Ngẫm từ lời chê của bầu Đức
Sau thời điểm U20 Việt Nam thất bại 0-2 trước U20 Honduras, HLV Hoàng Anh Tuấn có 2 nỗi buồn. Ngoài việc đội nhà không tìm được bàn thắng cho riêng mình tại World Cup, “thuyền trưởng” sinh năm 1968 bị sếp Đoàn Nguyên Đức buông lời chê bai.
Bầu Đức nổi tiếng thẳng thắn và khác người. Quan điểm của ông vì thế không quá sốc, nhưng gây phản ứng trái chiều bởi nó diễn ra đúng vào thời điểm nhạy cảm. Vị Chủ tịch tập đoàn HAGL đại ý chê ông Tuấn “con” ở 2 khía cạnh: may mắn sở hữu những cầu thủ giỏi, đồng thời năng lực hạn chế vì “trong nước không có ai tận dụng”.
Câu chuyện đội bóng thành công bởi hội tụ nhiều nhân tố chất lượng, chứ không phải nhờ tài HLV khiến người ta liên tưởng tới… Guardiola. Lâu nay, antifan vẫn xem đối trọng của Mourinho là “kẻ ăn hôi vĩ đại”, đơn giản bởi ông nắm quyền tại Barca rồi Bayern – nơi sức mạnh vốn đã trở thành thương hiệu, lại mạnh bạo về tài chính.
Phải khẳng định ngay, quan điểm, nhất lại là quan điểm cá nhân thì rất khó để thay đổi một sớm một chiều. Ví như Pep khuynh đảo trời Âu, lên đỉnh Champions League, La Liga, Bundesliga, Cúp Nhà vua Tây Ban Nha,… cũng còn bị phũ phàng phủ nhận công lao, thì HLV Hoàng Anh Tuấn – người thất bại ở 2 kỳ AFF liên tiếp, người đến World Cup như một phép màu bị chê bai, đả kích là chuyện bình thường.
Không ai đủ sức làm hài lòng tất cả. Nghề “làm dâu trăm họ”, coi búa rìu bàn tán từ truyền thông, dư luận là “đặc sản” kiểu như ông Tuấn, tất nhiên, chẳng thoát khỏi quan điểm này.
Thành công không đến từ may mắn
Lại nói về Pep Guardiola, năm 2012, khi ông rời Cam Noup, nhiều nguồn tin khẳng định, chiến lược gia 46 tuổi bị “đâm sau lưng”, bị các học trò công khai chống đối. Điều này chứng minh, không phải cứ trò giỏi là thầy có thành tích tốt. Với HLV, chỉ công tác chuyên môn là chưa đủ. Vai trò ở phòng thay đồ, uy tín cũng đặc biệt quan trọng.
Trước vòng chung kết U19 châu Á 2016, HLV Hoàng Anh Tuấn từng thẳng tay loại tiền vệ trụ cột Trọng Hóa, hay ngôi sao chơi ngày một hay Thành Chung của Hà Nội FC. Lý do đơn giản: “bằng mặt mà không bằng lòng”. Sẵn sàng “trảm” trò cưng, chuyên môn tốt, ông Tuấn “con” đổi lại được kỷ cương, và sự khâm phục. Thành tích sau đó đội mang về chứng minh ông đúng.
Về mặt năng lực, cứ nhìn vào số liệu đủ thấy HLV Hoàng Anh Tuấn ở ngưỡng nào. Năm 2007, nhà cầm quân gốc Nha Trang đưa đội U21 Khánh Hòa đoạt chức vô địch giải U21 quốc gia, ngay ở năm chính thức đầu tiên bước vào nghiệp cầm quân. Tháng 8 cùng năm, khi đội một Khánh Hòa đứng trước nguy cơ xuống hạng, ông Tuấn lên thay ở vòng 20 V.League, xuất sắc giúp đội bóng phố biển trụ hạng thành công với vị trí thứ 10. Một kết quả được xem là khó tin hồi đó.
HLV Hoàng Anh Tuấn có bằng A huấn luyện viên do AFC cấp năm 2005, từng tham gia khóa học lớp chuyên tu, trợ giảng tại Ấn Độ và Thụy Sỹ; cũng là HLV Việt Nam duy nhất được Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) chọn tham dự khoá học huấn luyện viên trình độ A (cấp cao nhất) trong hai tháng 8-9/2009 tại trường thể thao Hennef. Trong giới huấn luyện quốc nội bây giờ, ngoài ông Tuấn, không nhiều người đủ sức nói tiếng Anh lưu loát.
Nói đến đây, lời chê của bầu Đức chẳng khác nào trò hề. Đấu trường World Cup là nơi không ưu tiên sự may mắn. Không bản lĩnh, sẽ chẳng thể có một tập thể chiến đấu mạnh mẽ tưởng như dạn dày thao trường, dù mới lần đầu ra biển lớn.
Nhìn từ lứa Công Phượng, bầu Đức xem họ như ngọc quý. Đổi lại, thành tích chỉ là vô địch vài ba giải trẻ rồi ngụp lặn ở sân chơi V.League hay ca bài quen thuộc thất bại trước người Thái. Phải chăng, lỗi lại do yếu tố hên xui, do các vị “thuyền trưởng” kém tài thao lược?
Vừa mang vinh quang về cho đất nước, cho cả Đông Nam Á, HLV Hoàng Anh Tuấn bỗng chốc bị tổng sỉ vả nặng nề. Ở cái xứ khen ít, chê nhiều, người hùng của bóng đá Việt nên phớt lờ mà sống, hoặc không thì đáp trả ngắn gọn như lời ông tuyên bố mới đây:
“Này các ông, tôi vừa dự World Cup, nghĩa là đang ở trên đỉnh đấy nhé, còn các ông ở đâu? Các ông hãy nhìn lại xem mình đã thất bại như thế nào?”.
Trần Anh