Bầu cử tổng thống, nếu trao cho dân chúng trực tiếp lựa chọn, nó sẽ không được thuận lợi như bầu cử các thượng nghị sĩ hay hạ nghị sĩ. Bởi nghị viện là 1 tập thể, trong đó các nghị sĩ ít nhiều đại diện cho quyền lợi tiểu bang mình. Các nghị sĩ, kể cả thượng nghị sĩ hay hạ nghị sĩ, đều do dân chúng hoặc viện lập pháp tiểu bang bầu chọn tại bang đó. Nhưng, Tổng thống chỉ là 1 cá nhân, không thể từng tiểu bang bầu như vậy được, mà phải là toàn liên bang bầu lấy 1 người làm tổng thống. Vì vậy phải tập hợp dân chúng, tập hợp ý chí của toàn liên bang trong 1 cuộc bầu cử tổng thống đó mà thôi.
Tuy vậy điều này lại không hề đơn giản, kể cả về mặt khoảng cách địa lí cũng như ý chí của từng tiểu bang, sẽ rất khó để tập hợp dân chúng cho 1 cuộc bầu cử có quy mô lớn như vậy. Vậy nên, tốt nhất, từng tiểu bang sẽ lựa chọn ra những thành viên tạo thành 1 tuyển cử đoàn, và các tuyển cử đoàn sẽ đại diện cho ý chí tiểu bang mình, tập trung tại 1 địa điểm nhất định (thủ đô Washington) để bầu ra tổng thống. Có tuyển cử đoàn (các đại cử tri), việc tập hợp ý chí dân chúng sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều, vì vậy, bầu cử tổng thống nên có sự xuất hiện của đại cử tri.
Bảo đảm phần nào quyền lợi cho các bang nhỏ
Sự xuất hiện của các đại cử tri sẽ bảo đảm phần nào quyền lợi cho các bang nhỏ so với các bang lớn.
Bởi nếu bầu cử trực tiếp phổ thông đầu phiếu, thì các bang nhỏ sẽ quá thiệt thòi, các bang lớn do có số dân đông hơn gấp bội sẽ thuận lợi trong việc thể hiện ý chí của mình đối với việc bầu ra người lãnh đạo cao nhất của liên bang. Điều đó ko nằm trong mong muốn của các vị cha đẻ Hiến pháp Mỹ.
Là một quốc gia liên bang, những nhà lãnh đạo khai sinh ra nước Mỹ muốn giữ cán cân quân bình dân chủ giữa các tiểu bang. Họ không muốn xảy ra cảnh chính sách của liên bang bị một vài bang lớn đông dân như California hay Texas độc tôn định đoạt, còn các bang nhỏ như Wyoming, Vermont không có một tiếng nói chính trị nào. Nhưng cùng lúc cũng phải quan tâm đến trọng lượng dân số của mỗi bang.
Các bang lớn, luôn muốn thể hiện ý chí của mình đối với toàn liên bang, trong khi các bang nhỏ luôn đòi hỏi sự bình đẳng hoặc không quá thiệt thòi. Vì vậy, như một sự thương lượng, họ lựa chọn ra phương án sự xuất hiện của đại cử tri, mà thông thường bằng tổng số các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của từng bang cộng lại, để đảm bảo rằng, các bang nhỏ sẽ luôn luôn thể hiện được ý chí của mình trong việc bầu chọn ra tổng thống (bởi ít nhất mỗi bang sẽ có được 3 đại cử tri bằng tổng 2 thượng nghị sĩ (số thượng nghị sĩ trong thượng viện của mỗi bang luôn bằng nhau và bằng 2) cộng với ít nhất 1 hạ nghị sĩ). Đó là 1 cách để bảo vệ phần nào quyền lợi cho các bang nhỏ, đồng thời cũng thể hiện được tiếng nói của các bang lớn trong cuộc bầu chọn Tổng thống.
Trên phương diện này, có thể coi việc tạo ra định chế đại cử tri trong vấn đề bầu cử tổng thống Mỹ là một sự nhượng bộ, thỏa hiệp về quyền lợi giữa các bang với nhau trong toàn liên bang. Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ được hình thành dựa trên sự liên kết của các bang (mà mỗi bang vốn trước đây có địa vị độc lập như 1 quốc gia), chứ không phải là một quốc gia đơn thể. Bên cạnh đó, ý tưởng về quyền của các bang (states' rights) đóng một vai trò tối quan trọng trong lịch sử chính trị nước Mỹ: bản thân sự hình thành Liên bang là do các bang tự nguyện nhượng một số quyền nhất định của mình, với tư cách một quốc gia độc lập, cho chính phủ Liên bang. Định chế đại cử tri thể hiện được điều đó.
Những lí giải khác
Vài người sẽ cho rằng, việc Tổng thống được bầu ra một cách gián tiếp cũng sẽ góp phần hạn chế khuynh hướng độc tài của Tổng thống khi ông ta có trong tay quá nhiều quyền hành. Các nhà lập hiến sợ rằng nếu bầu theo lối đầu phiếu trực tiếp thì tổng thống với sự tấn phong của toàn dân, sẽ có được uy tín và quyền lực rất lớn, dễ lấn át Nghị viện và sẽ có khuynh hướng độc tài trong bộ máy nhà nước.
Đồng thời, nó cũng góp phần củng cố cho hệ thống 2 Đảng ở Mỹ, như 1 nhà nghiên cứu của Mỹ đã nói: “Cử tri đoàn đòi hỏi ứng cử viên tổng thống phải là một nhân vật có tầm ảnh hưởng quốc gia và có sức lôi cuốn quần chúng rộng lớn ở nhiều khu vực khác nhau. Sự tồn tại của cử tri đoàn khiến các đảng thứ ba, các phe phái mang tính khu vực và các cá nhân khó có thể giành chức tổng thống”.
(Còn tiếp).
Luật gia Phan Hoàng Linh