Những ngày qua, dư luận cả nước hoang mang trước vụ việc 18.000 sản phẩm tương ớt Chin-su (một trong những sản phẩm tương ớt được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam) bị thu hồi tại Nhật Bản do có chứa chất bảo quản Axit benzoic - một chất cấm sử dụng trong ngành thực phẩm Nhật Bản. Thông tin này tạo nên sự lo ngại lớn đối với những người sử dụng.
Theo ghi nhận của PV Báo Người Đưa Tin tại các siêu thị lớn cũng như cửa hàng tạp hóa, hay ngoài chợ các mặt hàng của công ty Masan và nhiều công ty khác được bán tràn lan. Có một điều đáng chú ý là trên bao bì của các sản phẩm: tương ớt, tương cà, nước tương, nước mắm, mỳ tôm, bột ngũ cốc, nước giải khát,... hay đến cả cà phê của một số công ty sản xuất thực phẩm đều có gắn dòng chữ: “Sản phẩm này dành riêng cho thị trường Việt Nam không dùng cho xuất khẩu”.
Không chỉ có các sản phẩm của nhãn hàng Chin-su, trên kệ hàng của các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi hay hàng tạp hóa ở Việt Nam cũng xuất hiện rất nhiều những sản phẩm có dòng khuyến cáo này. Đặc biệt đây đều là những thương hiệu vốn rất quen mặt với người tiêu dùng như: Coca Cola plus, Coffee mì tôm Loveme, mì tôm Kokomi, cà phê G7, ngũ cốc dinh dưỡng B’fast, nước cam ép Minute Maid Teppy, nước ngọt Schweppes,...
Vậy thì tại sao lại có sự phân biệt dành riêng với thị trường Việt như vậy? Có phải do chúng ta quá dễ trong các tiêu chuẩn hay những sản phẩm này không thể tiêu thụ ở các thị trường khác? Đây đang là dấu chấm hỏi rất lớn mà người tiêu dùng muốn được giải đáp bởi cơ quan chức năng và đơn vị sản xuất.
Theo chia sẻ của một khách hàng đang mua sắm tại một siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội: "Chỉ khi biết được đáp án chính xác, người dân mới có thể yên tâm sử dụng, chọn lựa cho bản thân và gia đình những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, chứ không phải ngày ngày đeo nỗi ám ảnh an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm và hàng tiêu dùng".
Phạm Hằng - Di Hân