“Thành phố” trong lòng đất
Địa đạo Vịnh Mốc, thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã trở thành một địa chỉ đỏ khó quên trên bản đồ địa danh lịch sử dọc chiều dài đất nước. “Vùng đất lửa” ấy từng được gọi là “tọa độ chết” vì nằm trong mục tiêu hủy diệt của kẻ địch. Thế nhưng, sau những mưa bom bão đạn từ máy bay trên không rải xuống, từ hạm đội ngoài biển dội vào, Vịnh Mốc vẫn nguyên vẹn giá trị lịch sử, quân sự, văn hóa, kiến trúc và là biểu tượng cho ý chí kiên cường, lòng quả cảm, sức sống kỳ diệu của quân và dân Quảng Trị.
Chúng tôi lựa chọn xe máy để vượt qua quãng đường gần 600km từ Hà Nội tới Vịnh Mốc vào một ngày hè cuối tháng Bảy. Nắng miền Trung bỏng rát, như có ai đó đốt que diêm sau lớp áo dày. Hình như là tháng tri ân nên người về đây đông hơn. Những chi tiết về Vịnh Mốc đã thuộc nằm lòng từ ngày còn học phổ thông nhưng phải đến khi được đặt chân xuống những đường hầm ấy, tôi mới thực sự cảm nhận thế nào là huyền thoại sống trong lòng đất. Quả thật, những trải nghiệm đầu tiên bao giờ cũng thú vị và khiến cho người ta nhớ mãi.
Lịch sử trở về qua những làn gió mát rượi thổi từ biển vào, qua những viên gạch xù xì màu thời gian của di tích và qua cả con đường đất đỏ bám đầy rêu dẫn đến cửa hầm. Lần từng bước chân thận trọng với ánh đèn đỏ mờ lẫn vào màu đất, tiếng nói trong trẻo, nhẹ nhàng đậm chất địa phương của cô hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi vào “ma trận” của địa đạo dài 1,1km.
Một trong những điều làm nên sự đặc biệt của địa đạo này chính là thứ đất đỏ bazan có độ kết dính cao. Do đó, cho dù gần sát biển nhưng hầm đào đến đâu là thông đến đấy, không mấy khi có hiện tượng sạt lở. Đường hầm bên trong vì thế mà có thể đào lớn hơn các đường hầm khác, thuận tiện đi lại. Cửa hầm được đào cách đường chính từ 2-3m để tránh bom đạn rơi thẳng xuống có thể làm sập hầm hoặc sát thương những người trong hầm.
Ở Vĩnh Linh từ 1965-1967 có tới 114 địa đạo lớn nhỏ được đào, tổng chiều dài là 142 cây số. Thông thường ở các địa đạo khác cứ 50m lại có một giếng thông hơi và trong một địa đạo có nhiều giếng thông hơi. Thế nhưng ở Vịnh Mốc chỉ có 2 giếng thông hơi và thông xuống tầng 1, còn tầng 2 và 3 của địa đạo không có giếng thông hơi. Dù vậy, đi hết 3 tầng địa đạo không thấy cảm giác bí bách mà ngược lại, rất thoáng mát và dễ chịu. Điều này được lý giải là do địa đạo Vịnh Mốc có 13 cửa hầm, trong đó có 6 cửa lên đồi và 7 cửa thông ra biển. Với 7 cửa thông ra biển đặt đúng hướng hút gió nên dù ở độ sâu 15- 23m so với mặt đất thì hầm vẫn rất thoáng mát.
Chúng tôi đã đi qua cả 3 tầng ở 3 độ sâu với 3 chức năng rất khác nhau. Ở tầng 1 sâu cách mặt đất 12m, có trụ sở của Đảng ủy, Ủy ban và các đơn vị lực lượng vũ trang. Trên trục đường chính của tầng 1 là bếp nấu ăn tập thể Hoàng Cầm. Ở tầng 2 nằm dưới độ sâu cách mặt đất 15m là nơi quân và dân trong thôn sinh sống. Trên trục đường chính của tầng 2, cứ cách khoảng 1-2m lại được khoét sâu vào trong thành ô nhỏ. Mỗi ô nhỏ là một căn hộ gia đình và theo lời chị hướng dẫn viên dẫn đoàn thì bên trong địa đạo có đến 94 căn hộ như thế.
