Vi phạm liên tục, xử lý không xuể
Cuối tháng 7/2023, Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM đang triển khai quyết định của UBND Tp.HCM về việc xử phạt Công ty Cổ phần Truyền thông Giải trí Bến Thành vì tổ chức cuộc thi người đẹp mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng.
Cụ thể, công ty này đã tổ chức thi người đẹp, công bố kết quả và trao giải thưởng được lồng ghép trong nội dung họp báo về công bố kết quả Gương mặt ảnh bìa 2023, tổ chức hồi cuối tháng 5 trước đó.
Mức tiền phạt là 55 triệu đồng căn cứ theo quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo.
Trong tháng 6 và tháng 4/2023, UBND Tp.HCM cũng đã xử phạt 2 đơn vị khác vì hành vi vi phạm tương tự với mức phạt 55 triệu đồng. Công ty cổ phần và đầu tư giải trí Bí Mật Phương Đông (có trụ sở tại phường 5, quận 3, Tp.HCM) bị xử phạt vi phạm hành chính vì tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu không có văn bản chấp thuận của Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM.
Trước đó, theo thông báo trên mạng xã hội, cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Thành đạt Hoàn cầu 2023 diễn ra tại nhiều địa điểm. Trong đó, có vòng tuyển sinh, bán kết tổ chức tại Tp.HCM, vòng chung kết tổ chức tại nước ngoài. Tuy nhiên, khi ban tổ chức tổ chức công bố sự kiện tại Tp.HCM vào tháng 3 tại một khách sạn ở quận 3, thì cơ quan chức năng kiểm tra, đơn vị này không có văn bản chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền.
Còn đối với cuộc thi Miss International Queen VietNam (Đại sứ hoàn mỹ), đây cũng hoạt động thi người đẹp chưa được sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Đầu tháng 4/2023, đêm chung kết cuộc thi Đại sứ hoàn mỹ diễn ra, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hương Giang Entertainment tổ chức tại một phim trường ở quận 12, Tp.HCM.
Sau khi nhận được tin báo, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM đã chủ động phối hợp Đội 3 - Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an Tp.HCM, Phòng Văn hóa - Thông tin quận 12 cử lực lượng kiểm tra, xử lý theo quy định.
Qua làm việc, lực lượng chức năng yêu cầu dừng cuộc thi, nhưng ban tổ chức cuộc thi này không chấp hành. Sau đó, lực lượng chức năng lập biên bản sự việc vi phạm.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM nhận thấy một số đơn vị, cá nhân tổ chức các cuộc thi thực hiện rất nhiều hình thức tinh vi để “lách luật”, gây khó khăn đối với công tác đấu tranh, xử lý.
Trên thực tế có những cuộc thi không vi phạm quy định nhưng chất lượng lại quá thấp, từ cách thức tổ chức, quy mô cho đến mặt bằng thí sinh. Điều đó là thiếu công bằng đối với các cuộc thi được đầu tư chuyên nghiệp, có chất lượng tốt, tạo được uy tín đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng như công chúng.
Quy định "thông thoáng", đua nhau "lách luật"
Trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Dương Ánh Nga, Đoàn Luật sư Tp.HCM cho rằng, ngày càng có nhiều các đơn vị tổ chức các cuộc thi sắc đẹp lách luật và ngày càng có nhiều hơn những cuộc thi lệch chuẩn, sai phạm bất chấp tiếp diễn...
Theo luật sư Ánh Nga, từ thời điểm Nghị định 144 ra đời, những quy định "cởi trói" của Nghị định đã khiến các đơn vị dễ dàng "lách luật" để tổ chức thêm nhiều cuộc thi nhan sắc. Tình trạng “mở mắt là thấy hoa hậu”, “ra ngõ gặp hoa hậu”… xuất hiện tràn làn. Tuy nhiên, không ít trong số đó vướng những lùm xùm, gây xôn xao dư luận…
Những lùm xùm, sai phạm xung quanh các điều luật cần và đủ cho việc tổ chức một cuộc thi nhan sắc hoa hậu cũng khiến công chúng ngán ngẩm, thất vọng. Điều này đặt ra câu hỏi: “Quy định về các cuộc thi nhan sắc hiện nay đã đủ sức răn đe hay chưa?”.
