'Bắt vợ' ở Nghệ An, có dấu hiệu vi phạm pháp luật

'Bắt vợ' ở Nghệ An, có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Chủ nhật, 05/02/2017 21:05

"Bắt vợ" là một trong những phong tục văn hóa độc đáo của một số đồng bào dân tộc vùng cao. Tuy nhiên, tục lệ này có nhiều biến tướng dẫn đến vi phạm pháp luật...

Ngày 4/2, trên mạng xã hội xuất hiện một video dài gần 3 phút, quay lại cảnh nhóm thanh niên bắt vợ mặc dù cô gái không đồng ý và xin kêu cứu. Theo đó, trong clip là một cô gái chuẩn bị đón xe khách vào miền nam làm việc thì bị một nhóm thanh niên khoảng 4-5 người dùng xe máy, ép cô gái lên xe để về làm vợ.

Thông tin ban đầu từ Công an huyện Quỳ Hợp, Nghệ An cho biết, sự việc xảy ra vào chiều thứ 5, ngày 2/2 tại ngã ba xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Các nam thanh niên và cô gái trong clip là người ở xã Liên Hợp, Quỳ Hợp.

Góc nhìn luật gia - 'Bắt vợ' ở Nghệ An, có dấu hiệu vi phạm pháp luật

 Cô gái ở Ngệ An bị bắt lên xe (ảnh cắt từ clip).

Cô gái gào khóc thảm thiết, giãy giụa khiến chiếc xe loạng choạng và bị ngã xuống đất. Sau khi cố gắng bỏ chạy, cô gái tiếp tục bị nhóm thanh niên kia đẩy lên xe máy. Sự việc chỉ dừng lại khi một số người vào can ngăn. Thoát được nhóm thanh niên, cô gái liền bỏ chạy theo hướng ngược lại.

Sau khi clip đăng tải trên facebook, có ý kiến cho rằng đây là phong tục bắt vợ của đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, sự việc vấp phải ý kiến trái chiều cho rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Trao đổi với PV, Luật sư Cao Văn Tỉnh, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Phong tục bắt vợ là nét truyền thống văn hóa đẹp của một đồng bào dân tộc vùng cao. Tuy nhiên, có nhiều sự việc biến tướng ép buộc người khác về làm vợ mà không được sự đồng ý của đối phương có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Góc nhìn luật gia - 'Bắt vợ' ở Nghệ An, có dấu hiệu vi phạm pháp luật (Hình 2).

 Nhiều cô gái bị bắt về làm vợ khi không được sự đồng ý (hình minh họa).

Trong Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 quy định hôn nhân phải do sự tự nguyện của 2 người, không được ép buộc. Hành vi “bắt vợ” trong clip diễn ra bừa bãi, có thể xâm hại đến quyền tự do thân thể, quyền tự do hôn nhân của công dân, do đó cần được ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm khắc”.

Bất kỳ người nào xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân thông qua hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội, đều phải bị xử lý bằng chế tài hành chính hay chế tài hình sự.

Dưới góc độ pháp luật hình sự thì việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định cụ thể tại Điều 123 Bộ Luật Hình sự. Theo đó, bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật là hành vi ngăn cản tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với quy định của pháp luật về căn cứ thẩm quyền và thủ tục.

Ngoài ra, Luật sư Tỉnh cũng lưu ý: "Dựa vào tục lệ này, nhiều nam nữ tuổi còn nhỏ, chưa đến tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật cũng đi bắt vợ dẫn đến hiện tượng tảo hôn tràn lan. Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc kịp thời để có hướng xử lý phù hợp, tránh các biến tướng bừa bãi, làm xấu đi nét đẹp của một phong tục tập quán đã có từ lâu đời của đồng bào dân tộc vùng cao".

Dương Nhung

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.