Nhiều người trên khắp thế giới sẽ theo dõi chặt chẽ xem ai sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng vào tháng 11 tới – ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris hay ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Nhưng việc bà Harris hay ông Trump sẽ nắm giữ bao nhiêu quyền lực trong nhiệm kỳ Tổng thống sẽ được quyết định một phần trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ, cũng được tổ chức vào ngày 5/11. Hầu hết các ghế tại cơ quan lập pháp "xứ cờ hoa" đều được bầu.
Lưỡng viện
Quốc hội Mỹ bao gồm lưỡng viện. Hạ viện Mỹ bao gồm các đại biểu đại diện cho 435 khu vực bầu cử khác nhau của Mỹ với quy mô dân số gần như nhau. Họ được bầu lại sau mỗi 2 năm, bao gồm cả trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
Hiện tại, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đang chia rẽ. Đảng Cộng đã nắm giữ đa số sít sao tại Hạ viện Mỹ kể từ cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, trong khi Đảng Dân chủ nắm quyền Thượng viện.
Các nhà thăm dò dự đoán một cuộc đua sít sao giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trong năm nay.
Tại Thượng viện Mỹ, chỉ có 100 ghế, với 2 ghế cho mỗi tiểu bang. Điều này có nghĩa là một tiểu bang của Mỹ như Wyoming, với dân số dưới 600.000 người có ảnh hưởng lớn trong viện như California với gần 39 triệu công dân.
Toàn bộ 100 ghế Thượng nghị sĩ đều được bầu cho nhiệm kỳ 6 năm. Tuy nhiên, các đại diện được chia thành 3 hạng, nhiệm kỳ 6 năm của họ được sắp xếp xen kẽ, với 1/3 số Thượng nghị sĩ ứng cử sau mỗi 2 năm.
Các chu kỳ bầu cử chồng chéo đã được ghi vào Hiến pháp Mỹ để duy trì sự ổn định nhất định, bà Katja Greeson, Giám đốc Chương trình xuyên Đại Tây Dương tại Viện Aspen Đức, cho biết.
"Ý tưởng đơn giản là các Thượng nghị sĩ có thể theo đuổi các mục tiêu lập pháp của họ trong dài hạn thay vì phải tập trung vào các chiến dịch tranh cử", bà Greeson nói với DW. "Tôi hơi hoài nghi về việc liệu điều này có xảy ra trong thực tế hay không, khi các chiến dịch bầu cử luôn thường trực ở Mỹ".
Cuộc đua sít sao
Năm nay, Đảng Dân chủ đang ở thế bất lợi hơn về mặt chiến lược. Họ phải bảo vệ 19 ghế và nhiệm kỳ của 4 Thượng nghị sĩ độc lập, những người thường bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ, sắp kết thúc. Trong số 49 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa hiện đang tại nhiệm, chỉ có 11 người phải tái tranh cử, trong khi 38 người còn lại vẫn đang trong giữa nhiệm kỳ của mình. Do đó, cuộc đua sẽ nặng nề hơn với Đảng Dân chủ.
Theo bà Greeson, với bối cảnh chính trị ngày càng phân cực của Mỹ, cử tri ít bỏ phiếu cho các đảng khác nhau trong các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội hơn.
"Tuy nhiên, việc chia phiếu bầu có thể mang tính quyết định trong năm nay", bà Greeson cho biết, lấy ví dụ về tiểu bang Maryland, nơi được coi là phần lớn ủng hộ bà Harris trong cuộc đua Tổng thống.
Nhưng Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Maryland hiện tại không tái tranh cử. Cuộc đua giành chiếc ghế này năm nay là cuộc cạnh tranh giữa ứng cử viên Larry Hogan ôn hòa của Đảng Cộng hòa và ứng cử viên Angela Alsobrooks của Đảng Dân chủ. "Ông ấy (Larry Hogan) rất được lòng dân Maryland, và tôi chắc chắn rằng sẽ có một số cử tri bỏ phiếu cho ông ấy, cũng như bà Harris".
Tại Montana, các cuộc thăm dò cho thấy ông Jon Tester, Đảng Dân chủ, có thể mất ghế Thượng viện vào tay ông Tim Sheehy, Đảng Cộng hòa. Các cơ quan thăm dò dự đoán cuộc đua sát nút nhất sẽ diễn ra ở Ohio, nơi đương kim Thượng nghị sĩ Dân chủ Sherrod Brown và đối thủ Cộng hòa Bernie Moreno đang bám đuổi sát nút.
Tuy nhiên, ở các tiểu bang khác, tình hình rõ ràng hơn nhiều. Ví dụ, nhà lập pháp Dân chủ nổi tiếng Adam Schiff có thể mong đợi được bầu làm Thượng nghị sĩ ở California. Trước đây ông Schiff từng giữ một ghế tại Hạ viện. Và tại tiểu bang nhỏ Wyoming, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Barrosso có khả năng sẽ giành được nhiệm kỳ thứ 4.
Riêng ở bang Nebraska, một cuộc bầu cử đặc biệt đang được tổ chức đồng thời cho ghế Thượng viện sau khi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse nghỉ hưu vào năm ngoái. Cuộc bầu chọn này không mang tính cạnh tranh.
Ý nghĩa đối với tân Tổng thống
Kết quả của cuộc bầu cử Mỹ vẫn còn hoàn toàn bỏ ngỏ. Ví dụ, nếu ông Trump thắng cử Tổng thống, ông có thể thấy bản thân phải đối phó với Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát, hạn chế quyền hoạch định chính sách của ông.
Một kịch bản có thể hình dung khác là bà Harris thắng cử Tổng thống nhưng phải đối mặt với đa số sít sao của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện.
"Sẽ là một trở ngại cho bà Harris nếu Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát", bà Greeson nói với DW. "Khi đó, Tổng thống sẽ rất khó để lấp đầy các vị trí quan trọng trong vài tháng đầu tiên – ví dụ, các thẩm phán, thành viên nội các và đại sứ sẽ phải được Thượng viện xác nhận".
Bà Greeson nói thêm rằng, "theo lịch sử, việc nhiều vị trí bổ nhiệm như vậy bị từ chối là điều bất thường, nhưng chúng ta không biết liệu một Thượng viện mới được bầu có phá vỡ truyền thống hay không".
Bà Harris cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức về mặt hoạch định chính sách, ví dụ như liên quan đến các vấn đề môi trường, hỗ trợ Ukraine, liên quan đến trần nợ công hoặc kế hoạch hạ giá thực phẩm và đầu tư vào nhà ở. "Sau đó, tân Tổng thống sẽ phải tìm kiếm sự thỏa hiệp lưỡng đảng ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình", bà Greeson cho biết.
Minh Đức (Theo DW, ABC News)