Ông Nguyễn Văn Đệ, thường được gọi là “bầu Đệ” hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Sinh ra ở vùng cửa biển Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, bầu Đệ từng công tác trong ngành công an cho tới năm 1992 mới nghỉ mất sức. Sau đó, ông Đệ vào Nam buôn gạo rồi chạy xe khách và mở HTX xe khách đầu tiên ở Thanh Hóa. Có lẽ, cũng chính đủ thứ công việc mà ông đã trải qua nên ở xứ Thanh… đi đâu, làm gì… cũng có bầu Đệ.
Hôm 25/4, người ta xôn xao tin bầu Đệ tiếp tục quay trở lại dẫn dắt Thanh Hóa FC, cứu đội bóng Thanh Hóa trước “trận đấu sinh tử” gặp Hoàng Anh Gia Lai.
Dù là một cái tên nổi đình đám trong giới doanh nhân và đặc biệt là giới doanh nhân làm bóng đá, song không nhiều người biết rõ con đường lập nghiệp, những thăng trầm trong cuộc sống của ông bầu đặc biệt này.
Bầu Đệ là ai?
Ở Thanh Hóa, bầu Đệ là người có tiếng nói cực kỳ quan trọng trong giới kinh doanh của tỉnh hơn 4,4 triệu dân này. Các doanh nghiệp của từng ngành, nghề muốn liên hiệp với nhau bàn thảo việc, thì “cứ phải có anh Đệ làm Chủ tịch danh dự mới xong”.
Cũng từ những kinh nghiệm bôn ba khắp các công việc từ buôn gạo tới làm chạy xe khách và mở HTX Hợp Lực, ở đâu, ngành nghề gì cũng có bóng dáng ông, vì thế mà người ta gọi ông là một người “thập cẩm” ôm đủ thứ việc trên tay.
Chỉ tính sơ sơ cũng có đến cả một danh sách các chức vụ của ông bầu này. Riêng ở Tổng CTCP Hợp Lực, ông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT TCTY và Chủ tịch HĐQT của 6 đơn vị thành viên. Ngoài ra bầu Đệ còn từng là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Đại biểu HĐND tỉnh, Chủ tịch Quỹ ANTT phòng chống tội phạm tỉnh, Ủy viên Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam và mới đây nhất là sự quay trở lại với vị trí Chủ tịch CLB bóng đá Thanh Hóa (Thanh Hóa FC)…
Trở lại với quang thời gian buôn gạo mưu sinh của ông bầu này, năm 1992, khi đã 46 tuổi, ông Nguyễn Văn Đệ rời ngành công an rồi mò mẫm vào Nam khởi nghiệp. Trong tay chưa đến 50 triệu đồng, ông Đệ tìm đến nghề buôn gạo. Sau đó từ nhiều lần đi xe đò vào Nam ra Bắc, ông mới nảy ra sáng kiến thành lập một HTX vận tải “để làm ăn cho ra ngô, ra khoai”.
Từ đó tháng 5/1996, Hợp tác xã Vận tải Hợp Lực (HTXVTHL) gồm 15 xã viên với 25 phương tiện ra đời. HTX xe khách đầu tiên ở Thanh Hóa làm ăn ngày một phát triển. Sau 10 năm thành lập, năm 2003, doanh thu hàng năm của doanh nghiệp đạt 21 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ thời bấy giờ. HTX Vận tải Hợp Lực từng được Bộ GTVT đánh giá là một trong những HTX đi đầu trong lĩnh vực vận tải.
Bỏ bất động sản để xây bệnh viện
Năm 2003, khi giới kinh doanh ở Thanh Hóa đổ xô vào đầu tư bất động sản, xây khách sạn, nhà hàng, những lĩnh vực hốt bạc vào thời điểm ấy thì ông Đệ lại quyết định đầu tư xây bệnh viện.
Thời điểm ấy, xã hội hóa y tế vẫn còn là điều mới mẻ ở xứ Thanh. Huống hồ “ông Đệ là dân kinh doanh vận tải, biết gì về y tế mà đòi xây bệnh viện”, nhưng mặc ai nói ngả nói nghiêng, bầu Đệ vẫn quyết tâm làm.
Năm 2005, bệnh viện đa khoa Hợp Lực được khánh thành. Chỉ sau 2 năm hoạt động, bệnh viện đã trong tình trạng quá tải. Để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu chữa bệnh của nhân dân, năm 2009, tòa nhà 17 tầng vốn đầu tư hơn 350 tỷ đồng được đưa vào sử dụng.
Không học Y Dược nhưng ngoài xây bệnh viện, bầu Đệ còn "bạo gan" mở trường trung cấp Y-Dược Hợp Lực (thuộc Tổng CTCP Hợp Lực).
Dự án kinh doanh khiến “đồng nghiệp” trầm trồ
Không chỉ xây dựng bệnh viện tư nhân, bầu Đệ còn từng khiến giới doanh nhân trầm trồ khi trình đơn xin xây dựng dự án Phúc Lạc Viên- Đài hóa thân hoàn vũ.
