Bắt thiếu niên 14 tuổi đâm người khác tử vong tại quán bi-da

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 5, 26/10/2023 10:50

Trong lúc xô xát ở quán bi-da, thiếu niên đã dùng dao tấn công khiến một thanh niên tử vong.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đang tạm giữ hình sự Hồ Hữu Tiến (SN 2009, ngụ xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) để điều tra về hành vi giết người. 

Theo thông tin ban đầu, khoảng 12h10 ngày 25/10, L.H.T. (SN 2004, ngụ khóm Đông An 1, phường Đông Xuyên, Tp.Long Xuyên, tỉnh An Giang), điều khiển xe mô tô chở Trần Nhật Trung (SN 2006, ngụ khóm 6, phường Mỹ Long, Tp.Long Xuyên, tỉnh An Giang) đến quán cà phê bi-da D2 (thuộc tổ 12, khóm Đông Thành, phường Đông Xuyên, Tp.Long Xuyên).

Tại đây, T. gặp nhóm Tiến và hỏi vì sao đe dọa đánh em của T. thì giữa hai bên xảy ra tranh cãi.

An ninh - Hình sự - Bắt thiếu niên 14 tuổi đâm người khác tử vong tại quán bi-da

Hiện trường vụ án. 

Trong lúc xô xát, Tiến lấy con dao nhọn cất giấu trong người ra đâm vào người T., khiến nạn nhân ngã xuống nền gạch.

Không dừng lại, nhóm của Tiến tiếp tục xông vào dùng tay, mũ bảo hiểm đánh T., thì được mọi người can ngăn.

Sau đó, T. được Trung chở đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang cấp cứu, còn nhóm của Tiến lên xe bỏ đi. Đến khoảng 15h cùng ngày, T. tử vong tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang.

Chiều cùng ngày, Tiến đến Công an phường Đông Xuyên đầu thú và khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.

Thời gian gần đây, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, để lại nhiều hậu quả đau lòng cho gia đình và xã hội. 

Số liệu thống kê của Bộ Công an cho thấy, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật. Nguy hiểm hơn, những hành vi vi phạm pháp luật này còn được các đối tượng đăng tải trên các trang mạng xã hội, được coi là những "chiến tích" để khoe khoang, thách thức pháp luật. Ngoài ra, các đối tượng còn thông qua mạng xã hội thành lập các hội, nhóm để lôi kéo nhau tham gia thực hiện các hành vi phạm pháp. Đáng buồn, độ tuổi vi phạm pháp luật của các đối tượng này ngày càng trẻ, thậm chí nhiều em vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Rõ ràng, đây là thách thức lớn trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục từ phía gia đình, nhà trường cũng như với các cơ quan chức năng.

Chia sẻ với Đại biểu nhân dân, Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Minh Trang - Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên cho rằng: Dưới góc độ tâm sinh lý, các em đang trong độ tuổi dậy thì và cảm thấy mình đã lớn vì vậy muốn có những hành vi, việc làm để chứng minh vấn đề đó, nhất là khi các em đang sống trong môi trường giữa thế giới ảo và thế giới thật. Nhiều khi chính bản thân các em bị chi phối bởi thế giới ảo nhiều hơn, đặc biệt là các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok… game bạo lực dẫn đến có những hành vi mà không lường trước hậu quả.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Đào Văn Tài (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) nhìn nhận: “Thời gian qua, có nhiều vụ án do các đối tượng chưa thành niên gây ra với hành vi rất manh động, nguy hiểm và để lại nhiều hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Đáng nói, có nhiều trường hợp thanh thiếu niên không nhận thức được việc làm của mình là vi phạm và có thể bị pháp luật xử lý”.

 Han (t/h từ Pháp luật Tp.HCM, Công lý) 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.