo buộc phạm tội ác trong chiến tranh). Schacht tự biện hộ rằng ông chỉ là một chuyên gia về ngân hàng và kinh tế. Hơn nữa, ông đã mất mọi chức vụ trước khi chiến tranh bùng nổ và còn bị chế độ Quốc xã đưa vào trại tập trung. Vì những yếu tố này, Schacht được Tòa án Nrnberg tha bổng vì xét ông không phạm tội ác chiến tranh. Nhưng Schacht lại nhận án 8 năm khổ sai của Tòa án Bài trừ Quốc xã của Cộng hòa Liên bang Đức do ông có tư tưởng bài Do Thái, giúp gây quỹ cho Đảng Quốc xã, trấn áp nghiệp đoàn.... Ông được trả tự do năm 1948. Sau đó, ông thành lập Ngân hàng Dusseldorf, làm cố vấn về kinh tế và tài chính cho một số nước đang phát triển.

Thanh Xuân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.