Doanh thu, lợi nhuận giảm "khả quan"
Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mới công bố kết quả kinh doanh quý 1/2019, trong đó doanh thu giảm 60%, lợi nhuận giảm 62% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh thu quý 1/2019 đạt hơn 410 tỷ đồng, chỉ bằng 40% so với con số 1.026 tỷ đồng của quý 1/2018.
Trong cơ cấu doanh thu thì trái cây vẫn là mảng chủ lực, mang về hơn 199 tỷ đồng. Tiếp đó là cao su 101 tỷ đồng, đây là một trong những điểm sáng của bản báo cáo, bởi con số này cùng kỳ năm ngoái chỉ là 38,4 tỷ đồng.
Doanh thu từ ớt là 38 tỷ đồng, dịch vụ khác 50 tỷ đồng. Bất động sản không mang lại nguồn thu và đây là quý thứ 2 liên tiếp công ty của bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai) "chia tay" với doanh thu mảng bất động sản - dù lĩnh vực này đã làm nên tên tuổi của ông bầu.
Trong quý 1, một số khoản mục chi phí bị tăng mạnh như giá vốn hàng bán gần 325 tỷ đồng (chiếm 80% cơ cấu doanh thu), trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 548 tỷ đồng (so với doanh thu 1.026 tỷ đồng thì chỉ chiếm 55% cơ cấu doanh thu).
Doanh thu giảm 60% nhưng chi phí bán hàng, chi phí tài chính vẫn phải chi tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí chi phí quản lý doanh nghiệp còn tăng hơn, kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 21,5 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ, trong đó cổ đông không kiểm soát chịu lỗ 14,7 tỷ đồng nên LNST công ty mẹ đạt hơn 36 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ đạt 2,6 tỷ đồng.
Tuy doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh song đây là những con số khả quan so với tính toán trước đó của doanh nghiệp.
Tại Đại hội cổ đông vừa diễn ra cách đây ít ngày, HAGL đặt kế hoạch doanh thu thuần trong năm 2019 đạt 5.125 tỷ đồng, giảm khoảng 5% so với kết quả năm 2018, lợi nhuận trước thuế là 88 tỷ đồng, tăng 85% so năm trước. Trong đó, cây ăn trái sẽ là mảng chủ lực trong cơ cấu nguồn thu, dự kiến mang lại 4.401 tỷ đồng, tương đương đóng góp tỷ trọng 86% tổng doanh thu 2019.
Như vậy với kế hoạch này kết thúc quý 1/2019, HAGL mới hoàn thành được 8% kế hoạch doanh thu và 23% mục tiêu về lợi nhuận. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ, HAGL cho biết diện tích trồng chuối đang trong giai đoạn thu hoạch kể từ lúc THACO rót vốn do đó, quý 1 kết quả cũng sẽ chưa tốt, có thể âm nhưng những quý sau sẽ được cải thiện.
Trong kế hoạch kinh doanh 2019, doanh nghiệp xác định mảng kinh doanh chủ lực vẫn là cây ăn trái với mức doanh thu dự kiến là 4.401 tỷ đồng, chiếm khoảng 86% trong cơ cấu doanh thu của cả năm 2019. Chuối vẫn sẽ là loại trái cây bán nhiều nhất, với sản lượng 244.000 tấn, mang về 3.545 tỷ đồng. Tiếp theo đó là các loại cây ăn trái khác như thanh long, mít, bưởi, xoài.
Nợ vay vẫn gấp 2 lần vốn chủ sở hữu
Đáng lưu ý tại báo cáo tài chính mới công bố của Hoàng Anh Gia Lai là con số nợ vay vẫn còn là gánh nặng đối với doanh nghiệp của bầu Đức.
Trong tổng số nguồn vốn hơn 49.000 tỷ đồng thì nợ vay chiếm tới gần 32.300 tỷ đồng. Trong đó nợ ngắn hạn là 14.500 tỷ đồng (tăng nhẹ so với con số 13.100 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái), trong đó chiếm 50% là các khoản vay ngắn hạn, trị giá 7.300 tỷ đồng. Nợ dài hạn giảm nhẹ từ 18.100 tỷ đồng quý 1/2018 còn 17.700 tỷ đồng quý này, trong đó chủ yếu là các khoản vay dài hạn chiếm hơn 14.000 tỷ đồng.
So với nguồn vốn chủ sở hữu là 16.000 tỷ đồng thì nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai hiện đã cao gấp đôi.
Đáng lưu ý, trong số các chủ nợ của HAGL, ngoài các ngân hàng thì cá nhân Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đang cho chính doanh nghiệp của mình "mượn tạm" 1.339 tỷ đồng vay ngắn hạn và 180 tỷ đồng vay dài hạn.
Một thành viên khác trong gia đình bầu Đức là bà Đoàn Thị Nguyên Nguyên, em gái ông, cũng cho HAGL mượn 20 tỷ đồng.
Tỷ phú Trần Bá Dương hiện cũng đang bị "ngập" vốn trong doanh nghiệp của bầu Đức số tiền là 500 tỷ đồng, dưới hình thức cho vay cá nhân, ngắn hạn. Tập đoàn Trường Hải cũng đang cho HAGL vay 1.161 tỷ đồng (tăng so với con số 746 tỷ đồng thời điểm ngày 31/12/2018).
Bầu Đức "chia tay" bất động sản
Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố Báo cáo thường niên năm 2018 vào cuối tháng 4/2019, trong đó khẳng định, năm 2019 là năm bản lề quan trọng để HAGL đi vào giai đoạn 2020 - 2025, phát triển bền vững, làm đòn bẩy đưa HAGL trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Châu Á vào năm 2025.
Một chi tiết đáng lưu ý trong kế hoạch 2019 của HAGL là thông tin về ý định thoái vốn khỏi dự án HAGL Myanmar - dự án bất động sản lớn nhất mà HAGL đang triển khai. Lần đầu tiên kể từ khi niêm yết, thư gửi cổ đông của Bầu Đức không còn nhắc tới bất động sản - lĩnh vực làm nên tên tuổi của ông và tập đoàn HAGL.
Thực tế thì, trong cơ cấu ngành nghề của tập đoàn, mảng đầu tư kinh doanh bất động sản đã dần dần co cụm trong vài năm gần đây. Cụ thể, năm 2016 mảng này chỉ còn mang về 207 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 3,1% trong cơ cấu doanh thu); năm 2017 và 2018 các con số này lần lượt là 58 tỷ đồng (tỷ trọng 1,2% doanh thu) và 57 tỷ đồng (1,1% doanh thu).
Trong tổng doanh thu 5.388 tỷ đồng của năm 2018, nguồn thu từ bất động sản là quá èo uột, trong khi mặt hàng chủ lực là trái cây mang về 2.897 tỷ đồng, ớt mang về 514 tỷ đồng… Thậm chí đàn bò mà bầu Đức xác định chỉ nuôi chủ yếu để lấy phân bón cây vẫn mang về 127 tỷ đồng, gấp 2 lần doanh thu bất động sản.
Được biết, phần lớn mảng kinh doanh này chỉ còn xuất hiện ở phần dịch vụ cho thuê, chủ yếu từ khu phức hợp Hoàng Anh - Myanmar. Tuy nhiên, vào tháng 9/2018 tập đoàn Trường Hải của tỷ phú USD Trần Bá Dương đã thông qua công ty con là Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh sở hữu 51% vốn của Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh để tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án Hoàng Anh Myanmar Center.