Liên quan đến những thông tin bất thường của con đường đi sâu vào rừng nguyên sinh, khu vực biên giới thuộc xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, trao đổi nhanh với PV, Đại tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh này cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của báo, Bộ chỉ huy đã yêu cầu Đồn Biên phòng xã Nhâm kiểm tra, báo cáo ngay.
Đồng thời, Đại tá Nguyễn Văn Hiền khẳng định, sẽ xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay.
Từ Đồn Biên phòng xã Nhâm, Thiếu tá Hồ Văn Việt, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên của đơn vị này thông tin, trước mắt đơn vị đã cho đóng cọc, rào lưới chặn ngay lối vào con đường mà báo Người Đưa Tin phản ánh.
Đồng thời, đã tiến hành lập biên bản đối với ông Lê Văn Nghinh (SN 1980), trú ở xã Hồng Bắc, huyện A Lưới về hành vi lợi dụng việc sửa đường thu mua sắn để mở, san ủi rừng trái phép nhằm mục đích chở lâm sản mây. Hành vi này đã xâm phạm vào diện tích rừng và đất rừng do Đồn Biên phòng Nhâm và UBND xã Nhâm quản lý.
“Hiện phía biên phòng đang họp để xử lý cá nhân trong công tác quản lý rừng tại khu vực này”, Thiếu tá Việt nói thêm.
Như Người Đưa Tin đã đưa, theo phản ánh của người dân, tại khu vực rừng nguyên sinh giáp biên giới Việt - Lào thuộc địa bàn xã Nhâm, huyện A Lưới, thời gian gần đây có nhiều người lạ thường xuyên xuất hiện ở đây. Đi cùng những người này là nhiều xe cơ giới được đưa vào san ủi, làm hàng trăm mét đường vào sâu trong khu vực rừng nguyên sinh, thượng nguồn sông A Sáp.
Qua quan sát, con đường này rộng 4-5m, tiến sâu vào rừng khu vực biên giới thuộc Tiểu khu 296 địa bàn xã Nhâm.
Những dấu vết xẻ núi, san ủi vẫn còn rất mới. Hai bên vệ đường, nhiều cây rừng bị đốn hạ để phóng tuyến vẫn còn nằm rải rác.
CLIP: Lán trại xuất hiện trong khu rừng nguyên sinh nơi con đường đi vào.
Đặc biệt, trên con đường này, có nhánh rẽ đã thi công được khoảng 20 -30m xuyên thẳng vạt rừng già với nhiều cây gỗ lớn cao hàng chục mét.
Đi sâu vào bên trong, PV phát hiện nhiều lán trại của các đối tượng được dựng lên phục vụ cho khoảng hàng chục người. Tại đây, nhiều dụng cụ nấu ăn, ngủ nghỉ như bạt, chăn, gối vẫn còn. Đặc biệt, dấu vết thức ăn để lại cho thấy đoàn người này vừa rời đi không lâu.
Lê Kông