Cây gậy hay củ cà rốt?
Trong 4 năm qua, Tổng thống Donald Trump - một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thương mại - đã phá vỡ chính sách kéo dài hàng thập kỷ của nước Mỹ trong việc thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh nguy hiểm và cáo buộc nước này có những động thái “mờ ám”, chính quyền của ông Trump đã áp thuế đối với 2/3 hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Động thái này được cho là nhằm hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, đồng thời gây áp lực buộc các đồng minh phải tẩy chay lĩnh vực công nghệ của gã khổng lồ phương Đông.
Nếu tái đắc cử, ông Trump được đánh giá là sẽ tiếp tục cách tiếp cận không khoan nhượng với Trung Quốc như trong nhiệm kỳ vừa qua, nhưng đã có câu hỏi về việc nếu Joe Biden là người chiến thắng, ông sẽ giải quyết những tranh cãi với Trung Quốc ra sao? Trong một phát biểu gần đây, cố vấn chiến dịch cho ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden nói rằng, họ có chung chia sẻ với chính quyền Trump về việc Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh gây rối”. Điều này cho thấy, ngay cả trong trường hợp có sự thay đổi ở ông chủ Nhà Trắng vào năm sau, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ vẫn ở mức cao.
“Tôi nghĩ rằng có sự công nhận rộng rãi trong đảng Dân chủ về việc ông Trump phần lớn đã đánh giá chính xác hành vi của Trung Quốc”, Kurt Campbell, quan chức phụ trách châu Á trong bộ Ngoại giao dưới thời chính quyền Barack Obama, hiện là cố vấn cấp cao cho chiến dịch của ông Biden, cho biết.
Căng thẳng diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mang đến những thay đổi lớn đối với các doanh nghiệp toàn cầu. Họ phải cân nhắc lại về chuỗi cung ứng và công nghệ trong một thế giới ngày càng phân cực. Điều này cũng sẽ thúc đẩy các quốc gia lựa chọn giữa hai cực Mỹ hoặc Trung Quốc.
Nói về chính sách mới nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, các trợ lý của ông Biden cho biết, họ sẽ mở rộng chiến dịch do Chính phủ Mỹ hậu thuẫn để cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ cao chiến lược như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và tiêu chuẩn không dây 5G. Những chính sách này nhằm hạn chế sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, đồng thời giảm sự phụ thuộc giữa cả hai. Còn về kinh tế, chính sách thuế quan của ông Trump cũng có thể được giữ nguyên dưới thời ông Biden.
Chính sách với Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn cũng là một sự thay đổi đáng chú ý đối với ông Biden và nhóm chính sách đối ngoại của ông. Trước đây, họ hầu hết đều là những người từng phục vụ trong chính quyền Obama và từng bị chỉ trích là quá mềm mỏng với Bắc Kinh và quá chậm chạp trong việc nhận ra định hướng chiến lược của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Biden nói rằng ông sẽ hành động dứt khoát hơn ông Trump, khi sẽ tập hợp các đồng minh trong một chiến dịch toàn cầu phối hợp để gây sức ép với Bắc Kinh. Ông cũng chỉ ra rằng, nỗ lực của Tổng thống Trump sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu ông chủ Nhà Trắng chịu bắt tay với các quốc gia khác, thay vì bước vào cuộc chiến thương mại với châu Âu, Canada, Mexico, Hàn Quốc và Nhật Bản. “Chúng tôi chiếm 25% nền kinh tế thế giới nhưng chúng tôi đã gây hấn với tất cả các đồng minh của mình ngoài kia,” ông Biden phát biểu.
Lý giải nguyên nhân Mỹ “đối kháng” Trung Quốc
Trong hơn bốn thập kỷ, các tổng thống của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ của nước Mỹ đều tìm cách khuyến khích sự hội nhập của Trung Quốc với Mỹ và thế giới. Họ cho rằng điều đó sẽ có lợi cho Mỹ và sẽ dẫn đến sự cởi mở hơn khi Bắc Kinh tuân theo các quy tắc toàn cầu.
