Không đảm bảo pháp lý về đất đai
Qua khảo sát của PV Người Đưa Tin, tại huyện Châu Đức từ đầu năm đến nay, hàng loạt điểm du lịch mới tự phát mọc lên với tên gọi “khu du lịch sinh thái”, “du lịch cộng đồng” đã đi vào hoạt động, kinh doanh nhưng phần lớn được xây dựng trên đất nông nghiệp. Một phần là đất ở nhưng không phải là đất kinh doanh dịch vụ, không đúng quy hoạch theo kế hoạch sử dụng đất...
Trong đó, có thể kể đến một số điểm như: “Suối Rao Garden”, “Suối Rao Forest”, “The Sapppihire Garden” đều tọa lạc tại xã Suối Rao. Hay mới đây nhất là “Khu du lịch Buôn Gờ Rin” tại xã Láng Lớn… Tất cả các điểm du lịch này được quảng cáo rầm rộ với tên gọi mỹ miều và đón cả khách lưu trú qua đêm.
Cũng như huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc thời gian qua xuất hiện nhiều điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trải nghiệm đang hoạt động.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì các điểm này không đảm bảo theo quy định về đất đai, hoạt động chưa đúng với mục đích sử dụng đất vì hầu hết cơ sở hạ tầng đón khách, nhà chờ, cơ sở lưu trú... đều nằm trên đất nông nghiệp, chưa chuyển mục đích sử dụng đất.
Liên quan đến một số điểm du lịch tự phát hoạt động trên địa bàn huyện Châu Đức, một lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Châu Đức cho biết, đến nay Phòng đã yêu cầu các điểm du lịch ở xã Suối Rao tạm ngưng hoạt động để hoàn thiện cơ sở pháp lý về điều kiện hoạt động du lịch.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tấn Bản - Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, mới đây huyện đã tổ chức cuộc họp với các phòng, ban liên quan về tình hình phát triển du lịch trên địa bàn.
Thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường quản lý, giám sát các điểm du lịch tự phát để có hướng xử lý, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các cá nhân, tổ chức làm mô hình du lịch này.
“Quan điểm của huyện là ủng hộ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái để góp phần quảng bá hình ảnh về vẻ đẹp con người và truyền thống văn hóa địa phương nói riêng và tỉnh nói chung đến với khách du lịch. Qua đó, tăng thêm thu nhập cho người dân, bởi huyện có thế mạnh về nông nghiệp.
Tuy nhiên, các loại hình du lịch này trước hết cần phải đảm bảo tính pháp lý về đất đai, quy hoạch xây dựng. Các trường hợp tự phát, xây dựng trái phép huyện sẽ kiên quyết xử lý, không để xảy ra tình trạng tràn lan xây dựng mà thiếu quản lý, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch chung”, ông Bản cho hay.
Theo ông Bản, hiện UBND huyện đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra pháp lý đất đai, quy hoạch xây dựng tại các điểm du lịch trên địa bàn, báo cáo huyện để có hướng xử lý. Qua đó, huyện sẽ báo cáo tỉnh các trường hợp vướng mắc để xin ý kiến chỉ đạo.
Cần quản lý chặt và có định hướng phát triển
Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi Tổng Cục du lịch về tình hình hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn năm 2022, thời gian qua tỉnh có 46 dự án đầu tư du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ và 28 nhà đầu tư đề xuất đầu tư du lịch sinh thái vào Vườn quốc gia Côn Đảo.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch đã phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, các địa phương doanh nghiệp du lịch khảo sát một số điểm tham quan, cơ sở nông nghiệp có tiềm năng nhằm tạo sự kết nối trong việc xây dựng chuỗi liên kết tour du lịch, với một số mô hình sản xuất nông nghiệp, danh lam thắng cảnh và nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên theo Sở Du lịch, các dự án du lịch sinh thái trong rừng, các dự án nông nghiệp trên địa bàn đều được UBND tỉnh cho thuê môi trường rừng để đầu tư dự án hoặc đầu tư trên phần diện tích đất nông nghiệp. Do vậy, hầu hất các dự án, mô hình này đều gặp khó khăn, vướng mắc thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai.
Các mô hình du lịch phần lớn xây dựng trên đất nông nghiệp nên việc xây dựng các công trình (lưu trú, dịch vụ du lịch) không phù hợp quy hoạch sử dụng đất.
Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức xây dựng mô hình du lịch cộng đồng còn một số khó khăn, bất cập liên quan đến nội dung phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng như: chưa có hướng dẫn về tiêu chí xác định và điều kiện tham quan mô hình này, chưa có hướng dẫn cụ thể về loại hình và định mức hỗ trợ trang thiết bị ban đầu cho các “nhà đầu tư”…
Trước những khó khăn, vướng mắc và bất cập trên, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị Tổng cục Du lịch tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, hướng dẫn nội dung trên.
Có thể thấy, khi chính cộng đồng không quan tâm giữ gìn bản sắc riêng, “nhà đầu tư” làm du lịch chạy theo xu hướng thương mại hóa, coi trọng lợi nhuận trước mắt mà bất chấp hậu quả, các sản phẩm du lịch thiếu đa dạng,... sẽ đánh mất cơ hội để phát triển du lịch của chính địa phương mình.
Tình trạng các điểm du lịch tự phát xuất hiện ồ ạt và không thể kiểm soát, cung vượt quá cầu, ngoài việc khiến chính quyền địa phương gặp khó khăn trong quản lý, còn dẫn đến nhiều hậu quả, như: chất lượng dịch vụ không bảo đảm, ô nhiễm môi trường, gây mất an ninh trật tự… và để lại những hệ lụy xấu, đánh mất đi hình ảnh du lịch trong mắt du khách.
Gio Linh