Nhiệm vụ của những “xế” này là làm xe ôm kiêm hướng dẫn viên du lịch cho những du khách ấy.
Một part-time thú vị
Quen một anh bạn làm ngành du lịch, Trịnh Mai Cường (K54, Hóa dầu, ĐH Mỏ – Địa chất) được giới thiệu làm công việc chở du khách tham quan Hà Nội. Theo đó, khi có những đoàn khách nước ngoài tới Việt Nam và có nhu cầu đi lại bằng xe máy thì anh này sẽ điện thoại cho Cường để xếp xe. Sẵn sở thích phượt và lượn phố xá nên Cường nhanh chóng chấp nhận lời đề nghị hấp dẫn này.
Đúng lịch hẹn (thường là 7h tối), các chàng xế sinh viên như Cường sẽ có mặt ở trước cửa khách sạn để đợi khách. Mỗi chuyến đi như vậy kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ và các xe ôm chỉ phải chở chiều đi, du khách tự chủ động phương tiện chiều về. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các “tài xế” sẽ nhận luôn 100.000 đồng cho “nhiệm vụ đặc biệt” ấy.
Theo Nguyễn Tiến Đạt (năm thứ ba, khoa Cơ khí, ĐH Giao thông – Vận tải), tùy từng đoàn khách du lịch mà lượng xe cần điều động có thể khác nhau. Có lần, dễ có tới hơn 30 chiếc xe máy đứng nối đuôi nhau trước cổng khách sạn, song cũng có lần chỉ khoảng 5 – 10 xe. Khi di chuyển, thông thường sẽ có một người làm nhiệm vụ dẫn đoàn để các xe không bị lạc nhau.
Tuy nhiên, đường phố Hà Nội đông đúc, đèn xanh đèn đỏ nhiều nên chuyện lạc đoàn, người nọ đi trước người kia rất hay xảy ra. Ví dụ, đoàn có 30 xe thì khả năng thường thấy là sẽ tách thành 4 – 5 tốp nhỏ. “Lần đầu tiên chở một khách Hàn Quốc đến hiểm hẹn trên phố Tông Đản, mình đã bị rớt vào tốp đến cuối cùng”, Đạt kể về lần “chạm ngõ” công việc.
Về cung đường mà các “xế” và du khách sẽ đi, Cường chia sẻ: “Trước khi đi, lộ trình đã được vạch sẵn, các xe ôm phải nắm vững lộ trình này. Vì trong lộ trình có ghi những tuyến phố bắt buộc (nổi tiếng về lịch sử hoặc ẩm thực) mà “tài xế” phải đưa du khách đi qua.
Dù các xe có bị lạc nhau, dù cho đi nhầm đường phải chạy ngược lại rất vòng vèo thì chúng mình vẫn phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, tức là đưa du khách tham quan được những tuyến phố bắt buộc có ghi trong lộ trình và tập trung ở đúng điểm hẹn”.
Quy tắc hành nghề
Đạt bảo: “Có những quy tắc chung mà các thành viên xe ôm phải thuộc “nằm lòng”. Đó là các xe phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông, nối đuôi nhau khi di chuyển, không được phép dàn hàng đôi, hàng ba khi đi đường”. Cũng vì lý do an toàn nên các bạn chỉ tham gia giao thông với tốc độ chừng 15 – 20 km/h.
Thông thường, mỗi khi có khách, Cường sẽ được anh bạn thông báo sớm vài ba ngày. Đây là khoảng thời gian để Cường nắm rõ lộ trình, tìm hiểu xem các tuyến phố đi qua có gì đặc biệt để giới thiệu cho du khách.
Trong hành trình chở khách, Cường nhớ nhất là vị hành khách nữ, chừng 60 tuổi, lần đầu đến Việt Nam du lịch. Vị khách này cũng chỉ nói bập bõm tiếng Anh nên câu chuyện giữa hai người được hiểu qua một ít từ, kèm ngôn ngữ cử chỉ. Thú vị ở chỗ, chính điều đó khiến cả hai nói chuyện vô cùng “hợp ý”, dù khoảng cách lứa tuổi rất lớn, song ai cũng thân thiện, cởi mở.
Bài học về tính kỷ luật
Công việc này, ngoài việc đem lại thu nhập, nó còn giúp Cường hiểu thêm về lịch sử Hà Nội nói riêng và lịch sử đất nước nói chung. Qua tìm hiểu, Cường phát hiện ra, có những tuyến phố nhỏ nhưng ý nghĩa lịch sử – văn hóa của nó thì không hề nhỏ, điều mà trước đó, Cường không mấy quan tâm và không hề biết đến. Các món ẩm thực nổi tiếng, gắn với từng con phố cũng dần dần được Cường nắm rõ “trong lòng bàn tay”.
Khả năng ngoại ngữ của Cường có những chuyển biến ngày một tích cực. Đặc biệt, chính du khách đã cho những “tài xế” sinh viên như Cường và Đạt nhiều bài học đáng quý về tính kỷ luật và uy tín. Khách nước ngoài rất đúng hẹn nên khi làm công việc này, cả hai phải bỏ thói quen giờ “cao su”.
Ngoài ra, họ cũng rất kiên trì và sòng phẳng. Dù có xe đến điểm hẹn sớm hay muộn thì họ vẫn luôn đứng chờ cho đủ người. Hay có lần, đoàn khách đặt 30 xe nhưng cuối cùng, họ chỉ cần 10 xe, 20 xe còn lại, họ vẫn thanh toán 50% số tiền… Điều đó khiến đội “tài xế” sinh viên cảm thấy thoải mái và luôn sẵn sàng tinh thần để chuẩn bị cho những chuyến đi sau.
Theo Hồng Giang (SVVN)