Có lẽ khi nói đến chế định Tổng thống Mỹ, người ta thường nhắc đến đầu tiên là chế độ bầu cử gián tiếp thông qua định chế đại cử tri. Liệu rằng, đây có phải là "ý tưởng" của các nhà lập hiến Hoa Kì ngay từ đầu hay không?
Tổng thống Mỹ được bầu ra bởi các đại cử tri.
Thực ra, chế độ bầu cử gián tiếp không phải là ý tưởng ban đầu của các vị cha đẻ Hiến pháp Hoa Kỳ.
Ý tưởng đầu tiên được đưa ra, đó là Tổng thống được bầu ra bởi cơ quan lập pháp của Liên bang (tức là Nghị viện liên bang). Điều này thậm chí đã được đưa vào bản dự thảo đầu tiên của Hiến pháp Mỹ: "Điều X . Khoản 1. Quyền hành pháp của Hợp chúng quốc sẽ trao cho một người. Danh hiệu của ông ta sẽ là "Tổng thống của Hợp chúng quốc Mỹ châu"; và phải xưng hô với Tổng thống là "Thưa Ngài" (His Excellency). Ông ta sẽ được bầu chọn bởi lá phiếu của cơ quan lập pháp với nhiệm kỳ bảy năm, nhưng không được bầu chọn lại lần thứ hai".
Nó đã gây ra một sự bất đồng quan điểm sâu sắc đến độ sau này các nhà lập hiến đã không thể chấp nhận phương án này.
Lúc đó, hội nghị lập hiến có 2 quan điểm trái ngược nhau.
Quan điểm thứ nhất ủng hộ phương án Tổng thống do cơ quan lập pháp liên bang bầu ra. Quan điểm thứ 2 ủng hộ phương án Tổng thống do dân chúng trực tiếp bầu ra.
Đã nổ ra những cuộc tranh luận sâu sắc xung quanh vấn đề này. Những người ủng hộ quan điểm Nghị viện bầu ra Tổng thống lập luận rằng, trao quyền bầu cử tổng thống cho dân chúng là 1 việc nguy hiểm, vì dân chúng thường bị “một vài kẻ mị dân dùng mưu mô xảo quyệt dẫn dắt và lừa dối”. Bên cạnh việc dân chúng dễ bị "lừa mị", thì người dân trong mỗi tiểu bang luôn có xu hướng bỏ phiếu cho người của bang mình, nên người ta sợ sẽ xảy ra tình trạng các bang lớn lớn liên hiệp để bầu "người của mình" làm Tổng thống, chi phối các quyết sách quan trọng của toàn liên bang.
Do vậy, Tổng thống nên được cơ quan lập pháp bầu ra, vì như thế Tổng thống sẽ là người phù hợp nhất để thực thi những đạo luật của Nghị viện, vừa hạn chế được sự bất bình đẳng giữa các tiểu bang hay sự thiếu hiểu biết, cả tin của dân chúng, đồng thời tạo điều kiện cho nhánh lập pháp giám sát nhánh hành pháp vì nhánh hành pháp là nhánh quyền dễ xảy ra tham nhũng và lạm quyền nhất.
Những người ủng hộ quan điểm dân chúng trực tiếp bầu ra Tổng thống lại cho rằng, không thể trao quyền bầu cử Tổng thống cho Nghị viện. Nếu cuộc bầu cử hoàn toàn do cơ quan lập pháp tiến hành, Tổng thống sẽ không thể đại diện cho tự do và lợi ích chung của dân chúng mà thường bị thiên lệch bởi những mưu mô của các nghị sĩ, hay sẽ không thể có chính quyền tự do nếu không phân quyền triệt để, hoặc sự luận tội của Nghị viện hay quyền phủ quyết của Tổng thống để bảo vệ quyền lợi cho các tầng lớp nhân dân chống lại sự chuyên quyền, độc tài của ngành lập pháp, tức là chống lại tầng lớp giàu có, thành phần chủ yếu của Quốc hội buộc Tổng thống phải độc lập với Quốc hội... Đó là những lí do để chống lại mô hình nghị viện bầu ra Tổng thống .
Do vậy, Tổng thống nhất thiết phải do dân chúng trực tiếp bầu ra để độc lập với Nghị viện, mới đảm bảo một chính quyền tự do, công bằng.
Cuộc tranh cãi dường như không thể có sự nhượng bộ nào. Cho đến khi một ý tưởng khá lạ kỳ được đề xuất: Tổng thống sẽ do các đại cử tri bầu chọn mà các đại cử tri lại được các cơ quan lập pháp tiểu bang bổ nhiệm - nghĩa là dân chúng sẽ gián tiếp bầu cử Tổng thống qua định chế Đại cử tri. Sau này có những ý kiến đại cử tri do dân chúng bầu chứ không phải do cơ quan lập pháp tiểu bang bổ nhiệm, và được chấp nhận.
Mới đầu người ta thấy nó thật kỳ quặc, nhưng chính ra nó giải quyết được mâu thuẫn như đã nói ở trên kia một cách khôn ngoan, bởi nó vừa hạn chế được phần nào sự "mị dân" của một số cá nhân tranh cử, sự thiên vị của dân chúng các bang lớn cho người của bang mình, bởi Tổng thống không do dân chúng bầu ra 1 cách trực tiếp, lại vừa bảo đảm Tổng thống sẽ độc lập với Nghị viện và sẽ là "người bảo vệ vững vàng nhất cho đông đảo dân chúng", bởi Nghị viện sẽ không bầu ra Tổng thống.
Nó làm hài lòng các vị đại biểu theo cả 2 quan điểm đối lập trên kia, nên phương pháp này được lựa chọn.
(Còn tiếp).
Luật gia Phan Hoàng Linh