Các sân vận động của V.League đều mở cửa đón khán giả, trừ sân Pleiku
Ngày 8/3, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã có công văn thông báo về công tác tổ chức trận đấu ở vòng 4 V.League 2022 trên sân Pleiku. Cụ thể, trận đấu giữa HAGL và Viettel sẽ diễn ra theo hình thức không khán giả để hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Đây đã là trận thứ 2 liên tiếp, HAGL không được đón khán trên sân nhà. Trước đó, trong trận tiếp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ở vòng 2, thầy trò HLV Kiatisak cũng đã phải chơi giữa các khán đài trống vắng.
Cho đến thời điểm này sân Pleiku cũng là địa điểm duy nhất tại duy nhất phải đá không khán giả. Các sân còn lại đều mở cửa đón khán giả, tuỳ vào tình hình dịch bệnh và thường được bán ra 50% số vé phát hành. Mới đây nhất, theo thống kề từ BTC, ở vòng 3, V.League 2022 đã có 34.500 khán giả đến sân. Cụ thể, sân Hàng Đẫy có 3000 người, sân Vinh có 4000 người, sân Hoà Xuân 5000 người, sân Thống Nhất có 5000 người và đặc biệt sân Hải Phòng có 17.500 khán giả.
Vào lúc này, HAGL đang gặp vô vàn khó khăn sau 2 trận hoà và 1 trận thua. HLV Kiatisak thừa nhận rằng, các học trò của ông đang gặp những vấn đề về tâm lý. Bản thân Văn Toàn tâm sự, anh và các đồng đội thiếu sự tự tin ở đôi chân của chính mình. Đúng vậy, nhìn màn dạo đầu của HAGL ở mùa giải năm nay, không ai còn nhận ra đội bóng đã thắng như chẻ tre ở mùa giải năm ngoái. Rất nhiều nguyên do được phân tích mổ xẻ nhưng có những điều tưởng chừng như đơn giản lại khiến cho các học trò HLV Kiatisak “tụt mood”, đấy là việc thi đấu trên sân có khán giả.
Lại nói chuyện chưa cũ, tại V.League 2021, HAGL là nhà “vô địch” khi thi đấu trên sân nhà. Đội bóng phố Núi bất bại tại Pleiku với 5 trận thắng, 2 trận hoà. Tức, họ thu về 17/29 điểm sau 12 vòng đấu, cho đến khi V.League 2021 bị huỷ. Thật không quá khi nói rằng, sân Pleiku trở thành “pháo đài” bất khả xâm phạm. Cho đến bây giờ, HAGL vẫn chưa để thua nhưng điều này sẽ không còn là… nguy cơ nữa khi họ phải đối đầu với đội đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng là Viettel vào chiều 11/3.
“Bình thường hoá với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu…”
“Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng, chống dịch đã được tổng kết. Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu”…
Trên đây là thông tin được đăng tải ngày 4/3 trên Báo điện tử Chính phủ (Chinhphu.vn). Ở vào thời điểm này, COVID-19 vẫn là vấn đề thời sự nóng hổi không chỉ Việt Nam mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Vào thời điểm này, các giải đấu bóng đá hàng đầu đều gần như đã mở cửa cho khán giả vào sân. Dễ thấy như giải ngoại hạng Anh diễn ra vào cuối tuần, các khán đài sân vận động đều được các CĐV lấp kín.
Thời gian qua, bóng đá Việt Nam đã và đang “sống chung” với COVID-19 khi chuyển sang trạng thái bình thường mới. Các đội bóng, các thành viên tham gia đều xác định tư tưởng phải “sống chung” cùng dịch bệnh. Đương nhiên, những người tham gia phải đối diện với những nguy cơ từ COVID-19 và các biến thể.
Cũng nói thêm, tại V.League 2022, Hà Nội FC là đội bóng vẫn chưa thi đấu trận nào. Nguyên do là tất cả các thủ môn của Hà Nội FC bị nhiễm COVID-19 và chiếu theo quy định, các trận đấu có sự góp mặt của Hà Nội FC đều bắt buộc phải hoãn. Rõ ràng, chuyện Hà Nội FC phải hoãn các trận đấu là bất khả kháng. Một khi có đủ điều kiện thi đấu, Hà Nội FC sẽ bắt buộc phải thi đấu và nếu trận đấu đó là sân nhà thì sân Hàng Đẫy được phép mở cửa đón khán giải tuỳ tình hình thực tế.
