Clip: Nội thất sang trọng, quý hiếm bên trong "cơ ngơi" của
bá hộ Xường.
Nhà cổ “không tuổi” của bá hộ Xường
Nép mình sau những cửa hàng kinh doanh vải bạt, căn nhà cổ lặng lẽ lưu giữ nét đẹp kiến trúc đã trở thành “của hiếm” ở thời đại bê tông hóa. Bước vào căn nhà cổ cũng là nhà Từ đường họ Lý (số 292, đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP.HCM), tôi sững sờ, rung động trước vẻ đẹp kiến trúc mang lại cảm giác vô cùng gần gũi khó tả.
Như một thế giới khác, căn nhà không có trụ bê tông, không tường gạch, cửa kính sang trọng. Thay vào đó, những cột gỗ tròn đen láng mịn, những vì kèo, tam giác kèo,… được trang trí bằng những tác phẩm điêu khắc chạm thủng công phu. Chỉ bấy nhiêu thôi, khách thăm quan cũng cảm nhận được giá trị của căn nhà và sự vương giả của gia chủ.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy (SN 1957), người chịu trách nhiệm quản lý ngôi nhà cổ hiếm hoi này cho biết, bà là cháu dâu đời thứ 4 của chủ nhân ngôi nhà. Đến nay, bà đã có hơn 40 năm tiếp nhận công việc gìn giữ ngôi nhà. Nhà Từ đường họ Lý được công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp TP.HCM năm 2009.
Bà nhớ lại: “Theo những gì tôi được nghe kể lại, ngôi nhà được xây dựng từ năm 1873 đến 1880 mới hoàn thành, ông cố tôi đứng ra xây dựng trong vòng 7 năm. Suốt trong thời gian ấy, ông tôi thuê thợ dựng nhà lành nghề nhất từ miền Trung vào làm nhà chứ không dùng thợ địa phương. Từ lúc hoàn thành đến bây giờ, ngôi nhà không có gì thay đổi. Mọi thứ đều gần như vẹn nguyên. Chúng tôi chỉ sửa chữa, thay ngói khi bị dột, một số cây trên mái bị mục. Còn lại, căn nhà vẫn giữ được kiến trúc ban đầu của nó”.
Theo bà Bích Thủy, thuở xưa, phía trước ngôi nhà cổ có kênh rạch thông thoáng, để ghe tàu thuận tiện chuyên chở hàng hóa đến vùng Chợ Lớn. Nhận thấy đặc điểm thuận lợi cho việc giao thương, bá hộ Xường cho xây dựng ngôi nhà, đồng thời cũng là trụ sở giao dịch, buôn bán của gia đình.
Căn nhà được chia làm 2 phần bao gồm nhà từ đường, nhà khách. Cụ thể, nhà khách là loại nhà 3 gian 2 chái lợp ngói âm dương. Nay, những hàng ngói đã ngả màu rêu, in hằn, phủ màu thời gian lên ngôi nhà cổ.
Vẻ đẹp không tuổi của ngôi nhà còn thể hiện trong việc nội thất được lưu giữ nguyên vẹn, không mảy may hư hỏng, mất mát.
Bà Thủy cho biết: “Nội thất căn nhà gồm các bức hoành phi, trang thờ, tượng thờ cúng, bàn thờ gỗ, đi văng, trường kỷ, bàn bát giác mặt đá cùng ghế ngồi, bàn tròn mặt đá, bàn bán nguyệt mặt đá, … đều được chúng tôi lưu giữ nguyên vẹn từ lúc có ngôi nhà. Những bàn, ghế, trường kỷ chế tác từ loại gỗ cực phẩm này đều được ông cố tôi mua và dùng thuyền chở về từ Trung Quốc. Vì được làm bằng gỗ quý, cũng như cột, kèo,… bàn ghế, trường kỷ trong nhà có tuổi đời ngoài 100 năm vẫn bóng bẩy, láng mịn và chắc chắn. Càng sử dụng, tôi càng thấy chúng đen bóng, lên nước, lên vân rất đẹp”.
Nề nếp gia phong của người giàu thứ ba ở Sài thành
Những vật dụng trên cùng hệ thống tác phẩm điêu khác chạm thủng vô cùng tinh xảo, sống động tại tam giác kèo mà nhiều chuyên gia nhận định chỉ có nghệ nhân có tay nghề điêu luyện mới thực hiện được đã phản ánh sự vương giả của gia chủ.
Bà Thủy thông tin, ngôi nhà bề thế này từng là nơi ở, sáng tác thi họa của người giàu thứ ba đất Sài Gòn xưa, ông bá hộ Xường.
Bà Thủy nói: “Ông cố tôi là Lý Tường Quang, người đứng thứ 3 trong 4 vị giàu có bậc nhất Sài Gòn xưa. Trong câu Nhất Sỹ, nhì Phương tam Xường tứ Định thì tam Xường là ông cố tôi. Người cùng thời thường gọi ông là bá hộ Xường”.
Theo tìm hiểu của PV, ông Lý Tường Quang vốn gốc là người Minh Hương (Trung Quốc). Tuy nhiên, ông sinh ra ở Việt Nam và lấy vợ là người Việt. Do đó, ông ảnh hưởng nhiều văn hóa của người bản địa. Điều này cũng thể hiện ở kiến trúc ngôi nhà mà ông dày công thuê thợ từ Huế vào xây dựng ròng rã 7 năm liền.
Từ nhỏ, Lý Tường Quang đã thông minh, có tài quán xuyến với sự nhìn xa trông rộng. Lên 12 tuổi, ông thông thạo nhiều ngoại ngữ. Ông được viên quan Pháp Gandot mời ra làm thông ngôn, rồi giao cho ông chức Bang trưởng cai quản 7 bang người Hoa vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Song, bước qua tuổi 30, ông bỏ áo quan để đi buôn rồi rẽ sang kinh doanh bất động sản và cung cấp thức ăn.
Công việc kinh doanh thuận lợi, ông giàu lên như diều gặp gió. Một thời, phần lớn nhà cửa trong vùng Chợ Lớn Mới và vài quận lân cận đều của bá hộ Xường xây cho thuê. Tuy nhiên, sự vương giả ấy không làm ông sa đọa. Ngược lại, trong gia đình, ông luôn là người chồng, người cha mẫu mực.
Bà Thủy kể: “Ông cố là người có tiền muôn bạc vạn nhưng lại không thuộc tuýp người ăn chơi. Cả một đời, ông tu chí làm ăn và lấy việc răn dạy con cháu sống ngay thẳng, đàng hoàng làm mục đích sống. Do đó, con cháu ông ai cũng được ăn học đàng hoàng, có cuộc sống tốt”.
Cũng theo bà, ông bá hộ là người chăm nom cho vợ con đến từng bữa ăn, giấc ngủ. Tính tình ông điềm đạm, không sa đà vào ăn chơi đàng điếm.