Theo đó, ông Đệ phản ánh vụ việc đã dẫn đầu đoàn công tác của VCCI xuống Hải Phòng đề nghị làm việc với Tp. Hải Phòng về đơn thư khiếu nại của một doanh nghiệp tại đây nhưng đã không được tỉnh này tiếp đón. Tuy nhiên, bí thư Hải Phòng bác bỏ thông tin trên, cho rằng chưa hề nhận được đề nghị làm việc nào của ông Đệ.Để rộng đường dư luận, Báo Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Đệ về vấn đề trên.
Vừa rồi, ông phản ánh vụ việc xuống Hải Phòng làm việc nhưng không được tiếp nhận và bí thư thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đã phản hồi ngay tại cuộc đối thoại với Thủ tướng là không hề nhận được đề nghị về cuộc hẹn nào với ông. Ông nói sao về điều này?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Cuối tháng 12.2016 tôi được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI ) cử làm trưởng đoàn công tác xuống Hải Phòng xác minh khiếu nại của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim khí Hải Phòng. Khi đi tôi có mang theo công văn giới thiệu của VCCI. Tôi đi với một luật sư, đại diện báo Diễn đàn Doanh nghiệp xuống phối hợp với VCCI Hải Phòng để làm việc với tỉnh này.
Tôi đã gọi điện cho cả chủ tịch lẫn bí thư Hải Phòng nhưng không được nghe máy. Tôi nhắn tin cho cả bí thư và chủ tịch nhưng cũng không nhận được hồi đáp. Đoàn công tác chúng tôi đã vào UBND TP Hải Phòng đưa giấy giới thiệu, đặt lịch làm việc, văn thư của Ủy ban đã tiếp nhận, vào sổ, nhưng 3 ngày sau đó tôi không hề nhận được hồi đáp và chúng tôi đã phải ra về .
Cụ thể việc khiếu nại của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim khí Hải Phòng là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đệ :Theo phản ánh của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim khí Hải Phòng, Công ty này đã đầu tư xây dựng bến xe khách Thượng Lý thay thế bến xe Tam Bạc (hiện đang quá tải) theo chủ trương xã hội hóa của TP Hải Phòng.
Nhưng sau khi bến xe Thượng Lý đi vào khai thác, Sở Giao thông vận tải TP Hải Phòng lại có văn bản cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động tại bến xe Tam Bạc được lựa chọn giữa bến xe Niệm Nghĩa và bến xe Thượng Lý. Do vậy, hàng loạt doanh nghiệp đã chuyển về bến xe Niệm Nghĩa thay vì bến xe Thượng Lý khiến cho doanh nghiệp này đang trên bờ vực phá sản.
Theo tôi vấn đề ở chỗ là lúc bí thì chính quyền động viên doanh nghiệp làm, mục tiêu là giải tỏa để đưa bến xe Tam Bạc ra ngoài. Khi làm xong rồi thì hai DN cạnh tranh nhau tác động vào cơ quan quản lý Nhà nước và lúc đó cơ quan quản lý Nhà nước “lật kèo” làm doanh nghiệp khốn khổ vì trót vay Ngân hàng 50 tỉ đồng đầu tư bến xe Thượng Lý.
Tại buổi đối thoại với Thủ tướng, bí thư thành uỷ Hải Phòng cho rằng sở dĩ có chuyện như trên là vì “các doanh nghiệp vận tải có quyền đăng ký bến xe để họ vào đó, TP không có quyền can thiệp yêu cầu toàn bộ xe từ bến xe Tam Bạc về bến xe Thượng Lý được... Chúng ta phải vận hành theo cơ chế thị trường”.Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Ông Nguyễn Văn Đệ :Theo tôi, anh Thành giải thích về vấn đề của bến xe Thượng Lý như vậy là không đúng. Bởi vì kinh doanh bến xe là một loại hình kinh doanh có điều kiện, dưới sự quản lý của Sở Giao thông vận tải và cơ quan quản lý Nhà nước. Khi xây dựng bến xe là có sự thống nhất của Sở GTVT và lãnh đạo TP Hải Phòng người ta mới làm. Khi doanh nghiệp đầu tư xong, thành phố lại thay đổi chủ trương, do vậy giải thích của anh Thành tại buổi đối thoại hôm 17/5 là không phù hợp.