Với các nhà làm giải, nếu giải đấu phải “dồn toa” là bài toán hết sức đau đầu. Bản thân các CLB cũng không muốn rơi vào cảnh phải thi đấu với mật độ dày đặc. Có vô số câu hỏi được đặt ra nhưng có là gì đi nữa, giải đấu vẫn phải tiếp tục, trái bóng sẽ phải năm. Và bóng đá Việt Nam cũng sẽ phải tiến tới bình thường hoá với dịch bệnh.
Chắc chắn, bóng đá có những đặc thù riêng biệt nên để bình thường hoá không phải dễ dàng. Trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn rất nhiều nguy cơ, thật rất khó để chờ mong các sân vận động của các đội bóng mở hết công suất đón khán giả.
Thực tế, một số địa phương đã và đang áp dụng biện pháp hạn chế khán giả đến sân. Tuy nhiên, khi đã bình thường hoá với Covid-19, chúng ta cần có những giải pháp để khán giả đến sân bình thường như những giải đấu bóng đá hàng đầu trên thế giới.
Bầu Đức, ông ước gì?
Sau 3 trận không thắng, các học trò của Kiatisak đang phải đối diện với những áp lực nặng nề. Trước vòng 4, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã phải gặp toàn đội để “uý lạo” tinh thần. Bầu Đức được biết đến là người bận rộn với công việc. Thế nhưng việc ông xuất hiện tại Hàm Rồng cũng đủ để biết, đội bóng cần ông như thế nào trong hoàn cảnh khó khăn như hiện tại.
Có một khán giải đặt ra một câu hỏi: “Nếu có một điều ước vào lúc này, thì bầu Đức ước gì?”. Với tính cách của bầu Đức xưa nay, hẳn rằng, ông không nói những điều cao xa. Bóng đá với bầu Đức là được phục vụ khán giả, đặc biệt là các khán giả Gia Lai. Những gì bầu Đức làm đều phục vụ bóng đá Việt Nam và phục vụ cho tình yêu của các CĐV. Cho nên, việc sân Pleiku lần thứ 2 phải đá kín, hẳn là một nỗi buồn không chỉ bầu Đức và còn với NHM của HAGL.
FIFA từng có phát kiến sử dụng âm thanh trong game FIFA để giả lập không khí trên sân nhằm giúp cầu thủ vơi đi sự tẻ nhạt. Rất nhiều cầu thủ nói rằng, thứ âm thanh ấy chẳng giúp cảm xúc tốt hơn thậm chí nó gây “ô nhiễm” trong môi trường chơi bóng. Rõ ràng, bóng đá không thể thiểu khán giả, cầu thủ không thể thiếu khán giả, các nhà tổ chức, nhà tài trợ cũng thể thiếu khán giả…
Với HAGL hiện tại, họ cũng cần những “liều doping” từ những hàng ghế khán giả trên sân Pleiku. Điều đó dường như rất khó xẩy ra khi trận đấu giữa HAGL và Viettel đang được đếm ngược từng tiếng đồng hồ.
Bầu Đức đang có quá nhiều điều để lo cho đội nhà và có lẽ cá nhân ông không để ý những chuyện bên lề. Dẫu vậy, hẳn nhiều người đang liên tưởng đến câu chuyện của Chí Phèo. Trong lúc đang cô đơn như "anh Chí" thế này mà bầu Đức nhận được "tô cháo hành của Thị Nở" thì tuyệt vời biết bao nhiêu!.
Ừ, đấy là câu chuyện của nhà văn Nam Cao trong sách vở, còn hiện tại những người đứng xung quanh “anh Chí” đang cười trừ, đang sợ “quả bóng trách nhiệm”, chứ làm gì có bát cháo hành hay sự san sẻ nào.
Nhật Thị