Vụ bắt giữ tàu chở vũ khí của Triều Tiên tại Panama đã hé lộ nhiều điều về mạng lưới buôn bán vũ khí toàn cầu của Triều Tiên. Số vũ khí nói trên đang trên đường từ Cuba về Triều Tiên. Theo như lời xác nhận của Bộ Ngoại giao Cuba số vũ khí này đang được đưa đến Triều Tiên để sửa chữa và nâng cấp.
Các nhà phân tích quân sự nhận định, Cuba và Triều Tiên cùng có chung tư tưởng chống Mỹ. Tháng trước Cuba đã tổ chức một đoàn quân sự cấp cao đến Triều Tiên tuy nhiên người ta lại không cho rằng 2 quốc gia này là đối tác vũ khí lớn của nhau.
Thực tế thì mạng lưới buôn bán vũ khí bí mật của Triều Tiên đã được hình thành và hoạt động từ rất lâu, đặc biệt là vào những năm 1980 khi Bình Nhưỡng mở rộng các hoạt động xuất khẩu công nghệ tên lửa đạn đạo cho một số quốc gia như Pakistan, Iran, Libya, Iraq.
Triều Tiên đã có một lịch sử khá lâu dài trong việc bán vũ khí cho các khu vực Trung Đông, châu Phi và ĐNA. Thị phần chủ yếu là các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung cũng như linh kiện để sản xuất tên lửa.
Những năm 1990, các nhà phân tích nhận định rằng, Triều Tiên đã tập trung ưu tiên xuất khẩu các loại vũ khí thông thường và linh kiện cho công nghệ tên lửa đạn đạo. Họ đã không thể xuất khẩu vũ khí hạng nặng hay các tài liệu kỹ thuật liên quan đến công nghệ hạt nhân do những lệnh cấm của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.
Đến năm 2006 Liên Hợp Quốc tiếp tục siết chặt lệnh cấm vận vũ khí sau vụ thử bom nguyên tử và phóng tên lửa tầm xa. Doanh số buôn bán vũ khí của Triều Tiên trở nên khó khăn hơn do các lệnh cấm, một phần khác do chất lượng nghèo nàn của những vũ khí được sản xuất theo công nghệ những năm 1970-1980.
Đặc biệt những năm gần đây, mạng lưới buôn bán vũ khí bí mật của Triều Tiên hoạt động ngày càng khó khăn hơn, rất nhiều chuyến hàng bí mật của nước này đã bị bắt giữ. Chuyên gia về kiểm soát vũ khí Joshua Pollack đã công bố bản báo cáo công khai về các vụ bắt giữ vũ khí của Triều Tiên xuất khẩu ra nước ngoài từ những năm 1990 đến nay.
Các vật liệu tên lửa được phát hiện trên tàu của Triều Tiên xuất phát từ Cuba.
Trung Đông
Cuối năm 2012, các nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc báo cáo rằng 445 thỏi than chì được sử dụng để chế tạo tên lửa đạn đạo do Triều Tiên sản xuất đã bị bắt giữ trên một tàu chở hàng của Trung Quốc tại cảng Busan Hàn Quốc trên đường đến Syria.
Tháng 12/2009 Thái Lan đã bắt giữ một máy bay của Triều Tiên chở theo 35 tấn vũ khí thông thường bao gồm cả tên lửa đất đối không. Giới chức Thái Lan cho biết, số vũ khí này được cho là sẽ chuyển đến cho Iran một khách hàng mua vũ khí lớn của Triều Tiên.
Tháng 10/2007, một số lượng lớn nhiên liệu sử dụng cho tên lửa đạn đạo Scud đã bị bắt giữ trên một chiếc tàu buôn đang hướng tới Syria.
Châu Phi
Bình Nhưỡng cũng đã cố gắng bán tên lửa tầm ngắn và pháo phản lực bắn loạt cho các khách hàng châu Phi. Những năm gần đây đã có các báo cáo cho thấy những lô vũ khí lớn đã được bí mật xuất khẩu cho Eritrea, Cộng hòa Congo và Burundi.
Tháng 11/2009, các linh kiện cho xe tăng và các trang thiết bị khác xuất khẩu cho Cộng hòa Congo đã được tìm thấy ở Nam Phi.
Đông Nam Á
Washington cho biết, Triều Tiên đã từng xuất khẩu linh kiện và công nghệ để giúp Myanmar phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung sử dụng nhiên liệu lỏng. Trong tháng 6/2009 báo Daily Yomiuri của Nhật Bản đã đưa tin về 3 vụ bắt giữ các thiết bị đo từ tính được sử dụng cho tên lửa tầm xa xuất khẩu sang cho Myanmar.
Nam Mỹ
Tuy rằng thị trường vũ khí Triều Tiên ở Nam Mỹ vẫn chưa có thống kê rõ ràng nhưng vụ bắt giữ tàu chở hàng Triều Tiên mang theo một container vũ khí về Triều Tiên cho thấy nhiều khả năng Cuba và một số khách hàng khác ở Nam Mỹ đã có các hoạt động buôn bán vũ khí với Triều Tiên từ lâu.
Minh Tâm (Theo AP)