Phúc Lạc Viên là công trình công viên nghĩa trang có diện tích hơn 3,2 ha, tại địa bàn phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa, do Tổng công ty CP Hợp Lực làm chủ đầu tư. Với tổng vốn đầu tư gần 7 triệu USD. Ngày 11/11/2014, công trình chính thức được đưa vào hoạt động.
“Chả nhẽ bây giờ người ta lại bảo tôi là người… không biết gì về… chết mà cũng đòi thực hiện dự án dành cho người chết hay sao. Ai làm doanh nghiệp chả tính đến lời lãi. Nhưng nếu không gắn lợi ích doanh nghiệp với lợi ích xã hội thì không bao giờ bền vững. Phúc Lạc Viên là công trình tôi ấp ủ từ lâu. Đó là công trình văn hóa tâm linh chứ không phải là một dịch vụ tang lễ thuần túy”- bầu Đệ tâm sự với giới truyền thông trong ngày Phúc Lạc Viên chính thức đi vào hoạt động.
Sau thành công này, bầu Đệ tiếp tục được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao khu đất gần 30ha để xây dựng dự án Phúc Lạc Viên - Đài hóa thân hoàn vũ với kinh phí hơn 200 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên cớ đầu tư những dự án tâm linh này, bầu Đệ không ngần ngại cho biết: “Tôi là người lính giữa thời bình. Quan điểm của tôi khi kinh doanh là làm những gì có thể phục vụ trực tiếp cho đời sống dân sinh. Tôi đã đầu tư xây bệnh viện, trường trung cấp y dược và nay đầu tư nhà hỏa táng cũng đều nằm trong quan niệm đó. Tôi nghĩ đó là nhu cầu thiết thực của con người, là xu hướng thời đại sao mình phải tránh né”.
Tình yêu với bóng đá
Thành công trên thương trường nhưng có lẽ chính bóng đá mới là lĩnh vực giúp bầu Đệ được hưởng nhiều “tiếng thơm” nhất.
Bầu Đệ được xem là công thần của bóng đá Thanh Hóa. Kể từ khi ông bắt tay vào làm bóng đá cuối mùa giải 2010, đội bóng xứ Thanh như thay da đổi thịt. Từ chỗ chỉ đua trụ hạng, CLB Thanh Hóa trở thành đối thủ đáng gờm với bất cứ đội bóng nào ở V.League.
Doanh nhân làm bóng đá thì cũng chẳng đơn giản. Dù có lúc từng phải cầm cố cả xe hơi cá nhân hay vay tạm tiền của bệnh viện Hợp Lực để kịp trả lương cho cầu thủ, rồi sức ép về thành tích, đàm tiếu của dư luận nhưng chưa bao giờ người ta nghe thấy dù chỉ một lời ca thán của bầu Đệ.
Chính vì thế mà năm 2015, ngay khi có thông tin bầu Đệ chính thức thôi chức Chủ tịch CLB bóng đá Thanh Hóa, biết bao cổ động viên xứ Thanh đã phải thở dài nuối tiếc.
Tuy nhiên, sau nhiều trăn trở, suy nghĩ rồi bàn bạc, bầu Đệ quyết định một lần nữa quay trở lại làm bóng đá. Sự trở lại của ông ở thời điểm này vẫn khiến không ít người cảm thấy bất ngờ. Hiện tại, CLB Thanh Hóa đang xếp chót V-League sau sự rút lui của tập đoàn FLC.
Tài chính của đội bóng cũng là vấn đề khi ban lãnh đạo phải cầu cạnh khắp nơi để có tiền chi trả. Đội bóng xứ Thanh hy vọng với sự hiện diện của bầu Đệ, Thanh Hóa FC sẽ được đầu tư mạnh hơn về tài chính để sớm vượt khó thành công.
Bầu Đệ chưa phải một doanh nhân nghìn tỷ để có thể “hồi sinh” ngay lập tức đội bóng quê hương, nhưng chí ít bầu Đệ vẫn là một trong những người có tiềm lực kinh tế. Tài chính cộng với tiếng nói của ông trong giới doanh nghiệp Thanh Hóa sẽ giúp đội bóng có được nguồn kinh phí ổn định.
Hy vọng với tầm nhìn và tâm huyết của ông, bóng đá Thanh Hóa sẽ thực sự được “hồi sinh”.
Những phát ngôn nổi tiếng của bầu Đệ
“Bóng đá là bóng đá chứ bóng đá không phải mafia. Nếu các ông bầu cứ "chơi trò mafia" thì tốt nhất nên dẹp VPF trả lại cho VFF. Bóng đá Việt Nam chưa thể thoát khỏi Nhà nước”.
“Nhà có 3 anh em, có người nghèo, người giàu… anh giàu không thể bắt anh nghèo chơi theo cách chơi của anh giàu được… để rồi anh thao túng cuộc chơi”.