Những tấm biển quảng cáo được viết bằng tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, Nhật... được treo hoành tráng, đèn nháy lấp lánh bắt mắt. Đi giữa những con phố ở Việt Nam mà ngỡ đang lạc vào một phố ở nước ngoài.
Đặt chân xuống phố là "va" ngoại
Bước chân ra đường phố Việt Nam, ở bất cứ đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp biển hiệu chữ nước ngoài. Phóng tầm mắt lên cao, các tấm biển hiệu của các công trình xây dựng có thể nhìn thấy từ xa với những từ "For Lease", "Call"... đến tên các công trình, dự án cũng được đặt luôn bằng tiếng nước ngoài như Royal, Ciputra...
Dù không phải ai cũng hiểu nghĩa của các từ đó nhưng vẫn phải đọc như thể biết rồi! Tuy nhiên, chừng đó còn chưa đủ "choáng" so với những tấm biển quảng cáo được giăng mắc khắp các ngang cùng ngõ hẻm từ phố cho đến quê với "tiếng Tây, Tàu"... đủ cả. Đi giữa "phố ta" mà cứ ngỡ như lạc vào một khu phố hổ lốn Âu - Á nào đó.
Chỉ cần vòng quanh vài con phố lớn ở Hà Nội như Kim Mã, Cầu Giấy, Bà Triệu... tôi và chắc chắn là nhiều người khác phải bùi ngùi trước các pano, biển hiệu từ tên cơ quan, doanh nghiệp "chữ Tây".
Nó được kẻ vẽ to đậm, được kết bằng đèn màu, ánh sáng cho nổi bật, còn tên chữ tiếng Việt thì bé xíu ở phía dưới. Không chỉ các doanh nghiệp, công ty lớn "sính" "chữ Tây" mà các cửa hàng buôn bán cũng "sáng tạo" không kém, theo cách của riêng họ.
Theo khảo sát của PV Người Đưa Tin, chỉ tính riêng đoạn đường Cầu Giấy (Hà Nội), ít nhất có khoảng 5 cửa hàng bán quần áo treo tấm biển trơ trọi hai chữ tiếng Anh "Shop Men".
Trong số đó chỉ có một cửa hàng chuyên bán quần áo dành cho nam giới, còn lại bốn "Shop Men" bán cả đồ nữ. Chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi dòng chữ tiếng Anh ghi trên biển quảng cáo ở một hàng ăn trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), chình ình hai chữ "Fast foot".
Chắc chắn bất cứ vị "khách Tây" nào ghé quán ăn nhanh này cũng không khỏi bất ngờ với sự "hiếu khách" khó tả và khả năng ngoại ngữ khó hiểu của người chủ quán. Những tấm biển chỉ gỏn gọn "Cici Mar, Mirro, Baby Shop..." kèm theo số điện thoại, địa chỉ bằng tiếng Việt nằm khiêm tốn ở một góc nhỏ xíu dưới tấm biển quảng cáo rộng không phải là lạ ở những con phố Hà Nội.
Biển hiệu quảng cáo chữ Tây nhan nhản trên một tuyến phố.
Chị Nguyễn Thùy Linh (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Giờ chữ nước ngoài giăng mắc khắp nơi. Bước chân xuống đường là nhìn thấy nào là cofffe, karaoke, massage, shop...
Thậm chí đến các trường mẫu giáo, họ cũng đặt tên, kẻ biển toàn bằng tiếng nước ngoài như Green Sun, Green Garden... Các cháu học bậc mầm non dù có muốn đọc để giới thiệu tên trường, e rằng cũng không dễ. Không hiểu, tiếng Việt hết từ hay sao mà nhiều người "sính" từ ngoại đến thế".
Nhiều địa điểm, bảng giới thiệu tìm mãi không ra một từ tiếng Việt, mặc dù quán hàng đó chỉ có người Việt ra vào. Trong "rừng chữ nghĩa" mặt tiền ấy, có không ít các bảng hiệu bằng tiếng nước ngoài, loại chữ "toàn Tây" có, loại "nửa Tây nửa ta" và cả những loại "chữ Tây" nhưng cả người nước ngoài và người Việt đều không hiểu nghĩa là gì.
Buồn cười là có những nơi, chỉ phục vụ người Việt mà cũng cố thêm vào những dòng chữ tiếng Anh to đùng, lấn hết cả dòng chữ quảng cáo bằng tiếng Việt.
Chỉ nguyên chữ cà phê, mỗi quán cũng tự sáng tạo những tấm bảng hiệu quảng cáo rất to khác nhau, đề "chữ Tây" không ra Tây, ta không ra ta, đọc lên chẳng hiểu là gì. Chỗ thì café, nơi thì coffee, cũng có nơi là cà pê.
Thế mới có những chữ tiếng Anh ngô nghê của các công ty "sính" ngoại ghi đường dây nóng "Hotline" thì viết là "Holine", thức ăn nhanh "Fast food" thì viết thành "Fast foot", v.v... khiến không ít người phát ngượng thay cho chủ nhân quảng cáo.
