PV báo Người Đưa Tin đã có chuyến thăm trung tâm huấn luyện đua thuyền sông Giá (ở thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) để mục sở thị nơi ăn, chốn ở, điều kiện sinh hoạt, tập luyện của các vận động viên (VĐV) rowing (đua thuyền) Việt Nam.
Các vận động viên ăn ở, sinh hoạt như thế nào?
Tại thời điểm PV có mặt tại trung tâm này, các VĐV rowing đã hoàn thành xong các nội dung thi đấu tại Á vận hội ASIAD 2018 được tổ chức tại Indonesia và trên đường trở về quê nhà.
PV may mắn gặp được nữ VĐV Đinh Thị Hảo, quê ở Tuyên Quang. Kỳ ASIAD này, Hảo cùng đồng đội đã mang về cho đội tuyển rowing Việt Nam thêm một tấm huy chương bạc (HCB).
“Bọn em mới trở về Việt Nam hôm qua. Từ Indonesia, bọn em trở về trung tâm huấn luyện luôn để chia vui cùng lãnh đạo trung tâm, huấn luyện viên và đồng nghiệp. Đến nay, nhiều VĐV đã được về nhà nghỉ phép sau khi thi đấu”, Hảo nói.
Khi được hỏi về điều kiện sinh hoạt, luyện tập, Hảo nói được ban lãnh đạo trung tâm, huấn luyện viên quan tâm nên không khó khăn trong việc tập luyện, chỉ thỉnh thoảng nhớ nhà vì việc luyện tập thi đấu diễn ra thường xuyên, một năm chỉ đôi lần được quê thăm gia đình.
Câu chuyện ngoài hành lang bị ngắt quãng khi PV nhìn thấy một nữ VĐV kéo vali, túi xách vội vã từ phòng bên cạnh bước ra. Một huấn luyện viên chỉ kịp nói: “Phạm Thị Thảo, người trong đội rowing hạng nhẹ vừa đoạt huy chương vàng (HCV) đó anh!”.
Tôi tất tả chạy theo thì Thảo nói: "Anh thông cảm, em đang vội, em phải về quê ngay cho kịp, gia đình, con nhỏ đang ngóng chờ em ở nhà, hẹn gặp anh khi khác ạ".
Nói rồi, Thảo cùng người chồng nhanh chóng lên xe để về quê.
Tại trung tâm, PV bắt gặp một nam VĐV tuổi đời còn trẻ, là Kim Văn Tài (SN 1996). Tài cho biết, quê em ở mãi Bạc Liêu. Tài ra trung tâm đã được gần 3 năm, nước da đen, khỏe khoắn đặc trưng của người dân đồng bằng sông Cửu Long.
“Em trưởng thành từ đội tuyển của tỉnh. Ra ngoài này cùng với việc xa gia đình thì điều kiện sinh hoạt, luyện tập em chưa thích nghi tốt được. Đồ ăn ngoài Bắc chưa hợp khẩu vị với em.
Ngoài ra, thời tiết ở miền Bắc tương đối khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng, mùa đông thì vô cùng lạnh giá. Có những buổi mùa đông luyện đua thuyền trên sông, tay chân em tê cóng vì giá rét.
Em ở đây được luyện tập, thi đấu giao hữu thường xuyên, bạn bè cũng dần quen nên nỗi nhớ nhà cũng dần nguôi ngoai”, Tài chia sẻ.
Mong muốn có điều kiện luyện tập tốt hơn
Người huấn luyện viên (xin được giấu tên) cho hay, ở trung tâm này có hơn 20 VĐV rowing quốc gia, số còn lại là của các tỉnh thành Hải Phòng, Hải Dương. Quảng Ninh… Nếu cộng tất cả VĐV thì quân số phải lên tới hơn 200 người.
Huấn luyện viên cũng thông tin thêm, do điều kiện ăn ở chật chội, trung tâm này gồm cả đội tuyển quốc gia và các tỉnh thành khác tập luyện dưới sự quản lý của sở VH-TT Hải Phòng. VĐV của đoàn Hải Phòng ở khu nhà 3 tầng tách biệt. VĐV quốc gia ở dãy nhà 2 tầng liền kề. Sức chứa về nơi ăn chốn ở tại trung tâm là có hạn.
Vì điều này, sở VH-TT các tỉnh khác có VĐV đến đây cùng luyện tập đều phải thuê đất để xây dựng nhà cho VĐV ở. Tại trung tâm có nhà ăn tập trung, có duy nhất một phòng tập thể lực. Các tốp VĐV muốn tập thể lực phải chia ca và thời gian cũng chỉ được giới hạn 15 phút để cho các VĐV khác vào tập.
“Ở đây thiếu thốn mọi bề, anh thấy đấy, các vận động viên đều phải ở giường tầng như ký túc xá sinh viên. Không gian riêng tư gần như là không có, phòng chật chội,vì vậy VĐV nào có gia đình, vợ, chồng, con đến thăm đều phải thông cảm.
Ngoài ra, dụng cụ để các VĐV tập luyện rất là thiếu thốn, thuyền chỉ có giới hạn. Nếu tất cả các VĐV cùng đưa thuyền xuống sông để bơi thì không đủ, vẫn phải chia tốp ra để luyện tập.
Mặt khác, thuyền để bên ngoài không có mái che nắng, che mưa nên sẽ nhanh bị hỏng và xuống cấp. Tất cả những tồn tại về trang thiết bị chúng tôi cũng đã phản ánh với trung tâm và các lãnh đạo, nhưng cũng chỉ để phản ánh thôi vì vướng mắc là ở kinh phí.
Có thể anh không biết, chứ cái thuyền mảnh mai đơn giản như thế nhưng giá thành rất đắt đỏ. Thuyền đơn giá hơn 200 triệu, thuyền đôi giá hơn 300 triệu, đắt nhất là thuyền 4 có giá đến hơn nửa tỷ đồng. Những thuyền này Việt Nam không sản xuất được hoặc không đạt chuẩn nên đều phải nhập từ nước ngoài về.
Thuyền sau khi các VĐV luyện tập xong để trên bãi cỏ, mặc nắng mưa, chúng tôi rất xót xa nhưng cũng không biết làm thế nào”, vị huấn luyện viên tâm tư.
Vượt qua tất cả thiếu thốn về trang thiết bị luyện tập, các VĐV rowing Việt Nam đã mang về 1 HCV và 1 HCB cho đất nước. HCV thuộc về đội đua thuyền 4 người hạng nhẹ mái chèo đôi gồm: Tạ Thanh Huyền, Lương Thị Thảo, Hồ Thị Ly và Phạm Thị Thảo. Và tính đến ngày hôm nay (27/8), đây vẫn là tấm HCV đầu tiên và cũng là duy nhất đối với đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018.
Trong tấm huy chương bạc mà đội tuyển rowing đạt được thuộc về nội dung đua thuyền 4 hạng nặng mái chèo đơn. Các VĐV đoàn Việt Nam tham gia nội dung này gồm có Đinh Thị Hảo, Trần Thị An, Phạm Thị Huệ và Lê Thị Hiền.