Xe đạp giá hơn... trăm triệu
Thời gian gần đây, trên đường phố Hà Nội xuất hiện nhiều loại xe đạp địa hình trông rất bắt mắt. Chủ sở hữu của những chiếc xe này là các bạn trẻ "nhà có điều kiện". Đơn giản vì một chiếc địa hình, giá rẻ cũng 10 -20 triệu đồng, đắt thì lên đến 100-200 triệu đồng.
Anh Hùng, chủ cửa hàng xe đạp trên phố Bà Triệu giải thích: Giá xe khá cao vì phụ tùng đều là hàng ngoại, từ khung sườn, bộ giò đạp và đĩa, phuộc xe đến tay lái và bộ vành. Người mua có thể mua xe nhập nguyên chiếc của các hãng Giant, Trek, Bull... ; hoặc mua các bộ phận về để lắp ráp. Dù là loại xe nào thì cũng đều phải nhập đồ của các nước như Đài Loan, Nhật, Mỹ.... Cũng có những chiếc xe địa hình Việt Nam giá "bình dân" (khoảng 4-5 triệu đồng/chiếc) nhưng không được giới chơi xe đánh giá cao. Họ sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp 4 đến 5 lần để có được những chiếc xe thương hiệu nổi tiếng hơn và chất lượng tốt hơn.
Loại xe đạp siêu đắt thường có kết cấu nhẹ và bền. Ảnh minh họa
Một vòng qua các phố chuyên bán xe đạp, chúng tôi được biết: Xe địa hình (Mountain bike) được chia làm ba dòng cơ bản: Hardtail (đuôi cứng), All Mountain và Freeride - DH. Ở Việt Nam chủ yếu là xe Hard tail và All Mountain vì loại thứ 3 là xe đổ đèo, rất khó điều khiển mà giá lại rất cao, khoảng 170 triệu đồng). All Mountain là loại xe có phần khung giảm xóc trước và sau, có thể đi trên mọi loại địa hình còn Hardtail chỉ có giảm xóc trước, chỉ đi được trên những địa hình đổ nhẹ nên giá thành rẻ hơn (Hardtail có giá khoảng 7 triệu đồng, All Mountain 10 triệu đồng).
Dân thể thao, ưa mạo hiểm hoặc vận động viên chuyên nghiệp thường chọn cách mua xe lắp ráp. Khi tự lắp, họ vừa chủ động trong việc tạo hình cho "đứa con tinh thần" của mình, lại chủ động được về tài chính. Anh Lê Chiến (33 tuổi, nhân viên lập trình) sở hữu một chiếc xe như thế. Bỏ ra 15 triệu đồng và hơn 1 tuần để tìm mua, lắp ráp "xế yêu", anh cho rằng, 15 triệu đồng cho một chiếc xe địa hình ưng ý là không hề đắt. Vì chiếc xe bền, đẹp, lại đáp ứng được yêu cầu vừa để chơi vừa để tập luyện.
Xe thể hiện “đẳng cấp” người cầm lái
Thú chơi xe không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Trước đây, sở hữu một chiếc xe đạp hiệu Peugeot thì cũng như ngày nay có SH, một chiếc xe đạp địa hình đắt tiền. Vì để có được một chiếc xe ưng ý, người mua phải mày mò rất nhiều trước khi quyết định. Chỉ những người thực sự đam mê mới bỏ công bỏ sức làm những việc tưởng như "rỗi hơi" như thế.
Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, nhân viên tại cửa hàng xe Giant, số 20 Khâm Thiên, Hà Nội cho biết: Giá thành một chiếc xe phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là chất liệu và công nghệ. Những chiếc xe đắt thường nhẹ hơn, nhưng chắc chắn hơn. Nó phụ thuộc một phần vào khung sườn là thép, nhôm hay carbon. Những chiếc xe có khung sườn làm bằng carbon chỉ 770g, toàn xe cũng nặng có 7kg, nhưng chúng có giá tới 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, đi kèm với xe, dân chơi thường sắm các phụ kiện như đồng hồ tốc độ, bình nước, găng tay, quần áo, mũ bảo hiểm... Tổng chi phí dành cho những món đồ "râu ria" này cũng lên đến hàng chục triệu đồng.