Thậm chí, có trường chuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hội trường từ lúc xây xong đến khi sử dụng chưa một người nước ngoài nào bước vào cũng đề chữ "No smoking"...
Ý thức kém hay đang tự hạ thấp mình?
Anh Nguyễn Hồng Giang, Việt kiều Singapore bộc bạch nỗi lòng: "Không hiểu sao người Việt lại "sính" dùng tiếng nước ngoài thế. Từ những câu giao tiếp thông thường cũng bị ngoại ngữ hóa hễ mở miệng nói là pha tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung linh tinh phèng cả lên. Nhưng lúc cần phải nói bằng tiếng nước ngoài để "ra" tiền thì không nói được.
Không chỉ vậy, kể cả hình thức bề ngoài cũng "sính" ngoại. Ít nhất, tôi đã có dịp đi đến khoảng 10 nước trên thế giới, họ đều dùng tiếng mẹ đẻ để ghi trên biển quảng cáo ở các phố. Khách không hiểu phải tự tìm ý nghĩa.
Đặc biệt ở nhiều nước, tại những khu phố tập trung đông người Trung Quốc, họ đều dùng tiếng mẹ đẻ. Từ tấm biển quảng cáo, tên món ăn đều bằng tiếng Trung. Trong khi đó, nhiều người buôn bán ở chính Việt Nam lại đang làm điều ngược lại".
Theo anh Giang thì, không phải người Trung Quốc không biết tiếng Anh mà họ muốn giữ và muốn văn hóa của đất nước họ lan ra các đối tượng cư dân khác. Các thành phố ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... bảng hiệu quảng cáo hay nhãn hiệu hàng hóa bao giờ tiếng mẹ đẻ cũng ở vị trí trang trọng nhất, được viết đậm nhất, chữ nước ngoài chỉ là thêm, bị đặt ở vị trí thứ yếu. Ai không đọc được phải tự tìm hiểu. Đó là lòng tự tôn dân tộc về ngôn ngữ. Đó là văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân.
PGS.TS Lê Quý Đức, viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển cho biết: "Luật Quảng cáo đã quy định cụ thể, trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
Thực trạng bảng, biển quảng cáo bằng tiếng ngoài, xô bồ, tràn lan, vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo không phải mới diễn ra. Hiện tượng này cũng đã được nhiều chuyên gia, các nhà văn hóa phê phán, đề xuất hướng xử lý. Bởi yêu ngôn ngữ cũng là sự tôn trọng Tổ quốc và tôn trọng chính mình.
Trong khi tiếng Việt không thiếu những từ hay, gợi, dễ viết, đặt tên, sao người làm biển, bảng quảng cáo hay tên thương hiệu không sử dụng mà dùng tiếng nước ngoài tràn lan, tùy tiện?! Tôi không phản đối việc học ngoại ngữ, nhưng học ngoại ngữ khác với việc lạm dụng ngoại ngữ tùy tiện trên phố, trên biển quảng cáo. Nó thể hiện ý thức dân tộc kém, tự hạ thấp bản thân, vi phạm pháp luật...".
Theo nhiều chuyên gia ngôn ngữ, văn hóa thì cần phải tổ chức xây dựng, giám sát gắt gao hơn việc sử dụng tiếng nước ngoài ở Việt Nam, nhất là trong việc quảng cáo.
Tại sao các doanh nhân, doanh nghiệp hàng ngày kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam mà tên các nhãn hiệu hàng hóa trong nước sản xuất lại "kiệm" tiếng Việt đến thế? Họ sử dụng nào là Huda (Huế) trên thế giới, Sadrolex (Quảng Bình), nước khoáng thì Vital...
Các nước lớn mỗi năm chi hàng trăm triệu đô-la Mỹ để quảng bá, phổ cập, phổ biến tiếng của nước họ ra toàn thế giới trong khi đó ngay ở Việt Nam thì nhiều người lại đang tự làm tiếng mẹ đẻ mình "lép vế".
Xử lý không nghiêm nên “nhờn luật” PGS.TS Lê Quý Đức, viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển cho rằng: "Những quy định về chữ viết quảng cáo đã có. Vấn đề ở chỗ là cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ giám sát và xử lý các hành vi vi phạm đó như thế nào, có quyết liệt đến cùng hay không. Lâu nay, không ít người chủ, làm biển quảng cáo vẫn tồn tại tâm lý rằng, viết "chữ Tây" chẳng "chết người" mà lại "ấn tượng". Cơ quan quản lý chưa xử lý nghiêm nên "nhờn luật" dẫn đến một bộ phận các chủ cửa hàng kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn lạm dụng "tiếng Tây" trong truyền đạt thông tin tại Việt Nam. Điều đó là biểu hiện của sự tự ti trong hội nhập quốc tế của người Việt". |
Hoàng Mai