Luật sư Nga nhận định: “Quy định về việc cấp phép hiện nay còn khá lỏng lẻo. Các cuộc thi người đẹp, hoa khôi trong nội bộ các tổ chức đôi khi rất có ảnh hưởng về mặt truyền thông nhưng lại không cần phải xin phép mà chỉ cần thông báo. Như vậy sẽ dẫn đến việc đôi khi các cuộc thi sắc đẹp có sai phạm thì cơ quan có thẩm quyền cũng không nắm được thông tin hoặc khi phát hiện được thì đã diễn ra rồi mới tiến hành xử phạt là quá muộn”.
Chính vì quy định dễ dãi mà những năm gần đây, quá nhiều các cuộc thi người đẹp, hoa khôi ra đời núp bóng của các công ty nhưng thực tế là chạy truyền thông rất mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng.
“Với các cuộc thi người đẹp, hoa hậu có quy mô lớn hơn tuy có quy định chặt chẽ trong khâu kiểm duyệt, cấp phép nhưng trên thực tế các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý chưa sát sao và chuẩn chỉ, kiểm duyệt qua loa, mang tính đối phó. Vì vậy, hàng loạt các cuộc thi hoa hậu ra đời nhan nhản nhưng nội dung phản cảm, hình thức sai phạm rất nhiều”, luật sư Nga nêu thực trạng.
Thừa nhận điều này, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM cho biết, từ khi Nghị định 144 được ban hành, đã có rất nhiều cuộc thi người đẹp, người mẫu trên cả nước nói chung và Tp.HCM nói riêng được tổ chức, làm cho hoạt động văn hóa nghệ thuật trở nên sôi động, đa dạng, hấp dẫn.
Tuy nhiên, bên cạnh những cuộc thi uy tín, chuyên nghiệp thì vẫn còn một số cuộc thi kém chất lượng, chưa đáp ứng được kỳ vọng của công chúng, đồng thời còn tồn tại một số cuộc thi người đẹp chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
“Việc một số tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm các quy định nói trên, ngoài nguyên nhân chế tài chưa đủ mạnh, không đủ sức răn đe thì chúng tôi cho rằng chủ yếu là do yếu tố thương mại. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là ý thức và hiểu biết pháp luật của thí sinh còn hạn chế, đa số không tìm hiểu cuộc thi mình tham gia đã được cấp phép hay chưa”, bà Thanh Thúy nhấn mạnh.
Nhiều biến tướng để đối phó cơ quan Nhà nước
Đầu tháng 1/2023, UBND Tp.HCM đã có báo cáo gửi Bộ VH,TT&DL về một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý Nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật và các cuộc thi sắc đẹp trên địa bàn.
Theo UBND Tp.HCM, thực tế kiểm tra xử lý còn nhiều cách hiểu khác nhau về cụm từ “phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức”. Chưa kể, nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện chương trình không phải nội bộ, có nhiều người tham gia không phải là người của tổ chức đó nhưng tại thời điểm kiểm tra, với sự tham gia của vài trăm người thì không thể kiểm tra, đối chiếu từng cá nhân tham gia biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu có phải là người của nội bộ tổ chức hay không.
UBND Tp.HCM còn chỉ ra trường hợp cá nhân, tổ chức tập trung đông người cho chương trình biểu diễn nghệ thuật, thi người mẫu, người đẹp nhưng không nhận là có biểu diễn nghệ thuật, có thi người mẫu, người đẹp trong chương trình, sự kiện đó. Tuy nhiên, đến cuối chương trình lại có phần biểu diễn nghệ thuật, hoặc thi người mẫu, người đẹp.
“Điều này dẫn tới việc biến tướng trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu trên địa bàn, rất khó kiểm soát, ngăn chặn từ ban đầu”, báo cáo của UBND Tp.HCM nêu.