Với việc làm “vác tù và” 4 năm qua của lão, đã giúp cho phòng Cảnh sát môi trường, công an tỉnh Thừa Thiên - Huế có thêm bằng chứng việc các nhà máy thải chất độc hại gây ô nhiễm ra môi trường.
Từ những cuộc “điều tra âm thầm”
Nhân vật chính đang được nhắc đến là lão nông dân chân đất Nguyễn Ấm (SN 1956), trú trại thôn 7, xã Thuỷ Phù, thị xã Hương Thuỷ (Thừa Thiên- Huế). Tiếp chúng tôi trong căn nhà lụp xụp cấp 4 nằm lọt thỏm phía sau của xóm, bác Ấm tâm sự: “Tôi làm việc này không chỉ cho gia đình tôi, mà còn để giúp cho bà con trong xã đỡ phải tiếp tục chịu đựng mùi hối thối của chất thải bốc ra từ KCN”. Miệng nói nhưng tay bác cứ vẫn loay hoay cặm cụi ghi chép lại những chai nước 500ml có màu xanh với rong rêu lợn cợn và màu vàng đục, bác vừa mới lấy từ cống nước xả “trộm” ra sau trận mưa mấy hôm trước...
Lão nông dân Nguyễn Ấm với mẫu nước 500ml đựng trong chai mới lấy về.
Với tố chất là anh lính Bộ đội cụ Hồ, bác Nguyễn Ấm hơn 4 năm nay đã âm thầm “điều tra” lấy mẫu nước được thải ra từ các “miệng” cống của KCN Phú Bài. Công việc này bắt đầu từ một lần rất tình cờ, cách đây 4 năm về trước, trong lúc đi chăn trâu, bác bất ngờ phát hiện có mùi hôi thối nồng nặc từ ống cống khe Trén Ông Tự. Bấy lâu nay thả trâu gặm cỏ ở đây, chưa một lần ngửi thấy cái mùi hắc hắc khó chịu này, việc đó càng khiến bác tò mò hơn. Khi tiến tới gần miệng cống, bác Ấm mới tá hoả phát hiện dòng nước đỏ ngầu và xanh sẫm đang chảy xối xả ra sông Phú Bài.
Cũng kể từ hôm bác phát hiện ra mùi hôi của nước thải KCN xả ra, cũng là lúc trong thôn và nhiều vùng xung quanh đã bắt đầu có hiện tượng cá chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Sông Phú Bài vốn trong xanh, hiền hòa là vậy, nay bỗng đổi màu đùng đục, mùi hôi thối bốc lên khủng khiếp. Chứng kiến những lồng cá của dân chết hàng loạt gây thất thoát tiền của bà con, lão nông dân này tự phát ý nguyện phải làm cái gì đó để giúp cho người dân quê mình, mà trước hết bảo vệ cho gia đình, bảo vệ môi trường trong thôn xóm. Ý tưởng này đã được bà con nhân dân đồng tình ủng hộ.
Theo tìm hiểu của PV báo Người đưa tin, sau 4 năm xây dựng và đưa vào hoạt động (từ năm 2010), KCN Phú Bài đã giải quyết tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Nhưng cũng kể từ đó đến nay, dòng sông Phú Bài bị nước thải “tấn công”, đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân xã Thuỷ Phù cũng phải chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ sự thay đổi này. Từ các miệng cống xả ra ào ạt những loại nước bẩn thỉu có lẫn mùi hôi thối, làm cuộc sống của người dân dọc sông Phú Bài bị đảo lộn nghiêm trọng. Một số hiện tượng lạ bắt đầu xuất hiện ở đây như cá chết hàng hoạt, trâu bò xuất hiện đẻ non và không sinh được con nào...
Đến những nguồn “tin mật” báo công an
Bác Nguyễn Ấm cho biết thêm, từ lúc chứng kiến nguồn nước thải KCN xả “trộm” ra sông Phú Bài bác cứ bị ám ảnh mãi. Sau đó lại tiếp tục chứng kiến những hiện tượng bất thường trong thôn xóm, bác Ấm quyết định chờ hôm nào trời mưa sẽ âm thầm đến các cống nước của nhà máy đổ ra và các con hói để lấy mẫu nước làm bằng chứng. Đồng thời, bác mang đi nhờ cơ quan chức năng kiểm tra để có phương án xử lý. “Không biết gì về các phòng thí nghiệm, nghiên cứu... Nên sau khi lấy mẫu nước về, tôi liền thử bắt vài con cá cảnh thả vào chai nước 500ml thì bất ngờ cá chết sau 2 tiếng đồng hồ bơi lội trong chai”, bác Ấm kể lại. Theo đó, sau nhiều lần bác phối hợp với chính quyền địa phương cùng tận mắt phát hiện nhà máy KCN Phú Bài xả thải ra môi trường, thì phía nhà máy luôn khăng khăng từ chối hành vi xả “trộm” của mình. Quá ấm ức, lão nông này quyết làm “ra ngô ra khoai” bằng cách nhiều lần theo dõi để bắt được quả tang làm bằng chứng, chứ nói suông thì họ sẽ chối đây đẩy, lại làm khổ dân.