Cựu Tổng thống Obama bắt đầu nhiệm kỳ của mình vào năm 2008 để tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh. Nhưng ở gần cuối nhiệm kỳ của ông Obama, Mỹ bắt đầu nhận ra sự trỗi dậy của Trung Quốc đang mang lại những thách thức lớn đối với nước này trên nhiều lĩnh vực kinh tế, công nghệ, địa chính trị.
Cho đến nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, ông đã tăng tốc trong mục tiêu chống lại ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc. Ông cho rằng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) quá chậm chạp và yếu kém, đồng thời phát động cuộc chiến thương mại áp thuế lên 370 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Ông đã ra lệnh cấm đối với các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc bao gồm Huawei Technologies Co. và ByteDance Ltd.'s TikTok.
Chiến dịch gây áp lực đã mở rộng thêm trong đại dịch Covid -19 vừa qua. Mỹ đã đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vì cáo buộc gián điệp kinh tế, tăng cường tập trận quân sự và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Bất chấp sự mâu thuẫn giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa, giữa các trường phái chính trị trong nội bộ nước Mỹ, có một sự đồng thuận chưa từng có ở Washington về việc nước Mỹ không còn coi Trung Quốc là một quốc gia có thể đi theo các giá trị phương Tây mà là một đối thủ.
Richard Haass, một quan chức bộ Ngoại giao trong chính quyền George W. Bush, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cho biết: “Bất kể ai thắng, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ trở nên cứng rắn hơn trong 5 năm tới. Trung Quốc đã thay đổi và suy nghĩ của Mỹ về Trung Quốc cũng đã thay đổi". Các Nghị sĩ Mỹ đã đưa ra hơn 200 dự luật đề cập đến Trung Quốc trong kỳ họp Quốc hội hiện tại, gấp đôi con số trước đó. Trong một cuộc thăm dò của trung tâm Nghiên cứu Pew vào mùa hè vừa qua, 73% người Mỹ cho biết, họ có quan điểm không tích cực về Trung Quốc, chỉ 22% là có quan điểm tích cực. Năm 2011, tỷ lệ này là 51% quan điểm tích cực, 36% quan điểm tiêu cực.
Một nghiên cứu của Moody's Analytics vào cuối năm ngoái ước tính cuộc chiến thương mại Trung Quốc khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 300.000 việc làm và giảm 0,3% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ. Các quan chức Trump nói rằng những tổn hại đó sẽ được lấy lại từ các cam kết mua hàng của Trung Quốc được đưa ra trong một thỏa thuận thương mại sắp tới.
“Người dân Trung Quốc cảm thấy rất thất vọng về những điều đang xảy ra ở Mỹ đối với Trung Quốc và công chúng Trung Quốc đang ngày càng tức giận”, Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen vào tháng trước. Ông nói rằng các nhà lãnh đạo Mỹ "không được cho phép bất kỳ tính toán sai lầm hoặc nhận thức sai lầm nào để gây hại các mối quan hệ".
Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ tiếp tục cách tiếp cận quyết đoán với Trung Quốc, còn trong trường hợp ông Biden giành được chiến thắng bầu cử, chính trị gia này sẽ phải điều phối sự chia rẽ giữa các đảng viên Dân chủ về cách đối đầu với Trung Quốc, đặc biệt là về quân sự. Một bên muốn cắt giảm ngân sách của Lầu Năm Góc và bên kia hy vọng hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho các đồng minh châu Á.
Về thương mại cũng có nguy cơ bùng phát một cuộc chiến khác. Nhiều đảng viên Dân chủ phản đối các hiệp định thương mại tự do mới. Những người khác nói rằng những hiệp ước đó là rất quan trọng để củng cố các liên minh chống lại Trung Quốc.