Thống kê từ bộ GD&ĐT cho thấy, môn Ngữ văn có 901.806 thí sinh dự thi. Điểm trung bình là 5,54. Điểm trung vị 5,50. Môn Ngữ văn không có thí sinh đạt điểm 10. Có 7 thí sinh đạt 9,75. Có 291.227 bài thi dưới 5 và 783 bài thi bị điểm liệt. Điểm trung vị là 5,5. Điểm có số thí sinh đạt nhiều nhất: 6,00.
So với phổ điểm của các môn thi THPT Quốc gia năm 2017, có thể thấy môn Ngữ văn có dáng hình phổ điểm mất cân đối, điều đó được thể hiện cụ thể như sau:
+ Hình dáng phổ điểm không được thể hiện theo chuẩn (quả chuông) và có xu hướng hơi lệch phải với đỉnh của phổ ở mức 6.
+ Phổ điểm xuất hiện quá nhiều hiệu ứng răng cưa, mức độ biến động liên tục nhưng không theo quy luật thông thường là thoải dần về hai phía từ đỉnh phổ và điều đó gây ra sự bất bình thường. Ví dụ: Theo nguyên tắc chung, số thí sinh ở mức 7 điểm phải ít hơn số thí sinh ở mức 6,75 nhưng ở đây kết quả lại ngược lại. Dáng hình đồ thị liên tục lên, xuống theo từng dải điểm khiến cho phổ không có sự tương xứng và không đạt chuẩn. Điều này cho thấy mức độ phân hóa thí sinh của đề thi chưa cao có thể gây khó khăn cho công tác tuyển sinh.
+ Nếu so sánh với biểu đồ phổ điểm của năm 2017, có thể thấy biểu đồ phổ năm 2018 có dáng hình tương tự mặc dù đề thi năm 2018 được đánh giá là có sự điều chỉnh trong cách ra đề thi cũng như hướng dẫn chấm, đặc biệt là đề thi được đánh giá là khó hơn, dài hơn nhưng kết quả chung dường như vẫn không có sự chuyển biến rõ ràng.
Về nguyên nhân của vấn đề này, hệ thống Hocmai cho rằng, có 3 vấn đề đáng nghi ngờ từ phổ điểm năm nay.
Trước hết, môn Ngữ văn là môn duy nhất áp dụng thi theo hình thức tự luận, tức là kết quả chấm thi cũng phụ thuộc khá nhiều vào chủ quan người chấm (không thể khách quan như thi theo hình thức trắc nghiệm). Đặc biệt, năm nay barem chấm của bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tương đối mở theo tinh thần đề mở, đáp án cũng phải mở nên kết quả thi của các thí sinh bị yếu tố chủ quan của người chấm chi phối. Điều đó ít nhiều làm cho kết quả thi ít có tính đồng bộ theo diện rộng.
"Tiếp theo là barem chấm do Bộ công bố được đánh giá là “sơ sài”, “đơn giản” phần nào gây ra khó khăn trong công tác chấm thi. Nếu để ý luồng dư luận sau khi kết thúc bài thi môn Ngữ văn, có rất nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều (tích cực có, tiêu cực, hạn chế cũng có) về một số vấn đề liên quan đến ngữ liệu, cách thức xây dựng câu hỏi của đề thi để thấy được rằng, việc nội dung đề thi không tạo ra được một luồng ý kiến tương đối đồng đều trong nhận thức của dư luận cũng khiến cho công tác chấm thi rơi vào tình trạng “mỗi người một phách”, sự không đồng đều giữa các địa phương về độ "chặt", "lỏng" khi cho điểm. Đó là chưa kể đến việc các GV chấm thi ở địa phương đã được làm quen và tập huấn về cách thức chấm thi theo lối mở hay chưa?", các chuyên gia đặt nghi vấn về đề thi năm nay.
Cuối cùng, hệ thống Hocmai cho rằng: "Việc dạy và học môn Ngữ văn ở các trường phổ thông vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Học sinh chưa thoát khỏi lối học truyền thống, giáo viên thiếu sự đổi mới về phương pháp dạy và học. Đây là gốc rễ của vấn đề để các nhà quản lý giáo dục một lần nữa phải nhìn nhận lại và có những điều chỉnh cho phù hợp".
Như vậy căn cứ vào mục đích, yêu cầu của kỳ thi có thể nói, đề thi môn Ngữ văn chưa thực sự làm trọn vẹn mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia, đặc biệt là mục tiêu cung cấp dữ liệu để làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Xem thêm: Giáo sư Sử học: “Đề thi có câu 3 phút tôi không tìm ra câu trả lời”