Được cho là người luôn có những phát ngôn rất táo bạo, ông có bao giờ e ngại đụng chạm đến địa phương khác hay không? Sau phát ngôn của ông về Hải Phòng hôm 17/5, ông nghĩ địa phương có thể sẽ phản ứng với mình như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Đệ : Là một doanh nhân, là người chiến sĩ cách mạng trong thời bình, tôi tin tưởng rằng chúng ta có Đảng, có pháp luật cho nên tôi không ngại gì va chạm. Bản thân tôi vừa rồi tôi cũng chịu 7 lần thanh tra đối với doanh nghiệp của mình chỉ vì bảo vệ doanh nghiệp trong Hiệp hội. Tuy nhiên vì quyền lợi hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp, tôi sẵn sàng lên tiếng bảo vệ đến cùng.
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp lần thứ 2 tổ chức ở Hà Nội hôm 17/5/2017 được coi là để sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, một năm nhìn lại nhiều thành tựu của DN. Là chủ tịch một hiệp hội DN ở địa phương, xin ông cho biết điều gì là cản trở lớn nhất trong thực thi NQ 35 một năm qua?
Chính phủ mới và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thần tốc lấy ngày 30/4/2016 Giải phóng miền Nam làm cái mốc gặp mặt DN ở TPHCM. Sau gặp gỡ, bước táo bạo là ra được Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, với tinh thần quan trọng là thay đổi căn bản về mặt quan điểm, nhận thức, từ cơ chế quản lý hành chính chuyển sang cơ chế phục vụ, kiến tạo và hành động, đã làm xuyên suốt tinh thần phấn khởi cho người dân và cộng đồng DN.
Có thể nói Chính phủ đã có nhiều giải pháp để thực thi, làm cho dân và DN tin. Trong một năm có thể nói chúng ta đạt được nhiều hiệu quả: số lượng DN tăng, doanh thu hiệu quả tăng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, an sinh xã hội tốt lên.
Tuy nhiên, nếu như toàn dân, đặc biệt một bộ phận cán bộ quản lý ở địa phương cùng nhận thức được vấn đề trên, vào cuộc triệt để hơn nữa thì chắc chắn thành tựu hôm nay còn lớn hơn nhiều. Đáng tiếc vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý ở địa phương quan liêu, nhũng nhiễu, bảo thủ, vẫn chờ cơ hội để níu kéo tính quản lý bao cấp, xin cho để trục lợi.
Hội nghị đối thoại Thủ tướng với DN lần thứ hai có sự tham dự của 1.500/2.000 đại biểu thuộc khối doanh nghiệp tư nhân. Như vậy có thể thấy sự lớn mạnh vượt bậc của khối này trong thời gian gần đây. Là chủ tịch hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về chính sách phát triển kinh tế tư nhân hiện nay nói chung và trong lĩnh vực bệnh viện tư nói riêng?
Ông Nguyễn Văn Đệ : Đối với cộng đồng DNNVV xuất phát từ tinh thần Nghị quyết 35 và tinh thần chỉ đạo của thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã phấn khởi kinh doanh. Nhiều đơn vị đang từ một DN đã phát triển lên thành 5-7 DN, như tôi hiện nay đã phát triển lên đến 20 DN và nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi DN
Các hộ kinh doanh cá thể thấy được ý nghĩa của NQ 35 nên đã chuyển mình, học tập và chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Đó chính là những kết quả quan trọng.
Theo tôi, lĩnh vực kinh tế tư nhân là một lĩnh vực khó nhất, đặc biệt quan trọng, đang chi phối đời sống xã hội và chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước, Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn nữa để khối này phát triển mạnh mẽ hơn.