“Vải thưa không che mắt được mắt thánh” khi vào tầm trung tuần tháng 12/2012, lão nông dân Nguyễn Ấm đã phát hiện nhà máy đang lợi dụng lúc trời mưa to để xả chất thải ra ngoài từ các miệng cống. Lão lập tức điện báo với cơ quan chức năng Cảnh sát môi trường công an tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhận được “tin mật” của lão, lực lượng chức năng đã có mặt ngay sau đó để lấy mẫu nước về xét nghiệm và khẳng định, nhà máy đã xả trộm nước thải ra ngoài gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Thế nhưng, phía nhà máy một lần nữa lại biện hộ rằng, do mấy hôm đó đường ống đang gặp sự cố và không hề hay biết gì việc nước thải có chảy ra ngoài...(!?). Mỗi lần lấy mẫu, ông không quên ghi chép lại cẩn thận để làm bằng chứng. Việc làm của ông còn giúp cho cơ quan chức năng có thêm tài liệu để điều tra làm rõ những vụ xả thải không đúng quy định, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.
Chúng tôi mang câu chuyện về việc làm “có một không hai” của ông Nguyễn Ấm trao đổi với ông Nguyễn Ánh, trưởng thôn 7, xã Thuỷ Phù thì được ông này tâm sự: “Mấy năm về trước, dòng sông Phú Bài này luôn xanh, trong vắt như nước sông Hương và người dân nuôi đủ các loại cá lồng trên sông. Ấy vậy mà đã hơn 3 năm nay không một hộ dân nào còn dám nuôi cá lồng nữa. Bên cạnh đó, trâu, bò nếu không cẩn thận uống phải nước dòng sông này đều bị đẻ non rồi chết hết...”.
Một miệng cống trên đường 9 thuộc KCN đang xả thải với dòng nước đen ngòm và hôi thối.
Hiệp sỹ của 500 hộ dân
Cũng theo ông Ánh cho biết thêm, bản thân ông và lãnh đạo chính quyền địa phương cũng rất bức xúc, vì 500 hộ dân hằng ngày phải chịu ảnh hưởng từ việc xả trộm chất thải của nhà máy KCN Phú Bài. Đặc biệt, 60 hộ dân ở thôn 2 và 150 hộ dân của thôn 7 bấy lâu nay không thể sản xuất và phát triển kinh tế được. Bởi vì do ao hồ, sông suối đều bị nhiễm chất độc từ nước thải bẩn này xả ra. “Việc làm của anh Ấm cần phải kính nể và tôn trọng. Nhiều lần anh ấy đã đội mưa đội nón âm thầm dũng cảm đến để bắt quả tang nhà máy KCN Phú Bài “chuyên xả trộm” ra ngoài. Từ đó, yêu cầu họ phải có trách nhiệm trước mọi người dân chúng tôi”, ông Ánh nói.
Trao đổi với PV, bà Ngô Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thuỷ Phù (TX. Hương Thuỷ) cho biết, nhiều năm qua, lãnh đạo chính quyền địa phương nhận rất nhiều ý kiến phản ánh của người dân về dòng nước sông Phú Bài bất ngờ bốc mùi hôi thối, rồi việc hàng trăm lồng cá nuôi trên sông đều bị chết do nhiễm chất thải từ nhà máy KCN Phú Bài xả trộm ra. Cá chết nổi trắng sông, thất thoát bao nhiêu tiền của, vậy mà người dân không biết phải kêu ai.
Theo nhiều người dân trong thôn xóm phản ánh, cứ đến trời mưa, dòng nước này lại bốc mùi hôi thôi. Thế là, cứ đến trời mưa, người ta lại thấy một lão nông đội nón xách theo lủng củng chai nhựa tiến thẳng về các cống rãnh đang xả thải ra sông Phú Bài. Với việc làm âm thầm, lặng lẽ của cựu chiến binh Nguyễn Ấm đã giúp cho cơ quan chức năng liên tục phát hiện hàng chục vụ nhà máy ở KCN Phú Bài xả trộm chất thải ra ngoài. Việc xả thải không đúng nơi quy định trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân trong xã. Đặc biệt là thôn 2, thôn 7 và hàng nghìn hộ dân các thôn đang sống dọc ven sông. Việc làm có ý nghĩa trên đã nhận được sự ủng hộ của hàng trăm người dân, lãnh đạo xã, huyện.
Giữ mãi hình ảnh “anh Bộ đội Cụ Hồ” Bà Ngô Thị Thương (SN 1956), vợ của lão nông dân Nguyễn Ấm trải lòng cho hay: “Nhìn thấy nhiều hộ dân trong xã có trâu bò đẻ non rồi chết do uống phải nước sông Phú Bài, hàng trăm lồng cá của bà con nuôi trên sông đều bị chết hết... bản thân tôi cũng bức xúc lắm. Thấy việc ông nhà làm có lợi cho bà con nên tôi và các con luôn ủng hộ ông ấy làm tròn bổn phận một cựu chiến binh, anh Bộ đội Cụ Hồ, sẵn sàng bảo vệ môi trường”. |
Hoàng Ngọc - Loan Nguyễn