Chiến thắng cuộc bầu cử Nghị viện Catalonia hôm 22/12 của phe ly khai một lần nữa là “gáo nước lạnh” dội vào nỗ lực thống nhất đất nước của Chính phủ Tây Ban Nha. Chủ nghĩa dân tộc tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ châu Âu đang bùng phát trở lại và trở thành mối họa tiềm ẩn của các nước trên lục địa già.
Hồi tháng 10, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã kích hoạt Điều 155 Hiến pháp cho phép ông sa thải toàn bộ bộ máy chính quyền Catalonia và đưa vùng này về dưới sự quản lý trực tiếp của Madrid. Chính phủ Tây Ban Nha kêu gọi tổ chức bầu cử Nghị viện vùng Catalonia như một giải pháp kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở nước này và giành lại tầm ảnh hưởng từ phe ly khai.
Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử đã không chiều lòng ông Rajoy khi 3 đảng ly khai đã giành được 70 ghế trong khi chỉ cần 68/135 ghế để giành quyền kiểm soát Nghị viện vùng. Với tỷ lệ cử tri đi bầu cao kỷ lục, kết quả bầu cử thể hiện sự ủng hộ đối với các cựu lãnh đạo bị phế truất của Catalonia, bất chấp việc họ đang bị giam, hoặc phải lưu vong ở nước ngoài. Phe ly khai sẽ nắm quyền lãnh đạo nếu thành lập được liên minh giữa ba đảng sau cuộc bầu cử.
Kết quả này đã khiến cho toàn bộ nỗ lực trong hai tháng qua của chính quyền Madrid đổ sông đổ bể. Trong khi đó, Cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont - người bị sa thải vì cáo buộc kích động độc lập sẽ có cơ sở tiếp tục truyền cảm hứng cho phong trào ở quê nhà trong thời gian trốn tránh lệnh truy nã và phải sống ở Bỉ.
Viết trên trang nhất tờ Die Welt của Đức, cây bút Annette Prosinger gọi cuộc bầu cử hôm 22/12 không khác gì một cuộc trưng cầu về phong trào độc lập. Kết quả gây sửng sốt này đã cho thấy, người dân xứ Catalonia vẫn quyết tâm lựa chọn ly khai và thể hiện sự ngoan cường khi bất chấp mọi khó khăn như sự sụt giảm lợi nhuận về du lịch, đầu tư, giao thông và bị cả châu Âu phản đối.
Lựa chọn của những người ủng hộ phong trào độc lập trên thực tế cho thấy rằng, dù nhà lãnh đạo Carlos Puigedemont và nhóm của ông có tiếp tục hay không, Catalonia vẫn sẽ tiếp tục là một khu vực khủng hoảng.
“Kết quả này không giải quyết xung đột, mà thay vào đó nó càng củng cố lập trường của cả hai bên”, bà Elisenda Malaret Garcia, Giáo sư luật tại đại học Barcelona, nhận định. "Chúng tôi hiện tại đang sống trong một xã hội phân cực hơn chỉ là bất hòa đơn thuần", Oriol Bartomeus, Giáo sư chính trị từ đại học Autonomous ở Barcelona nói: "Giải pháp cho khủng hoảng hiện tại là khó khả thi hơn rất nhiều so với một năm trước đây".
Sau chiến thắng đầy hy vọng, phe ly khai hiện tại đang thảo luận về việc lựa chọn nhà lãnh đạo mới để tiếp tục cuộc đối đầu với Chính phủ Madrid. Có những ý kiến cho rằng, cựu Thủ hiến Carlos Puigedemont sẽ một lần nữa trở lại dẫn dắt phong trào, tuy nhiên ông đang sống lưu vong ở Bỉ và là đối tượng bị Tây Ban Nha truy nã với cáo buộc nổi loạn, xúi giục nổi loạn và lạm dụng công quỹ.
Rafael Arenas, Giáo sư luật tại Đại học Autonomous nhận định ông Puigdemont có hai lựa chọn: Hoặc trở về rồi bị giam giữ ngay lập tức, hoặc giao vị trí cho một nhân vật khác và điều khiển phong trào từ xa.
Lường trước những nguy cơ có thể bị bắt giữ, ông Puigedemont cho biết sau kết quả bầu cử rằng sẽ sẵn lòng gặp Thủ tướng Rajoy ở Brussels hay tại một quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu, nhưng không phải là Tây Ban Nha. Cựu thủ hiến Catalonia đồng thời chia sẻ ông sẵn sàng quay trở về nước nếu được đảm bảo rằng ông có thể giữ cương vị người đứng đầu của một chính quyền Catalonia mới.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Madrid, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết, ông sẽ cố gắng tiến hành đàm phán với chính quyền mới tại Catalonia. Thủ tướng Rajoy cũng một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của Chính phủ Tây Ban Nha phản đối mọi hành động đi ngược Hiến pháp của chính quyền Catalonia trước đây trong việc đơn phương tuyên bố độc lập.
Theo giới phân tích nhận định, cuộc bầu cử Nghị viện vùng được coi là một bước ngoặt lịch sử cho cả Catalonia và Tây Ban Nha. Trên hết, kết quả này cho thấy việc kích hoạt Điều 155 đã gây ra sự mất lòng tin chung của Chính phủ Tây Ban Nha đối với người dân xứ Catalan. Một mặt, các cử tri ủng hộ độc lập đã bày tỏ lo ngại phía Madrid sẽ gian dối trong kết quả bầu cử.
Điều đáng nói ngay cả nhiều cử tri chống ly khai cũng không thoải mái với sự can thiệp trực tiếp của Chính phủ Tây Ban Nha. Uy tín sụt giảm của chính quyền Thủ tướng Rajoy dẫn đến việc dù ủng hộ hay không ủng hộ độc lập, người dân Catalonia vẫn muốn quyền tự quyết ở tay mình.
Hiện vẫn chưa thể biết hồi kết cho khủng hoảng Catalonia sẽ về đâu nhưng rõ ràng nó đã tạo cơn đau đầu cho không chỉ Tây Ban Nha mà là cả châu Âu...