Mỗi căn hộ chỉ rộng chừng 2-3m2, nhưng phục vụ đủ cho 3-4 người sinh sống. Ngoài ra ở tầng 2, chúng tôi còn bắt gặp nhà hộ sinh - là nơi chứng kiến sự ra đời của 17 em bé trong tổng số 64 em bé ra đời trên toàn bộ hệ thống các làng hầm ở Vĩnh Linh. Tầng 3 là tầng sâu nhất cách mặt đất 23m để tránh bom. Dù sâu nhưng vẫn cao hơn mặt nước biển và người dân có thể sinh sống thoải mái cả những ngày trời mưa.
Xúc động và tự hào
Vịnh Mốc ngày nay đã trở thành điểm tham quan du lịch của rất nhiều người. Mỗi người đến đây để thấy mình cần phải sống tốt hơn, xứng đáng với những gì mà cha anh đi trước đã làm. Được biết, lực lượng tham gia đào địa đạo lúc bấy giờ không những là người địa phương mà còn có cả lực lượng vũ trang, đồn biên phòng đóng trên địa bàn xã.
Nhiều người trong số đó nay đã ở tuổi mắt mờ chân chậm, có người mang trên mình những thương tích của cuộc chiến năm xưa nhưng vẫn trở đi trở lại mảnh đất này nhiều lần. Nhiều đoàn trên đường chi viện quân từ miền Bắc vào miền Nam năm xưa nay trở lại thăm nơi từng trú ẩn trong một giai đoạn bom đạn ác liệt. Để có thể sống sót, tồn tại và làm nhiệm vụ nơi chiến trường, họ biết ơn những đường hầm bí ẩn và con người nơi đây. Họ tìm lại mảnh đất này, nhiều người gặp lại đồng đội của mình trong niềm xúc động, nhận ra nhau bởi những ký ức không thể lãng quên.
Bà Lê Thị Tố Hoài (SN 1973), Trưởng ban Quản lý khu di tích địa đạo Vịnh Mốc chia sẻ: “Có khi họ chỉ bám chặt vào đồng đội, lần bước qua từng đường hầm sờ bằng tay và cảm nhận nơi mình đã từng cống hiến và để lại di tích cho đến bây giờ, thế là đủ”.
Bà Lê Thị Tố Hoài đã gắn bó với khu di tích địa đạo Vịnh Mốc từ năm 1994. Là một trong những người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thiêng liêng này, bà rất tự hào bởi bố mẹ, ông bà từng tham gia đào địa đạo và sinh sống ở trong lòng địa đạo. Những người như bà đang ngày ngày góp phần gìn giữ di tích này, giới thiệu lại cho muôn đời sau về sự kỳ vĩ của địa đạo. Đó là kết tinh của ý chí, của lòng quả cảm, là chất thép trong con người Vịnh Mốc nói riêng và người dân Vĩnh Linh, Quảng Trị nói chung, quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời” để bảo vệ quê hương.
Bà Tố Hoài cho biết, mỗi ngày, di tích đón hàng trăm lượt khách tới thăm, cao điểm vào dịp nghỉ lễ 30/4 lên đến vài nghìn người. “Có một kỷ niệm mà đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được, dù chuyện xảy ra đã lâu, khoảng năm 1997. Khi đó, một đoàn khách người Úc lần đầu tiên đến địa đạo, mỗi người trong đoàn đều khao khát khám phá lý do vì sao người Việt Nam nhỏ bé lại có thể chiến thắng một đế quốc hùng mạnh. Thế nhưng, một người phụ nữ sợ bóng tối, với thân hình mập mạp có phần quá khổ so với cửa hầm. Bà đã không thể xuống hầm như những người khác và òa khóc vì không kìm nén được cảm xúc”.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, thời gian, Vịnh Mốc hôm nay không chỉ là nơi các đồng đội năm xưa tìm nhau trong niềm vui mừng gặp lại, mà còn là nơi để thế hệ trẻ cùng tri ân với thế hệ ông cha. Mỗi người đến đây đều mang về cho mình những cảm xúc đặc biệt, để rồi thấy mình lớn lên và trưởng thành. Trước ý chí quật cường của cha ông, mỗi người sẽ trân quý những gì mình đang có và biết cách vượt qua mọi khó khăn một cách dễ dàng. Chúng tôi cũng về Hà Nội và giữ gìn trong lòng mình những điều đó – như một vật báu!
Theo hồ sơ tư liệu cục Di sản văn hóa (bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ. Ngoài hệ thống đường hầm, địa đạo trong lòng đất, địa đạo Vịnh Mốc còn có các công trình trên mặt đất như: Giao thông hào, ụ pháo, kè chắn sóng, nhà trưng bày... |
Phóng sự ghi chép của DƯƠNG THU