Nhà báo người Pháp Pierre Haski, người sáng lập tờ báo Rue 89, nhận định giấc mơ tổng thống của ông Francois Fillon đã “kết thúc” và rằng dù cựu Thủ tướng Pháp rất cố gắng nhưng tới thời điểm hiện tại, ông là ứng viên “gặp vô vàn trắc trở”.
“Ông ấy đã cố gắng chiến đấu với những lời cáo buộc trong vụ bê bối nhưng sự tín nhiệm mà người ta dành cho ông này đã không còn”, nhà báo nhận xét.
Cụ thể, ông Fillon đã tuyển vợ làm trợ lý, một việc làm hợp pháp. Tuy nhiên, điều đáng nói là vợ ông không hề làm gì mà vẫn hưởng mức lương cao trong nhiều năm, tổng cộng gần 1 triệu euro.
Ngay sau đó, ông Fillon đã lên truyền hình thanh minh, cho rằng những thông tin này là “bịa đặt” nhằm phá hoại danh dự ông ngay trước thời điểm quan trọng nhất của kỳ bầu cử. Tuy nhiên, các bằng chứng được truyền thông tìm thấy lại chứng minh ngược lại.
Dù ông Fillon khẳng định sẽ vẫn tiếp tục tham gia cuộc đua nhưng tờ The Local nhận định, người "hưởng lợi” nhất nếu ông Fillon rời khỏi cuộc đua chính là bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc Pháp, một trong những đối thủ của cựu Thủ tướng Fillon.
Theo cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của hãng Ifop-Fidicual, bà Marine Le Pen đã thực hiện một “cú lội ngược dòng” ngoạn mục khi đang ở vị trí thứ 3 vươn lên dẫn đầu với 25% người ủng hộ. Theo sau bà Le Pen là ứng viên độc lập Emmanuel Macron với 20,5 % và ông Fillon với 18,5% người ủng hộ.
Theo tờ Express, con đường đến với điện Elysee với bà Marine Le Pen ngày càng rộng mở hơn sau vụ bê bối của đối thủ Francois Fillon.
Cuối tuần qua, nhà lãnh đạo của Mặt trận dân tộc theo chủ nghĩa dân túy đã chính thức khởi động chiến dịch tranh cử và cam kết sẽ “bảo vệ” nước Pháp khỏi toàn cầu hóa. Bà luôn nỗ lực tái cơ cấu đảng thành đảng ái quốc theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, đặt lợi ích của nước Pháp lên hàng đầu.
“Đại diện cho nhân dân” là câu khẩu hiệu trọng tâm của nữ ứng viên trong chiến dịch của mình. Bà tự mô tả bản thân là người duy nhất thấu hiểu và quan tâm những điều mà người dân Pháp đang suy nghĩ.
“Vấn đề không phải là sự chia rẽ giữa cánh tả hay cánh hữu mà là giữa những người yêu nước và những người theo chủ nghĩa toàn cầu”, ứng viên cực hữu Le Pen tuyên bố trước đám đông những người ủng hộ.
Tờ Business Insider nhận định, những phát ngôn của bà Le Pen đã đánh trúng tâm lý của người dân Pháp, vì thế bà có khả năng về nhất trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Một cuộc khảo sát mới được công bố vào giữa tuần này bởi báo Le Firago cho thấy người Pháp hoàn toàn bi quan với toàn cầu hóa.
Cụ thể, cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện với 16.000 người từ 22 quốc gia khác nhau về những mối quan tâm của họ, về đất nước họ đang sinh sống và về toàn cầu hóa. “Người Pháp là những người bi quan nhất với toàn cầu hóa và cảm thấy nghi ngờ giới lãnh đạo của mình”, ông Yves Bardon từ công ty thăm dò ý kiến Ipsos nói.
33% số người Pháp nghĩ việc mở cửa nền kinh tế cho các công ty nước ngoài và thị trường thế giới là một mối đe dọa. 67% số người được hỏi cảm thấy đà phát triển của nước Pháp đang ngày càng tuột dốc.
Tất cả những điều được thể hiện qua cuộc khảo sát trên – nỗi sợ chủ nghĩa toàn cầu, sự lo lắng về tương lai đất nước và thiếu thiện cảm với đội ngũ lãnh đạo của người Pháp – sẽ là nền tảng đưa bà Le Pen đi lên với tư tưởng của mình.
Dẫu vậy, cho tới nay, vẫn có nhiều diễn biến bất ngờ xảy ra xung quanh cuộc bầu cử của nước Pháp nên vẫn chưa thể nói trước được điều gì, chưa chắc ông Fillon đã là người ra đi. Vì thế, sự quay trở lại của ông Fillon vẫn có thể là điều “ám ảnh” ứng viên cực hữu Marine Le Pen.
Xem thêm: Bị vợ bỏ sau 22 năm chung sống vì ủng hộ ông Trump
Danh Tuyên