Các cử tri ở Estonia hôm 5/3 đã đi bỏ phiếu bầu ra quốc hội khóa mới, với kết quả ban đầu theo sau gần như toàn bộ số phiếu được kiểm cho thấy Đảng Cải cách (Reform) trung hữu của Thủ tướng Kaja Kallas, một trong những đảng ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất ở châu Âu.
Trong cuộc bầu cử năm nay, bà Kallas phải đối mặt với một thách thức từ Đảng EKRE theo chủ nghĩa dân túy cực hữu. Đảng này đang tìm cách hạn chế sự ủng hộ của quốc gia vùng Baltic dành cho Ukraine, và đổ lỗi cho chính phủ hiện tại về tỉ lệ lạm phát cao của Estonia.
Trong cuộc tổng tuyển cử hôm 5/3, có 9 đảng chính trị chạy đua giành 101 ghế trong quốc hội Estonia (còn gọi là Riigikogu). Hơn 900.000 công dân Estonia đủ điều kiện bỏ phiếu, và gần một nửa trong số này đã bỏ phiếu trước.
Với 99% số phiếu được kiểm, Đảng Cải cách của bà Kallas đã giành được 31,4% số phiếu; tiếp theo là Đảng EKRE với 16,1% số phiếu; và Đảng Trung tâm (Center), theo truyền thống được ủng hộ bởi công đồng thiểu số người Nga khá lớn ở Estonia, với 15% số phiếu.
“Kết quả này, mặc dù vẫn chưa phải là kết quả cuối cùng, sẽ trao quyền cho chúng tôi thành lập một chính phủ tốt”, bà Kallas nói với các đồng nghiệp trong đảng và những người ủng hộ tại một khách sạn ở thủ đô Tallinn. “Tôi cho rằng với sự ủy nhiệm mạnh mẽ như vậy, sự ủng hộ và viện trợ của Estonia cho Ukraine sẽ không thay đổi”, bà nói.
Kết quả sơ bộ cho thấy 6 đảng đã giành được ít nhất 5% số phiếu bầu cần thiết để có mặt trong quốc hội Estonia khóa mới, bao gồm cả Đảng Eesti 200, một đảng trung dung tự do mới thành lập. Theo thông tin ban đầu, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 63,7%.
Kết quả ban đầu có nghĩa là Đảng Cải cách của bà Kallas nhiều khả năng sẽ giành được quyền thành lập chính phủ tiếp theo của Estonia; và giành được 37 ghế trong cơ quan lập pháp của quốc gia Baltic.
Nhưng Đảng Cải cách sẽ cần các đối tác nhỏ hơn để thành lập một liên minh cầm quyền với đa số thoải mái. Bà Kallas đã loại trừ khả năng liên minh với Đảng EKRE do những khác biệt về ý thức hệ.
Kỳ bầu cử năm nay ở Estonia bị phủ bóng bởi xung đột Nga-Ukraine và các vấn đề kinh tế-xã hội, đặc biệt là tình trạng sinh hoạt phí ngày càng gia tăng.
Bà Kallas, 45 tuổi, trở thành Thủ tướng Estonia vào năm 2021 và đã nổi lên như một trong những người ủng hộ Ukraine thẳng thắn nhất ở châu Âu trong hơn một năm xung đột vừa qua.
Nếu thành công trong việc thành lập liên minh cầm quyền, bà Kallas sẽ tiếp tục điều hành chính phủ Estonia trong nhiệm kỳ thứ hai. Vị thế của nữ chính trị gia này được nâng cao nhờ những lời kêu gọi quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga theo sau chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.
Là một quốc gia vùng Baltic với 1,3 triệu dân giáp với Nga ở phía Đông, Estonia đã tách khỏi Liên Xô vào năm 1991 và đã thực hiện một lộ trình rõ ràng hướng về phương Tây, bao gồm gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Lãnh đạo Đảng EKRE Martin Helme, đối thủ chính của bà Kallas, đổ lỗi cho bà về tỉ lệ lạm phát 18,6% của đất nước, một trong những mức cao nhất trong toàn EU, và cáo buộc bà phá hoại hệ thống phòng thủ của Estonia bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Đáp lại, bà Kallas lập luận rằng việc giúp đỡ Ukraine là vì lợi ích của chính quốc gia Baltic này, và khả năng phòng thủ của Estonia vẫn mạnh mẽ khi Mỹ và các đồng minh NATO khác đã cung cấp các loại vũ khí hàng đầu như hệ thống tên lửa HIMARS cho Ukraine và cả Estonia.
Minh Đức (Theo AP, Reuters)