Anh Xuân Trung (27 tuổi, giáo viên dạy nhạc), đang dùng xe ATX 770-D của hãng Giant với giá 11 triệu, anh tự nhận chiếc xe của mình chỉ xếp vào loại xoàng xoàng, gọi là loại xe du lịch bình thường. Tuy vậy, anh Trung rất hài lòng về chiếc xe của mình. Anh kể khi "phi xe" xuống hầm Kim Liên (Hà Nội), anh có thể đạp đến tốc độ 70km/h, chạy song song với ô tô khiến người đi đường mắt tròn mắt dẹt. Anh cho biết, chiếc xe đi tốc độ nhanh rất đầm và chắc chắn vì có bộ lốp to, bám đường và khẳng định khi nào "xế yêu" của mình hỏng thì mới tính đến việc "lên đời" xe.
Biết đến bộ môn đạp xe địa hình từ khi còn nhỏ qua các chương trình X-game của ESPN hay Star Sport, anh Trung đã luôn ước ao có cho mình một chiếc xe vừa khỏe khoắn, đẹp mắt. Trước khi mua, anh đã tham khảo một số diễn đàn như: otofun.net, xedap.org để tìm hiểu đặc tính kỹ thuật, hiệu năng sử dụng, giá cả và đánh giá của mọi người về từng dòng xe khác nhau.
Anh Trần Lâm, một dân chơi ở TP.HCM khẳng định, chỉ cần bảo trì đúng cách và thường xuyên thì xe sẽ rất bền. Những loại xe đạp cao cấp sử dụng phanh đĩa thì phải có quy trình kiểm tra, châm dầu định kỳ. Đặc biệt chủ xe cần chăm sóc và bảo dưỡng định kỳ cho xe như: Rút căm, kiểm tra, tra dầu mỡ, hệ thống đĩa, xích, đề... Nếu mua xe nguyên chiếc thì phải đem đến hãng để được bảo hành. Anh Lâm cũng lưu ý, khi chọn mua xe, cần chọn đúng cỡ xe dành cho mình. Vì xe đạp địa hình cũng có cỡ như quần áo. Chiều cao 1,5 - 1,65m thì nên chọn những chiếc xe có kí hiệu 15 - 16 còn 1,7 -1,85m thì chọn cỡ 18 - 21. Nếu người mua không chú ý chi tiết này sẽ dẫn đến tình trạng đau lưng, mỏi tay hoặc đạp thiếu lực. Vì khi đã chơi xe thì ngoài việc rèn luyện sức khỏe thì còn “tình yêu” với xe. Phải thật sự chăm chút thì người dùng mới có được một chiếc xe hoàn hảo.
Nói về đối tượng khách hàng của xe đạp địa hình, anh Đức, nhân viên bán hàng trên phố Bà Triệu, Hà Nội cho biết: "Khách hàng chủ yếu là những người đã đi làm, có thu nhập khá, thích khám phá, yêu thể thao. Chơi xe địa hình cũng là một cách để thể hiện “đẳng cấp” lại vừa thể dục thể thao và có tác dụng bảo vệ môi trường. Một công đôi ba việc nên xe địa hình ngày càng đông người tìm mua".
Sửng sốt với siêu xe đạp giá gần 1 tỷ đồng Tháng 3 vừa qua, giới chơi xe địa hình sành điệu xôn xao về chiếc "siêu xe đạp" giá 35.000 USD (khoảng 730 triệu đồng) được nhập về Việt Nam. Đó là chiếc xe M55 Terminus do chính tay hoàng tử Monaco thiết kế và chỉ có 250 chiếc loại này được sản xuất trên thế giới. Vì thế không phải cứ có tiền là có thể sở hữu chiếc xe đạp đó. Khách mua xe phải đặt hàng, thanh toán trước và đợi từ 1 đến 2 năm để được giao hàng. Được biết, chiếc siêu xe này được công ty Saigon Moto nhập về theo đặt hàng của một Việt kiều Mỹ mới hồi hương sống tại TP.HCM. Cùng thời điểm đó, cũng có một chiếc Kia Morning 2012 nhập về Việt Nam có giá 470 triệu đồng (đã bao gồm thuế GTGT). |
Thanh Xuân