Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán: HAG) vừa công bố cho thấy, mảng kinh doanh trái cây có sự gia tăng doanh thu mạnh nhất, trong khi mảng cao su và chăn nuôi bò đều sụt giảm.
Cụ thể, trong quý I/2018, doanh thu từ trái cây đạt 489 tỷ đồng, tăng 333 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số nguồn thu khác có tăng nhẹ như nguồn thu từ cung cấp dịch vụ cho thuê và dịch vụ khác tăng 10 tỷ đồng, song chủ yếu vì tăng giá dịch vụ (cụ thể là dịch vụ cho thuê dự án khu phức hợp HAGL-Myanmar) chứ không phải phát sinh doanh thu mới.
Doanh thu căn hộ chỉ tăng nhẹ 2 tỷ đồng, chủ yếu do bán căn hộ Hoàng Anh ĐăkLăk.
Trong khi đó, nguồn thu từ đàn bò sụt giảm mạnh nhất, tới 196 tỷ đồng. Đây là con số của quý I/2017, quý này đàn bò HAGL không mang lại doanh thu cho công ty của bầu Đức. Doanh nghiệp lý giải rằng không ưu tiên đầu tư nguồn vốn cho đàn bò mà chỉ duy trì để lấy phân phục vụ cho mảng cây ăn trái. Nói cách khác, bầu Đức đang nuôi bò chỉ để lấy phân chứ không bán.
Ngoài ra doanh thu từ bán mủ cao su giảm 19 tỷ đồng, bán sản phẩm dịch vụ khác giảm 21 tỷ đồng...
Điều đáng nói, đóng góp đáng kể vào tỷ trọng doanh thu trái cây kỳ này là sự có mặt của loại trái cây lần đầu xuất hiện trong cơ cấu doanh thu của HAGL, đó là trái ớt.
Theo đó, HAGL bắt đầu trồng ớt từ quý IV/2017, đến quý I/2018 loại trái cây này mang về doanh thu hơn 93 tỷ đồng, như vậy mỗi ngày bầu Đức bán ớt kiếm hơn 1 tỷ đồng.
Nhờ đóng góp của mảng trái cây, trong đó có ớt mà lợi nhuận quý I/2018 của HAGL đạt 56,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 16,3 tỷ đồng.
HAGL hiện đang trồng ớt trên diện tích 927 ha, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc với tỷ suất lợi nhuận gộp lên đến 60%. Hiện, HAGL Agrico tiếp tục mở rộng vùng trồng tại các nông trường có thổ nhưỡng phù hợp như Rattanakiri (Campuchia), Hàm Rồng, Lơ Pang (Gia Lai)…
Theo báo cáo thường niên công bố cuối tuần trước, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL cho biết 2018 là năm thứ 3 trong tiến trình chuyển đổi chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, khẳng định lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là ngành trồng trọt trong đó lấy trọng tâm là mảng cây ăn trái.
Bên cạnh đó, ngành cao su và chăn nuôi bò được doanh nghiệp giữ lại để phát triển trong dài hạn, mặt khác đang xúc tiến chuyển nhượng các mảng thủy điện, khoáng sản, bất động sản tại Myanmar để giải quyết nhu cầu thanh khoản và đầu tư cho mảng kinh doanh chính.
Tính đến cuối quý I, tổng nguồn vốn của công ty đạt 28.825 tỷ đồng, giảm gần 3.460 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả (phần lớn là vay dài hạn ngân hàng và công ty mẹ) chiếm hơn 60% trong cơ cấu nguồn vốn.
Mặc dù kiểm toán viên nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục do tồn đọng nhiều khoản nợ vay lớn trong báo cáo tài chính năm ngoái, nhưng HAGL Agrico vẫn tự tin sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu châu Á về sản xuất trái cây trong giai đoạn 2023-2026.
Trong một diễn biến khác, ông Đoàn Nguyên Đức vừa quyết định chi khoảng 100 tỷ mua vào 20 triệu cổ phiếu HAG nhằm cứu giá cổ phiếu này đang lao dốc mạnh.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu HAG lập tức đảo chiều, tăng kịch trần trong phiên sáng 4/5 ở mức thị giá 5.150 đồng/cổ phiếu.
Cá nhân bầu Đức đang nắm giữ hơn 324,7 triệu cổ phiếu HAG, tương đương 35% vốn doanh nghiệp.
Nếu giao dịch thành công, bầu Đức sẽ nâng sở hữu tại HAGL này lên gần 345 triệu cổ phiếu, tương ứng 37,17% vốn.
Với mức giá hiện tại của cổ phiếu HAG trong khoảng 5.000 đồng/cổ phiếu, bầu Đức sẽ phải chi trên dưới 100 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu đã đăng ký.
Dự kiến giao dịch được thực hiện từ ngày 8/5 đến 6/6.
Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HAG đã mất hơn 33% thị giá, khi giảm từ mức 7.250 đồng/cổ phiếu.
Cuối năm 2017, ông Đức cũng đã bán 23 triệu cổ phiếu HAG, nhằm dùng tài sản đảm bảo để hỗ trợ HAGL tái cơ cấu các khoản vay tài chính đang là gánh nặng đối với tập đoàn.