Tại chương trình công bố “Tuần lễ Quốc tế phòng chống bệnh Nội tiết – Đái tháo đường” diễn ra chiều ngày 26/6 tại Hà Nội, PGS.TS. Tạ Văn Bình, Chủ tịch hội Người giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam đã chia sẻ thêm với phóng viên về thực trạng bệnh Đái tháo đường tại Việt Nam hiện nay.
Xem video: PGS.TS. Tạ Văn Bình đánh giá về thực trạng bệnh Đái tháo đường ở Việt Nam
Thưa PGS.TS. Tạ Văn Bình, ông đánh giá như thế nào về thực trạng bệnh Đái tháo đường ở Việt Nam hiện nay?
Vào những năm cuối thế kỷ XX, các chuyên gia hàng đầu thế giới về bệnh lý nội tiết chuyển hoá đã có một tiên lượng sự tiến triển của bệnh Đái tháo đường sẽ vô cùng phức tạp.
Tất cả những nhận định, đánh giá đều khác xa so với thực tế, vì phát triển của bệnh này quá nhanh. Đây là bệnh phát triển nhanh nhất trên thế giới, không có sự phân biệt về màu da, sắc tộc cũng như không có sự phân biệt về đẳng cấp, là bệnh đến với mọi người mọi nhà đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Nó khác xa so với tư tưởng trước đây cho rằng bệnh Đái tháo đường là bệnh của nhà giàu, thực ra bệnh Đái tháo đường càng nghèo bao nhiêu thì bệnh càng nặng bấy nhiêu.
Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới, nhưng là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ phát triển bệnh Đái tháo đường nhanh bậc nhất của Châu Á - Thái Bình Dương.
Đây là điều rất đáng lo ngại. Chúng ta biết rằng Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, không khác với các quốc gia đang phát triển khác. Tức là tỉ lệ bệnh và tỉ lệ tử vong do bệnh Đái tháo đường rất nhanh.
Theo ông, nguyên nhân do đâu mà bệnh Đái tháo đường ở Việt Nam lại phát triển nhanh như vậy?
Do trình độ, hiểu biết của người bệnh Đái tháo đường chưa đạt được mức độ như mong muốn.
Thêm nữa, tất cả các quốc gia đang phát triển đều vướng phải điều kiện càng nghèo bao nhiêu càng không có tiền khám chữa bệnh, cho nên 80% những người mắc bệnh Đái tháo đường ở các quốc gia đang phát triển được chẩn đoán muộn và tử vong sớm.
Ở Việt Nam, còn một đặc điểm nữa là tỷ lệ người mắc bệnh Đái tháo đường tuýp 2 trẻ tuổi ngày càng phát triển và nhanh. Người trẻ nhất là 9 tuổi, đây là một trong những đặc điểm rất đáng lo ngại.
Nguyên nhân dẫn đến Đái tháo đường tuýp 2 là do gen, nhớ lại cách đây mấy chục năm về trước đưa ra một lý thuyết về gen tiết kiệm do một nhà bác học ở Anh tìm ra gen này. Quá trình tiến triển của loài người, khi ăn thừa năng lượng thì gen tiết kiệm sẽ giữ năng lượng lại và sẽ để dùng khi thiếu. Nhưng, hiện tại khi ăn uống đã đầy đủ rồi thì năng lượng dư thừa ấy được tích luỹ lại dễ dẫn đến gây bệnh.
Thêm nữa, điều kiện để phát triển gen tiết kiệm ấy chính là lối sống như: Hoạt động thể lực ít, ăn uống dư thừa quá nhiều và cuối cùng là stress…
Ông có nói về độ tuổi mắc Đái tháo đường ở Việt Nam mới phát hiện trường hợp 9 tuổi, còn trên thế giới độ tuổi mắc Đái tháo đường là bao nhiêu?
Trường hợp 9 tuổi này ở Hà Nội, bé có cân nặng quá lớn 100kg, bố mẹ cho cháu đến khám vì thấy cân nặng của con tăng cao, lúc đó thì chúng tôi phát hiện ra bé bị mắc Đái tháo đường.
Độ tuổi trên thế giới khoảng 20 năm trước phát hiện bệnh Đái tháo đường tuýp 2 thường phải trên 40 tuổi. Nhưng, đến nay, lứa tuổi mắc bệnh Đái tháo đường chung ở trên thế giới đều trên 40 tuổi, tuy nhiên cũng có những trường hợp cá biệt, người trẻ nhất đáng buồn lại là ở Việt Nam mới có 9 tuổi. Thực tế, ở Việt Nam có tới 15-20% trẻ béo phì, đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh Đái tháo đường.
Theo ông, cần làm gì để có thể hạn chế được căn bệnh được gọi là loại “bệnh dịch toàn cầu” này?
Tất cả những điều này có thể hạn chế được, nếu như trình độ hiểu biết của cộng đồng được nâng cao, đặc biệt là trình độ của thầy thuốc chữa bệnh Đái tháo đường cần phải chính xác và được cập nhật thường xuyên.
Người bệnh, cộng đồng xã hội cần phải hiểu rõ về căn bệnh này và cả cách phòng chống... Bệnh Đái tháo đường phải được giáo dục từ bé, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Xin cảm ơn ông!
Có khoảng 3,53 triệu người mắc bệnh
Theo thống kê của bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 3,53 triệu người mắc bệnh Đái tháo đường. Con số này dự báo tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045. Mặc dù, cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20-79) mắc bệnh này nhưng có tới 69,9% không biết mình bị bệnh. 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường... Có đến 80% người bệnh đái tháo đường chết do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, họ có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 2-4 lần. 20% người bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận, có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.