Hiện nay khối DN tư nhân vẫn đang gặp khó khăn vì nhiều văn bản chính sách ra đời không phù hợp làm nản lòng nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư đã đầu tư rồi thì rơi vào tình trạng hoạt động cầm cự làm lãng phí nguồn lực.
Ví dụ trong lĩnh vực bệnh viện tư nhân của tôi, có những quy định làm kìm hãm sự phát triển của bệnh viện tư nhân, khiến cho nhiều bệnh viện hạng 2 phải xin xuống làm bệnh viện hạng 3, bệnh viện hạng nhất xin xuống bệnh viện hạng 2... Tôi nghĩ chủ trương chính sách phải khiến DN phát triển chứ thụt lùi như vậy thì do chủ trương chưa đúng đắn, phù hợp.
Ngoài ra cũng còn nhiều cơ chế chính sách bất cập trong khám chữa bệnh. Ví dụ Dự thảo về tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu được Bộ Y tế đề xuất: mỗi bác sĩ không được khám quá 35 người bệnh trong một ngày làm việc 8 tiếng, trong khi nguồn nhân lực y tế đang thiếu trầm trọng. Nếu áp dụng quy định này thì không chỉ nhiều bệnh viện tư không đáp ứng được mà gần như tất cả các bệnh viện công hiện nay đều phải đóng cửa do không đảm bảo nguồn nhân lực, đặc biệt những bệnh viện ở vùng sâu vùng xa.
Về vấn đề này tôi cho rằng Bộ y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội VN cần ngồi với nhau để hoạch định ra quy trình quản lý có khoa học và phải xuất phát thực tiễn thì chủ trương mới đúng đắn và đi vào cuộc sống.
Xin cảm ơn ông!
Bí thư Thành ủy Hải Phòng “phản pháo” bầu Đệ Trước phát biểu của bầu Đệ cho rằng Hải Phòng đã cho doanh nghiệp chủ trương đầu tư bến xe Thượng Lý, sau đó “lật kèo” tạo điều kiện cho doanh nghiệp khác, khiến nhà đầu tư bến xe Thượng Lý lao đao. Theo ông Đệ, ông đã phản ánh với Chủ tịch, Bí thư Tp.Hải Phòng, song không có hồi âm và doanh nhân này đặt câu hỏi: Nếu như vậy thì “kiến tạo, phục vụ ở chỗ nào”?, Ngay tại Hội nghị đối thoại với Thủ tướng, từ đầu cầu Hải Phòng, đáp lại ý kiến của bầu Đệ, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho rằng ông chưa từng nhận được một cuộc gọi hay tin nhắn nào. “Báo cáo Thủ tướng, các đại biểu tham dự Hội nghị, cá nhân tôi chưa bao giờ nhận được lời đăng ký của anh Đệ. Ủy ban nhân dân TP.Hải Phòng đã tiếp nhận và giao phòng Thương mại hồ sơ liên quan đề nghị của bến xe Thượng Lý. Báo cáo đồng chí là bến xe Thượng Lý có đề nghị chuyển 100% (150 chuyến) xe từ bến xe Tam Bạc (bến xe TP đóng cửa) về Thượng Lý. Chúng tôi đã trả lời nhiều lần doanh nghiệp trên cơ sở quy định của bộ, ngành TƯ. Các doanh nghiệp vận tải có quyền đăng ký bến xe để họ vào đó”, ông Thành khẳng định. Theo ông Thành, Hải Phòng không có quyền can thiệp yêu cầu toàn bộ xe từ bến xe Tam Bạc về bến xe Thượng Lý được. “Chúng tôi đã có hàng chục cuộc họp. Chính phủ đã yêu cầu Tp.Hải Phòng và chúng tôi đã giải trình về vấn đề này. Chúng ta phải vận hành theo cơ chế thị trường…" – ông Thành nói. |
Minh Minh (thực hiện)